CHÚA NHẬT 18 QUANH
NĂM
(Lu-ca 12: 13-21)
Nếu ta sống trong mối quan hệ với Thiên Chúa như
cha con và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Người thì tại sao ta còn phải
tìm cách cậy dựa vào những quyền lực trần gian như tiền bạc, của cải? Trong huấn dụ về việc làm môn đệ, Chúa
Giê-su đã đòi hỏi ta phải tuyệt đối gạt bỏ mọi thứ trở ngại vương vấn để hoàn
toàn dấn thân theo Người (Lc 9:57-62).
Một trong những trở ngại lớn lao nhất, đó là tiền bạc của cải làm cho ta
bận tâm và không còn thiết tha theo Chúa nữa.
Đây cũng là một đề tài căn bản dành cho mọi Ki-tô hữu suy nghĩ để biết
mình phải có thái độ nào đối với tiền bạc của cải đời này. Nhân dịp một người đến xin Chúa Giê-su lấy
uy tín của Người để đòi người anh của anh ta phải chia gia tài cho anh, Người
đã nắm lấy cơ hội này để trình bày một chân lý căn bản cho việc chuẩn bị tương
lai vĩnh cửu của ta: hãy lo làm giàu
trước mặt Thiên Chúa.
a) Bảo đảm mạng sống
Ta
có thể hiểu là vì tham lam, người anh trong câu truyện đã không chia phần gia
tài cho người em theo lẽ công bằng. Anh
ta tham lam muốn có dư giả của cải để bảo đảm cho mạng sống mình. Người đời chỉ nhìn thấy sự sống trước mắt và
lo lắng về sự sống ấy, chứ ít khi nghĩ đến và chuẩn bị cho sự sống đời
sau. Do đó, Chúa Giê-su thường nói về sự
sống đích thực tức là sự sống đời đời trong các lời giảng của Người, nhất là
trong Tin Mừng Gio-an. Người đã khẳng
định sự sống đời đời là: “Tất cả những
ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ
sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40).
Chỉ
có Thiên Chúa mới là Đấng bảo đảm sự sống đích thực cho ta, vì Người làm chủ sự
sống của ta. “Anh em đừng sợ những kẻ
giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong
hỏa ngục” (Mt 10:28).
Chúa
Giê-su, trong bài giảng trên núi đã cho ta thấy tính cách ưu việt của sự sống
đích thực. Ngay đến sự sống thể xác
cũng đã được Thiên Chúa quan phòng chăm sóc cho ta (Mt 6:25-34), huống chi là
sự sống thiêng liêng. Người đi tới kết
luận: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công bình của Người,” tức là hãy lo lắng cho tương lai vĩnh
cửu của ta.
b) Nỗi ưu tư của nhà phú hộ
Đâu
phải cứ giàu có, dư đầy của cải là tâm hồn được thảnh thơi! Ta cứ xem gương nhà phú hộ trong dụ ngôn
Chúa Giê-su kể. Ông ta lúc nào cũng lo
lắng làm giàu. Của cải đã trở thành một
áp lực và một câu hỏi luôn đè nặng đầu óc:
“Mình phải làm gì đây?” Ông ta
mơ ước có một lúc nào đó sẽ dừng lại không còn lo làm giàu nữa và sẽ lo nghỉ
ngơi, ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng sẽ
chẳng bao giờ có “lúc ấy” cả, vì đối với ông không có giới hạn nào gọi là đủ,
mà chỉ có thiếu thôi.
Nỗi
ưu tư của nhà phú hộ không vượt quá bản thân mình. Ông ta lo cho mình, chứ không lo cho ai cả. Ông quy hướng mục đích làm giàu về một tương
lai mà ông không bao giờ nắm chắc được, đó là một cuộc sống phong lưu nhờ của
cải ông ta có. Ai có thể tự mình kéo
dài thêm cuộc sống của mình được? (Mt 6:27).
Cái chết chẳng kiêng nể một ai, kể cả nhà phú hộ. Cho nên ưu tư kiểu ấy đã được Chúa Giê-su
“tặng” cho một mỹ từ là “đồ ngốc”!
Ưu
tư cho những nhu cầu của anh chị em và nhất là cho những kẻ nghèo đói là ưu tư
đích thực mà Chúa Giê-su đã nêu gương.
Một thoáng mệt nhọc trên khuôn mặt các tông đồ cũng không qua khỏi con
mắt Chúa Giê-su. Người bảo họ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31).
Bà mẹ vợ ông Phê-rô nằm liệt và lên cơn sốt là mối ưu tư của Chúa Giê-su
(Mt 8:14-15). Dân chúng vất vưởng như
bầy chiên không người chăn dắt đã làm cho Chúa Giê-su chạnh lòng thương (Mt
9:36-38). Chúa Giê-su không lo làm giàu
cho mình, nhưng cho tha nhân và lợi ích của họ.
c) Lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa
Thiên
Chúa là Cha. Người ban cho chúng ta mọi
sự vật chất lẫn tinh thần thì Người đâu cần thấy mỗi người chúng ta phải là
triệu phú. Nhưng Thiên Chúa muốn ta
giàu có về phương diện khác, nghĩa là phải giàu có như chính Người. Trong Kinh Thánh, ta thường gặp đi gặp lại
những tư tưởng về sự giàu có của Thiên Chúa.
Người giàu có tình yêu đến độ sẵn sàng ban Con Một Người cho thế
gian. Người giàu lòng từ bi và nhân hậu
đến nỗi không chấp tội ta và còn tìm đủ mọi cách để cứu chuộc ta.
Thấy
ta nghèo nàn vì đã bị tội lỗi tước bỏ mọi sự, Thiên Chúa muốn phục hồi sự giàu
có cho ta nhờ Chúa Giê-su. Trước hết
Người muốn cho ta được giàu có sự sống, nhờ Chúa Giê-su là Đấng Chăn chiên
lành. “Tôi đến để cho chiên được sống
và sống dồi dào” (Ga 10:10). Qua Thánh
Thần, Thiên Chúa ban cho ta quyền làm con, được cùng với Chúa Giê-su thừa kế
gia nghiệp của Thiên Chúa (Rm 8:14-17).
Như
vậy, càng sống trọn vẹn thân phận làm con Chúa bao nhiêu, ta càng trở nên giàu
có bấy nhiêu. Muốn giàu có như vậy, ta
phải trải qua một cuộc biến đổi. Càng
trở nên giống với Chúa Giê-su thì ta càng giàu có với những giá trị của Tin
Mừng. Cuộc Ki-tô hóa thể hiện nơi ta sẽ
phục hồi tất cả những gì bị mất đi do tội lỗi.
Gia nghiệp của Thiên Chúa cứ mỗi ngày một thuộc về ta và vinh quang
Thiên Chúa càng gần kề ta hơn nữa.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Của
cải tiền bạc đã chi phối cuộc sống tôi như thế nào? Tôi có thực sự làm nô lệ cho chúng không?
Tôi
có lo lắng cho anh chị em trong những nhu cầu dù bé nhỏ nhất của họ không?
Là
người môn đệ của Chúa Giê-su, tôi có trông lên Chúa như mẫu gương để có thái độ
đúng khi sử dụng tiền của không?
Tôi
khám phá được những gì nơi sự giàu có của Chúa Giê-su?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
giàu
sang, danh vọng, khoái lạc
là
những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng
trói buộc chúng con
và
không cho chúng con tự do ngước lên cao
để
sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin
giải phóng chúng con
khỏi
sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ
cảm nghiệm được phần nào
sự
phong phú của kho tàng trên trời.
Ước
gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán
tất cả những gì chúng con có,
để
mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và
ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước
những lời mời gọi của Chúa,
không
bao giờ ngoảnh mặt
để
tránh cái nhìn yêu thương
Chúa
dành cho từng người trong chúng con.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 13)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi