Chúa Nhật Thứ 20 Thường Niên
(19-8-2001)
Đọc Lời Chúa
·
Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua: Xin ngài cho giết
Giê-rê-mi-a đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn
lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà
bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ. (5) Vua Xít-ki-gia-hu nói: Đây ông ta đang ở
trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được. (6) Họ liền điệu ông Giê-rê-mi-a đi, và bỏ
xuống một cái hầm nước của hoàng tử Man-ki-gia-hu, trong sân vệ binh. Họ lấy
dây thừng thả ông Giê-rê-mi-a xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn,
nên ông bị lún sâu.
·
Dt 12,1-4: (1b) Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi
đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, (2) mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và
kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu
khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên
Chúa.
·
TIN MỪNG: Lc 12,49-53
Thầy
đến để gây chia rẽ (//Mat 10,34-36)
(49) Thầy đã đến ném
lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng
Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
(51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để
ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì
từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai
chống lại ba. (53) Họ
sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại
con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại
mẹ chồng.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn triệt
để sống tinh thần Tin Mừng vượt mức bình thường của mọi người, hoặc hăng say
dấn thân làm việc cho Thiên Chúa, nhân loại và Giáo Hội đến nỗi phải hy sinh
rất nhiều, thì thái độ của những người chung quanh bạn thế nào? khen ngợi hay
chê bai? ủng hộ hay chống đối?
2. Đức Giê-su
nói: Ngài đến không phải để đem lại hòa bình mà là sự chia rẽ, điều đó có đúng
trong thực tế không? Xin đan cử vài trường hợp cụ thể.
Suy tư gợi ý:
1. Tâm lý chung của con người
Những
ai đã từng sống cuộc đời sa đọa, bê bối, hoặc dưới trung bình về mặt đạo đức,
chắc chắn sẽ được những người thân (cha mẹ, thầy cô, vợ con, anh chị em, bạn
bè.) chung quanh mình nâng đỡ, vực dậy, kéo ra khỏi vũng bùn. Nhưng những người
đã từng sống một cuộc đời vượt hẳn mức trung bình, chẳng hạn muốn triệt để sống
theo tinh thần Tin Mừng, muốn hy sinh, quên mình thật sự để phục vụ tha nhân,
hoặc triệt để sống phó thác vào Chúa, thì sẽ bị những người chung quanh khuyên
can, lôi mình xuống. Nếu khuyên can không được, họ sẽ nói mình dại dột, khùng, mát. thay vì nể phục. Nhiều vị thánh,
khi quyết tâm triệt để sống
theo lời khuyên của Tin Mừng, thì bị chính những người thân mình nhất cản trở,
như trường hợp thánh Phan-xi-cô Khó Khăn. Khi ngài quyết tâm từ bỏ đời sống
giàu sang, bán mọi thứ mình có để bố thí, chấp nhận sống nghèo khó hầu hòa mình
và phục vụ những người khốn khổ, thì cha mẹ ngài cản trở. Cản không được, hai
ông bà bèn cho gia nhân chửi mắng Ngài là đồ khùng, ngu xuẩn, và cho phép họ
ném cà chua, đồ dơ vào ngài mỗi khi ngài đi ngang qua nhà.
2. Tâm
lý ấy bất lợi cho các ngôn sứ
Tâm
lý của con người là như vậy. Mình xuống thấp thì họ nâng mình lên, điều đó thật
là tốt! Nhưng mình lên quá cao thì họ lôi mình xuống. Các ngôn sứ của Thiên
Chúa đều cảm nghiệm được tâm lý này nơi những người thân mình. Khi ý thức được
tiếng Chúa gọi mình làm chứng cho Ngài, cho chân lý, công lý và tình thương,
đồng thời muốn đáp trả ơn gọi ấy một cách quảng đại, can đảm, người ngôn sứ sẽ
phải đối phó hoặc chiến đấu với chính những người thân yêu nhất của mình, những
đồng đạo của mình. Chính điều này làm cho người ngôn sứ trở nên hết sức đơn
độc, và nỗi khổ tâm chủ yếu của người ngôn sứ không phải ở chỗ phải hy sinh
những điều mà Chúa trực tiếp đòi hỏi cho bằng phải chịu sự bách hại của chính
những người thân yêu mình: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè. Nhiều khi càng
là người thân thì lại càng cản trở mình mạnh hơn. Tuy nhiên, người ngôn sứ
không thể vì sự chống đối của người thân mà bực bội hay ghét bỏ họ, vì họ không
thể làm gì khác hơn điều họ nghĩ.
Như
thế, người ngôn sứ phải hy sinh nhiều mặt:
- Những
hy sinh đến từ sự đòi hỏi của Thiên Chúa, của ơn gọi, của lương
tâm: Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi
người ngôn sứ phải hy sinh và chịu đau khổ cao độ hơn người khác;
- Những
hy sinh đến từ những bách hại của những người có hành vi sai trái mà người ngôn sứ cảm thấy phải lên tiếng
cảnh báo;
- Những
hy sinh đến từ những người thân yêu nhất của mình: những người này rất yêu thương mình, saün
sàng hy sinh cho mình, nhưng lại không chấp nhận cho mình dấn thân ở mức độ mà
họ cho là quá mức cần thiết. Vì sự dấn thân bị coi là quá mức ấy có thể gây thiệt hại cho họ (khiến họ bị
liên lụy, bị mất quyền lợi, phải lo lắng và buồn phiền nhiều chuyện, phải khổ
tâm khi thấy mình khổ, hoặc phải lo sợ cho sự an nguy của mình). Chẳng hạn, một
người chồng muốn dấn thân cho Chúa nhiều hơn làm sao tránh được tình trạng buộc
người thân mình cũng phải phần nào chấp nhận hy sinh, thiệt thòi và cực khổ
nhiều hơn vì mình? Một linh mục hay một tu sĩ muốn làm ngôn sứ làm sao tránh
được chuyện làm phiền hà các bề trên mình, tập thể của mình (linh mục đoàn, nhà
dòng), và những người mình có nhiệm vụ chăm sóc?
3. Chúa
và ơn gọi có thể là nguyên nhân gây chia rẽ
Người
ta thường nghĩ Đức Giê-su hay các ngôn sứ là những người đem lại bình an cho
tâm hồn con người, và là nguyên lý nối kết mọi người lại với nhau. Điều đó rất
đúng, nhưng chỉ đúng một mặt, vì xét trên một bình diện khác, thì chính Đức
Giê-su và các ngôn sứ lại là những người đem lại sự bất ổn cho tâm hồn, và là
nguyên lý gây nên chia rẽ giữa mọi người.
- Đem lại bất ổn, vì
các ngài luôn luôn đặt mọi người trước một vấn đề lương tâm buộc họ phải có một
thái độ: hoặc theo tiếng lương tâm, hoặc không theo. Theo tiếng lương tâm thì
phải hy sinh nhiều thứ, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải sống cao
thượng, anh hùng. nhưng tâm hồn được bình an. Còn không theo tiếng lương tâm
thì không bị thiệt thòi hay đau khổ gì, nhưng lại bị chính lương tâm mình cắn
rứt, dày vò, và cũng có thể bị dư luận chê trách.
- Gây chia rẽ, vì
trước sự đòi hỏi của Đức Giê-su, của tiếng lương tâm, con người sẽ có nhiều
thái độ khác nhau. Những người không nghe theo lương tâm vì sợ phải hy sinh và
đau khổ sẽ có đủ những lý lẽ biện minh cho thái độ của họ, để tự đánh lừa lương
tâm mình hầu được bình an. Và để chứng tỏ mình hành động đúng, họ có thể kết án
những người kia là thiếu khôn ngoan, dại dột, quá khích, là gây hại, gây chia rẽ.
Chính ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bài đọc I cũng bị nhiều người đồng thời đánh
giá: Những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong
thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân
này, mà chỉ gây tai họa. Thế là vì lời
mời gọi của Chúa, của tiếng lương tâm mà trong nội bộ gia đình, đoàn thể, Giáo
Hội. có sự chia rẽ, xung đột, tranh đấu, chống đối nhau. Đương nhiên phần thua
thiệt đau khổ sẽ nghiêng về những người làm đúng theo sự đòi hỏi của ơn gọi,
của lương tâm.
4. Sự
chia rẽ đến từ những nhận thức khác nhau
Do
cách nhìn cao thấp, rộng hẹp, nông sâu khác nhau, và do mức độ dấn thân khác
nhau, mà có sự mâu thuẫn và xung đột giữa những người cùng dấn thân theo Chúa,
phục vụ xã hội hay Giáo Hội. Sự khác biệt là tất yếu: người biết hoặc quảng đại
ở mức 100 không thể thấy và hành động cùng một cách với người ở mức 50, và
người ở mức 50 không thể giống với người ở mức 10. Người biết 100 điều này
không thể có cùng một cách nhìn và hành động với người biết 100 điều kia.
Có
những người nhìn thấy những giá trị lớn mà xa, có những người chỉ thấy được
những giá trị nhỏ trước mắt. Vì thế, người trước chủ trương hy sinh giá trị nhỏ
trước mắt để đạt được giá trị lớn về sau, và được thúc đẩy làm như vậy. Còn
người sau nhận thấy không nên thả mồi
bắt bóng, nên quyết tâm bảo thủ những giá trị đang nắm trong tay, không
quan tâm tới những gì chưa thấy. Vậy là cùng theo đuổi và quyết tâm thực hiện
điều tốt, nhưng người ta bất đồng và chia rẽ nhau. Vấn đề không còn là chọn
giữa cái tốt và cái xấu, mà giữa hai cái đều tốt: cái tốt nhỏ và cái tốt lớn,
cái cần thiết và cái ích lợi.
Chẳng
hạn, Chúa đòi buộc ta phải hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương con cái, nhưng cũng
lại đòi buộc ta phải saün sàng hy sinh mọi sự cho Nước Trời. Cả hai điều đều
tốt và đều buộc ta phải thực hiện. Nhưng cũng có những trường hợp hai điều tốt
ấy xung đột nhau: chẳng hạn, nếu quá lo lắng cho cha mẹ, con cái thì không thể
lo cho đại cuộc Nước Trời, và ngược lại. Vì thế, Chúa bảo: Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng
với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt
10,37).
Vậy,
nhận thức khác nhau về những điều tốt, và mức độ quảng đại khác nhau trước
tiếng gọi của Chúa hay trước sự đòi buộc của lương tâm có thể khiến người trong
cùng gia đình, cùng tập thể, xứ đạo, giáo phận chia rẽ nhau, chống đối nhau.
Tình trạng có thể trầm trọng đến mức Kẻ
thù của mình chính là người trong nhà (Mt 10,36). Những người dấn thân
triệt để cho Thiên Chúa nên nhận thức và saün sàng chấp nhận điều này.
Cầu nguyện
Lạy
Cha, ngay từ khi con lãnh nhận bí tích rửa tội, con đã lãnh nhận thiên chức
ngôn sứ của Cha. Là ngôn sứ từ thuở ấy, nhưng đã mấy khi con sống đúng tư cách
ngôn sứ của mình! đã mấy khi con sống cho ra ngôn sứ của Cha! Xin cho con dám
can đảm chấp nhận tất cả những khó khăn đau khổ xảy đến, khi hoàn cảnh buộc
lương tâm con phải lên tiếng làm chứng cho Cha, cho chân lý, công lý và tình
thương. Xin đừng bao giờ để con lấy cớ khôn ngoan để hành xử một cách hèn nhát
trước bạo lực. Xin hãy cho con dám nói hoặc làm khi lương tâm người Ki-tô hữu
buộc con phải nói hay làm một điều gì đó xứng hợp với chức năng ngôn sứ của
mình. Xin ban ơn can đảm để con sống đúng thiên chức ngôn sứ của người Ki-tô
hữu trong con. Amen.
Joan
Nguyễn Chính Kết