CHỦ NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
19.08.2001
NGHE
* Gr 38,4-6.8-10:
"Xin ngài cho giết
con người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn
lại trong thành, cũng như toàn dân." (các thủ lãnh thưa với vua
Xítkigiahu).
"Thưa đức vua, chúa
thượng tôi những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giêrêmia.
Họ đã thả ông xuống hầm và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không
còn bánh nữa." (thái giám Evét Meléc nói với vua Xítkigiahu).
"Ngươi hãy đem theo
ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giêrêmia lên khỏi hầm, kẻo ông ấy chết
mất." (Vua Xítkigiahu truyền cho thái giám Evét Meléc).
* Dt 12,1-4:
Chúng ta hãy cởi bỏ mọi
gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình và hãy kiên trì trong cuộc đua dành
cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.
* TIN MỪNG: Lc 12,49-53:
Thái độ của Đức Giêsu trước cuộc Thương Khó - Thầy đến để gây chia rẽ.
Thầy đã đến ném lửa vào
mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép
rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
Anh em đừng tưởng rằng
Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải
thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ
chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống
lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại
mẹ; mẹ chồng chống lâi nàng dâu, nàng dâu chông lại mẹ chồng.
NGẪM
* Câu hỏi gợi ý:
1. Thao thức sâu kín và mãnh liệt nhất
của Đức Giêsu là gì?
2. Tại sao Chúa Giêsu lại là đầu mối
gây chia rẽ?
3. Chúng ta đã thật sự chọn Đức Giêsu
và đạo của Người chưa?
4. Chúng ta có chia sẻ thao thức với
Người không?
* Suy tư gợi ý:
1. Thao thức sâu kín và mãnh liệt nhất của Đức Giêsu:
Người giáo dân Việt Nam mỗi khi nói về Đức Giêsu
thì thường chỉ chú trọng đến Thiên tính mà lãng quên nhân tính của Người. Vì
thế mà không thấy tính gẫn gũi, dễ thương, dễ mến cách tuyệt vời của Người.
Nguyên về mặt nhân bản, Đức Giêsu quả là một con người vô cùng đặc biệt. Chúng
ta đã từng thấy Đức Giêsu nhậy cảm như thế nào khi Người chạnh lòng thương
trước đám đông, khi Người xúc động khóc trước mồ Lagiarô. Bài Tin Mừng Giáo hội
đọc trong Phụng vụ hôm nay, giúp chúng ta khám phá thêm về Đức Giêsu: cùng với
một tâm hồn tinh tế và nhậy cảm ít ai có, Người còn có một hệ thần kinh thép và
trong lòng luôn ấp ủ những hoài bão lớn lao:
"Thầy đã đến ném
lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn
một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này
hoàn tất!"
Hoài bão của Đức Giêsu là gì nếu không phải là biến
đổi thế giới này thành Trời Mới Đất Mới? Thao thức của Đức Giêsu là gì nếu
không phải là thực hiện Kế hoạch của Thiên Chúa là xây dựng Nước Thiên Chúa,
Vương quốc và Triều Đại của Thiên Chúa trong mỗi tâm hồn, mỗi cộng đồng, mỗi xã
hội con người? Trời Mới Đất Mới là không gian trong đó con người vui hưởng hạnh
phúc thật là nhận biết, tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương nhau. Nước Thiên Chúa,
Vương Quốc và Triều Đại của Thiên Chúa là thế giới của Sự Sống, của Yêu Thương,
của Bình An và Hoan Lạc!
Để thực hiện hoài bão lớn lao và cao đẹp ấy Đức Giêsu
saün sàng chấp
nhận mọi hy sinh mất mát, thậm chí cả sự hủy diệt bản thân mình. Hơn nữa Người
còn nóng lòng mong đợi cuộc Khổ Nạn mau tới như mong đợi những ngày tốt đẹp,
tuyệt với nhất của đời mình!
2. Đức Giêsu là đầu mối gây chia rẽ:
Câu chuyện ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 là hình
bóng thân phận Đức Giêsu. Trước những lời tiên tri chân thật của Giêrêmia,
nhiều người thù ghét ngài và tìm cách giết hại ngài. Nhưng cuối cùng thì ngôn
sứ đã được cứu. Đức Giêsu cũng thế: ngay từ những trang đầu của Phúc Aâm chúng
ta đã thấy Đức Giêsu bị các nhà lãnh đạo đạo đời thời bấy giờ đối xứ như thế
nào. Người đến với những Lời chân thật, hằng sống; nhưng người nhà không tiếp
rước Người, vì cho rằng Người là mối nguy cơ đe dọa địa vị, quyền lợi tôn giáo,
xã hội và chính trị (dĩ nhiên bao gồm cả kinh tế) của họ. Thật ra Người chỉ là
"tiêu chuẩn" để con người chọn lựa: theo và đón nhận hoặc không theo
và từ chối Thiên Chúa. Người ta không có quyền không chọn lựa! Nhưng người ta
có quyền chọn không đón nhận Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa Tình thương.
Và chính do chọn lựa này mà mỗi người mỗi ngả.
3. Chúng ta đã thật sự chọn Đức Giêsu và đạo của Người chưa?
Đã là người công giáo, thì dĩ nhiên là chúng ta đã
chọn Đức Giêsu và đạo của Người rồi. Nhưng không phải chọn một lần là đủ, là
xong đâu! Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi giai đoạn cuộc đời chúng ta phải
chọn lại. Chọn lại là kiểm điểm xem chúng ta đã thật sự chọn Chúa chưa, vì
nhiều khi, trong nhiều tình huống chúng ta sống theo thế gian, xác thịt và ma
quỉ mà chúng ta không ý thức. Để kiểm chứng sự chọn lựa của chúng ta thì chẳng
khó khăn gì: chúng ta cứ tự hỏi: "Đối với tôi, Đức Giêsu là ai?"
Trong suốt Tin Mừng Máccô câu hỏi vang vọng là: "Còn đối với anh em, anh
em bảo Thầy là ai?" Trả lời bằng miệng: "Đức Giêsu là thế này là thế
nọ.." thì rất dễ, nhưng thể hiện chứng minh những lời ấy bằng hành động cụ
thể thì không dễ chút nào, nhưng đó mới là việc chính yếu.
4. Chúng ta có chia sẻ thao thức với Người không?
Tuần trước tôi có dịp đến thăm một linh mục bạn là
chánh xứ của một họ đạo lớn và nổi tiếng của Miền Nam. Linh mục chia sẻ với
tôi: "Anh biết đấy, đây là một họ đạo kỳ cựu, truyền thống, lâu đời, quê
hương của các thánh Tử đạo.. Nhưng nhìn vào cách sống đạo của giáo dân hiện nay
tôi hết sức chán nản: bỏ đạo thì giáo dân ở đây nhất định không bỏ đạo, vì đạo
đã ăn sâu vào tâm hồn họ. Nhưng hoa trái công bình bác ái thì không có. Chỉ cần
vì một chút quyền lợi vật chất, giáo dân có thể xung đột với nhau. Chỉ vì một
chuyện rất nhỏ, giáo dân có thể chia rẽ, hận thù nhau." Lời phát biểu trên
khiến chúng ta thấy nhức nhối phải không? Một họ đạo truyền thống từ hơn một
trăm năm trên quê hương của các thánh tử đạo, siêng năng đọc kinh, xem lễ . mà
lại không có hoa trái công bình và bác ái. Tại sao vậy?
Tôi nhớ lại bài viết mới đây của Đức Giám mục Bùi
Tuần về những
thao thức của Đức Giêsu. Tôi rất tâm đắc với bài viết ấy. Đọc bài ấy và
đối chiếu với thực trạng của họ đạo mà tôi vừa thăm, tôi càng xác tín điều này:
Giáo hội Việt Nam đang thiếu -một cách trầm trọng- những linh mục, tu sĩ và
giáo dân có lửa trong cách sống
đạo và truyền đạo. Người công giáo Việt Nam, nhất là giáo dân, ít hoặc không
quan tâm đến việc tìm hiểu và chia sẻ những thao thức, hoài bảo, ước mơ của Đức
Giêsu. Vì thế mà đời sống đạo không sâu sắc, không xác tín, không quyết liệt,
không nhiệt thành, không sinh hoa trái công bình và bác ái cho môi trường và
những người chung quanh. Vì thế mà công việc truyền giáo không tiến triển bao
nhiêu. Ai cũng biết tại Việt Nam tỷ lệ người công giáo so với dân số chẳng
những không tăng mà còn suy giảm nữa. Cánh đồng truyền giáo của chúng ta thì
bao la và có rất nhiều thuận lợi. Nhưng chúng ta thiếu những thợ gặt chuyên
nghiệp vừa "hồng" lại vừa "chuyên". Hồng là lòng nhiệt
thành, là cháy lửa đối với các linh hồn. Chuyên là khả năng, là hiểu biết, là
được đào tạo về giáo lý, thánh kinh, công đồng, thần học.
NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, chúng con ngưỡng mộ và bái phục
Chúa! Chúa mang trong tâm hồn những thao thức nóng bỏng, Chúa có những hoài bão
lớn lao, Chúa can đảm cách phi thường. Xin Chúa san sẻ cho chúng con một chút
lửa bừng cháy đang thiêu đốt tâm can Chúa! Để chúng con trở thành những con
người nhiệt thành với Nước Chúa, để chúng con cháy lửa yêu thương tha nhân, để
chúng con có sức mạnh biến đổi xã hội Việt Nam thân yêu của chúng con, một xã
hội đang bị tha hoá trầm trọng, đang mất dần những giá trị truyền thống tốt
đẹp, đang bị phá hoại bởi nền văn hóa đem lại sự chết. Xin Chúa giúp chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội