SUY NIỆM CHÚA NHẬT XX - 2001
Trong
xu hướng toàn cầu hóa thì định luật cạnh tranh càng trở nên khắt khe : đó là
điều làm cho nhiều người lo lắng, và cách đặc biệt các nước thuộc thế giới thứ
ba sẽ không còn khả năng tự bảo vệ nền kinh tế vốn quá yếu kém của mình. Nói
được rằng ý niệm cạnh tranh giờ đây bao hàm luôn một thuộc tính đáng sợ
"không khoan nhượng".
Thực
ra sự cạnh tranh trên bình diện cuộc sống thường ngày chỉ là một phản ảnh tất
yếu của một cuộc cạnh tranh nằm ngay trong sâu thẳm bản thân mội một con người.
Lời Chúa hôm nay muốn phơi bày thực tại ấy, một thực tại mà con người ở mọi
thời dường như luôn tránh né và không muốn đối diện.
Giêrêmia
hôm nay bị các vương công ném xuống giếng bùn không phải vì Giêrêmia tranh
giành địa vị hay tiền bạc với họ, nhưng chỉ vì Giêrêmia tố cáo sự bội tín của
họ đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa. Các vương công đang biến Dân Chúa trở
thành dân của những tham vọng chính trị trần thế, rời bỏ Giao Ước họ đã ký kết
với Thiên Chúa theo đó "Họ là dân riêng của Chúa, và Chúa là Thiên Chúa
của họ". Các vương công thì muốn chạy theo thế lực của Ai Cập, một Đế Quốc
mới. Họ muốn dân quy phục Ai Cập, phục vụ quyền lợi của Đế Quốc này.
Vào
thời Đức Giêsu, những nhà lãnh đạo của Israel đạo cũng như đời đã biến Đền Thờ
Giêrusalem thành một trung tâm quyền lực phục vụ cho những quyền lợi của phe
nhóm và đảng phái chính trị : họ muốn một sự ổn định trong mối tương giao với
Đế Quốc Rôma để giữ được quyền lợi của bản thân họ. Với quyền lực ấy họ phế bỏ
những lề luật của Giao Ước không trực tiếp phục vụ cho tham vọng của họ : tạo
nên một xã hội mà Đức Giêsu gọi là "thế hệ gian tà". Thậm chí họ biến
Đền Thờ thành nơi buôn thần bán thánh, thành hang trộm cướp, "để nuốt
trửng đồng trinh cuối cùng của các bà góa". Trong bối cảnh như thế, tất
yếu con người như Đức Giêsu "đã đến ném lửa vào trái đất" lại còn
"những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên", những con người như vậy
tất yếu bị loại trừ theo định luật "cạnh tranh không khoan nhượng".
Vào
thời hoạt động của Phaolô, thời cực thịnh của Đế Quốc Roma, khi mà trong toàn
đế quốc sự phồn vinh và hưởng thụ trở thành nếp văn hóa tiêu biểu, thì những
lời rao giảng về "một Đức Giêsu chịu đóng đinh" đúng là sự điên rồ,
và trở thành tư tưởng phá hoại sự ổn định xã hội. Vì vậy người ta nghỉ là phải
cưỡng bách giập tắt. Người tín hữu bị ruồng bắt khắp nơi.
Trong
xã hội ngày nay, để có cơm ăn áo mặc, và để có một cuộc sống có thể đối diện
với mọi người, con người bị ném vào một guồng máy lao động không thể cưỡng chế.
Những giá trị luân lý và đạo đức không cho người ta công ăn việc làm, không cho
người ta leo lên những nấc thang xã hội, đều trở thành những giá trị nghiệt ngã
phải chối bỏ. Vì thế người ta rời xa Giáo Hội, rời xa cuộc sống Đức Tin để đáp
ứng những nhu cầu không thể thiếu của đời sống thường ngày.
Xem
như thế, vào bất cứ thời điểm nào Lời Chúa luôn đặt trước mắt con người phải
làm một cuộc lựa chọn. Sự lựa chọn nào cũng có những đòi hỏi tất yếu phải thanh
tẩy những điều không tương xứng và không tương hợp. Và điều ấy tạo nên những
đối kháng, những đấu tranh. Những con người như Giêrêmia, như Phaolô giống như
chính Đức Giêsu đã phải dùng chính cái chết của mình để khẳng định sự bình an
đích thật là sự bình an mà Giao Ước của Thiên Chúa trao ban. Sự bình an ấy đòi
hỏi phải thanh tẩy tội lỗi khỏi cuộc sống. Sự thanh tẩy ở đây không phải là
những cưỡng chế từ bên ngoài, không phải là những vu khống, bắt bớ, cho dù nó
vẫn thường diễn ra như thế. Nhiều người đã nhân danh niềm tin để đòi cho được
thứ tự do trong cơ chế, trong tổ chức, trong cơ cấu xã hội. Nhưng Tin Mừng lại
chỉ mời gọi con người hãy dấn thân cho một cuộc đua tâm linh : nơi con người
chỉ đối diện với chính mình.
Thánh
Phaolô thật chí lý khi nhận định về mọi nỗi khổ cực và cả sự chết của Đức
Giêsu. Đây không phải là cơ chế, tổ chức, cơ cấu xã hội là nguyên nhân cái chết
ô nhục của Người, nhưng "Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình,
mà cam chịu khổ hình thập giá...", đúng như chính Người đã minh xác
"Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến
khi việc ấy hoàn tất". Sự đấu tranh kiên cường phải có là sự đấu tranh với
chính mình, với lựa chọn phải có trong cuộc sống, để luôn luôn biết "mở
miệng hát bài ca mới. Bài tán dương Thượng Đế chúng ta".
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên