Chúa Nhật 20 Quanh Năm
(19-8-010)

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Do-thái 12: 1-4

        Ở chương 11, thư Do-thái đã trưng rất nhiều tấm gương về đức tin trong lịch sử Ít-ra-en: đó là những người đã hành động dựa trên một niềm hy vọng tốt hơn, mặc dù khi còn sống họ đã không đạt được những gì họ đã hy vọng.

        Nhưng tất cả "đám mây" nhân chứng đức tin ấy là để chuẩn bị đưa chúng ta tới chiêm ngưỡng một tấm gương đức tin toàn hảo, là Đức Ki-tô. Người là "Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin."

        "Đức Ki-tô khai mở và kiện toàn lòng tin" phải là chủ đề suy niệm của chúng ta hôm nay. Nói đến khai mở là nói đến khơi nguồn. Đức Ki-tô là nguồn gốc đức tin. Chính nơi Người khởi sự một đức tin mới của nhân loại đặt trọn nơi Thiên Chúa. Nói khác đi, Đức Ki-tô đã nhân danh nhân loại để thiết lập một quan hệ đức tin với Thiên Chúa. Nếu chúng ta coi nơi Áp-ra-ham (xem bài đọc Chúa Nhật 19) được khai mở một đức tin, để "nhờ đức tin" ấy, Thiên Chúa tuyển chọn một dân riêng và lập Giao Ước với họ, thì cũng thế, chính nơi Đức Ki-tô khai mở một đức tin vẹn toàn, để "nhờ đức tin" của con người Giê-su, Thiên Chúa tuyển chọn một Dân Mới và lập một Giao Ước vĩnh cửu. Sự khai mở đức tin của Đức Ki-tô là hoàn hảo, vì không có một chút bế tắc nào cả. Giữa Đức Ki-tô và Thiên Chúa là tất cả sự tín thác trọn vẹn, không mảy may nghi nan hoặc dè dặt. Nguồn suối đức tin chảy từ Thiên Chúa, qua Đức Ki-tô, đến với nhân loại. Vì đức tin là một quan hệ tín thác hỗ tương, nên sự khai mở có hai chiều, từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đáp trả lại Thiên Chúa. Vậy nhờ Đức Ki-tô khai mở lòng tin, chúng ta mới cảm nhận được sức sống và sinh động của đức tin, khi chúng ta kết hiệp với Người để có thể nhận lấy tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả tình yêu ấy.

        Sau khi giới thiệu Đức Ki-tô là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin, có lẽ thư Do-thái không quên giải thích Đức Ki-tô đã khai mở lòng tin như thế nào. Ngài viết: "Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục." Viết dòng này, tác giả thư Do-thái muốn nói lên Đức Ki-tô đã sống niềm tin như thế nào. Khai mở lòng tin tức là sống lòng tin ấy. "Người đã khước từ niềm vui dành cho mình" vang vọng những lời trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê: "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa..." Cho nên với Chúa Ki-tô, khai mở lòng tin có nghĩa là "hoàn toàn trút bỏ vinh quang", trở nên phàm nhân trước mặt Thiên Chúa Cha và hạ mình, vâng lời cho đến chết trên thập giá, hoặc nói theo thư Do-thái, là "cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục."

        Trong sự khai mở đức tin của Đức Ki-tô, chúng ta đã nhìn thấy chính sự kiện toàn đức tin rồi. Khi đề cập tới Lề Luật Mô-sê, Đức Ki-tô đã khẳng định: "Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5:17). Hình ảnh Đức Ki-tô kiện toàn Lề Luật cũng có thể giúp chúng ta suy diễn hình ảnh Đức Ki-tô kiện toàn lòng tin. Khi đức tin của Đức Ki-tô trở thành nền tảng và gương mẫu cho đức tin của chúng ta, thì đức tin ấy phải ở mức độ hoàn hảo. Thực vậy, nơi con người Đức Ki-tô, lòng tin và lòng trung thành đã biểu lộ trọn vẹn qua việc Người chấp nhận thập giá ô nhục và cái chết. Cho nên việc "nay Người đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa" chỉ còn là một chứng từ hùng hồn nói lên rằng: Đức Ki-tô đã làm cho đức tin được kiện toàn, vì Người đã đạt tới mục đích của đức tin, tức là được "ngự bên hữu ngai Thiên Chúa."

        Có lẽ ít khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Ki-tô như một con người có lòng tin. Điều này cũng không lạ, vì nó hơi xa với cách biểu lộ đức tin của chúng ta khi chúng ta quen cầu nguyện, xưng tụng Người là Chúa, là Ngôi Hai, là Con Thiên Chúa. Do đó, khi trình bày Đức Ki-tô như một con người khai mở và kiện toàn lòng tin, thư Do-thái muốn nhấn mạnh rằng: cũng như các gương mẫu đức tin đã sống trước Người, Đức Ki-tô đã được đức tin nâng đỡ, và Người đã sống đức tin ấy khi Người tín thác rằng Thiên Chúa sẽ luôn bênh vực Ngài cho dù Ngài có phải chịu ô nhục và chết trên thập giá.

        Những lời tiếp theo của đoạn thư Do-thái quả thực là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy "hướng mắt về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin."

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Tất cả cuộc đời Chúa Giê-su là một biểu lộ lòng tin nơi Thiên Chúa. Qua sách Tin Mừng, tôi thấy biến cố nào trong đời sống Người nói lên đức tin sinh động của Người rõ ràng nhất? Suy niệm biến cố ấy sẽ ảnh hưởng tôi như thế nào?

        Thư Do-thái viết: "Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã..." Vậy tôi phải tưởng nhớ như thế nào mới giúp tôi "khỏi sờn lòng nản chí"?

        Cũng giống với tư tưởng của thánh Phao-lô, thư Do-thái gọi cuộc đời chúng ta là "một cuộc chạy đua". Đâu là đích tới, động lực và cách chạy của tôi trong "cuộc chạy đua" đời tôi?

        Có gì bế tắc trong quan hệ tín thác (=đức tin) giữa tôi với Chúa? Tôi sẽ làm gì để khai thông những bế tắc ấy và dần dần đi tới kiện toàn?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lại Kinh Tin Kính, hoặc hát bài "Con chỉ là tạo vật", CNLT 85.

Lm. Trần Đình Nhi