CHỦ NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN
26.08.2001
NGHE
* Is 66, 18-21:
Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta
sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang
của Ta.
* Dt 12,5-7.11-13:
Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em
như với những người con: Con ơi, đừng
coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai
thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi vọt.
Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với
những người con.
* TIN MỪNG: Lc 13,22-30:
Cửa hẹp. Thiên Chúa ruồng bỏ người Do Thái bất trung và kêu mời dân ngoại.
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua
các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài những
người được cứu thoát thì ít, có phải không?" Người bảo họ: "Hãy chiến
đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ
tìm cách vào mà không thể được.
Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh
em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng
tôi vào!" thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các
anh từ đâu đến!". Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn
uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của
chúng tôi". Nhưng ông sẽ đáp với anh em: "Ta không biết các anh từ
đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất
chính".
Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các
ông Abraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ ở trong Nước Thiên Chúa,
còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc
trong Nước Thiên Chúa.
Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có
những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
NGẪM
* Câu hỏi gợi ý:
1. Ý định của Thiên Chúa là gì?
2. Tại sao Chúa Giêsu trách người Do
Thái?
3. Chúng ta có đáng Chúa trách như
những người Do Thái không?
* Suy tư gợi ý:
1.Ý định của Thiên Chúa:
Trong cách sống đạo, dường như phần đông giáo dân
Việt Nam ít nhiệt thành với việc loan báo Tin Mừng, với việc làm chứng, với
việc mở mang Nước Chúa. Dường như họ chỉ giới hạn tầm nhìn và sự quan tâm vào
phần rỗi cá nhân hoặc cùng lắm là đến "số phận" của Giáo hội. Thế
nhưng Nước Thiên Chúa thì có biên cương rộng lớn hơn Giáo hội. Ý định và Chương
trình Cứu độ của Thiên Chúa thì không chỉ giới hạn ở phần rỗi của mỗi con người
mà bao trùm cả nhân loại và vũ trụ vạn vật. Sỡ dĩ chúng ta hiểu và sống như
thế, vì trong một thời gian dài, chúng ta được dạy rằng Giáo hội và Nước Thiên
Chúa là một thực tại hoặc là hai thực tại nhưng đồng hóa với nhau. Thật ra
không phải như vậy! Chỉ cần đọc lịch sử Dân riêng Chúa và Tin Mừng một cách
chăm chú một chút là chúng ta thấy rõ điều ấy.
Thật vậy, ngay từ thuở đầu, Thiên Chúa đã muốn
thông ban đời sống ân sủng thần linh cho con người, nhưng nguyên tổ loài người
đã dùng tự do mà chối bỏ ý muốn ấy của Thiên Chúa và phá đổ chương trình của
Ngài. Dù vậy Thiên Chúa vẫn không thay đổi Ý định đem hạnh phúc đến cho con
người và quy tụ muôn dân muôn nước thành một dân tộc, thành một gia đình: Dân
Chúa và gia đình của Cha! Dân Do Thái là khởi điểm của sự qui tụ ấy. Giáo hội
tiếp nối vai trò mà Chúa đã giao cho Dân Do Thái xưa, tức vai trò làm dấu chỉ
loan báo Nước Trời và làm công cụ xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian này.
Trong giảng dậy, Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh,
nhiều dụ ngôn để nói về Nước Trời: người gieo giống (Mt 13,23); cỏ lùng (Mt 13,
24-30); hạt cải (Mt 13, 31-32); men trong bột (Mt 13,33); kho báu và ngọc quý
(Mt 13, 44-46); chiếc lưới (Mt 13,47-50). Nhưng hình ảnh mà Đức Giêsu thích
dùng nhất để nói về Nước Trời là Tiệc cưới (Lc 14, 15-24). Đức Giêsu cũng đã
công bố Hiến Chương Nước Trời trong bài giảng Tám Phúc Thật (Mt 5,1-12)! Có thể
nói là Đức Giêsu đã dùng hết cách để giúp người Do Thái thời xưa và giúp chúng
ta ngày nay hiểu Ý định, Chương trình của Thiên Chúa và vai trò ưu tiên và vinh
dự lớn lao mà Thiên Chúa dành cho họ và cho chúng ta.
Để bước vào Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu chỉ đặt ra
một điều kiện nhỏ cho người Do Thái xưa và cho người công giáo chúng ta ngày
nay: đi qua cửa hẹp. Đi qua cửa hẹp có nghĩa: là tuân giữ luật lệ của Thiên
Chúa; là trung thành với giao ước đã ký kết với Người; là đi theo đường lối của
Người; là sống theo tinh thần Bát Phúc...
2. Đức Giêsu trách người Do Thái xưa:
Nhưng nhiều người Do Thái đã không chịu đi qua cửa
hẹp ấy. Họ thích sống theo sở thích và làm theo ý muốn riêng của mình. Họ thích
bày ra đủ thứ tục lệ mà coi thường giới răn của Thiên Chúa. Họ muốn giữ đạo
hình thức, phô trương, mầu mè mà không đi vào trọng tâm của Đạo. Họ ỷ vào
"gốc gác", "lý lịch con ông cháu cha" của mình mà không
chịu phấn đấu và đổ mồ hôi để làm nên sự nghiệp theo Chương trình của Thiên
Chúa. Nên họ đã bị Chúa quở trách và từ chối vào thời điểm quyết định.
3. Đức Giêsu trách chúng ta ngày nay?
Còn chúng ta ngày nay? Chúng ta có đáng bị Chúa
Giêsu quở trách như người Do Thái xưa không? Nhìn vào cách sống Đạo của chúng
ta ngày nay, chúng ta không khỏi tự ái ngại cho chính mình: Chúng ta đi lễ đi
thờ cho có lệ và cho thế là đủ. Chúng ta thờ ơ với việc học hỏi Giáo lý, Thánh
Kinh, Giáo huấn của Giáo hội, vịn cớ là chúng ta ít học và phải vất vả làm ăn
sinh sống, không có thời gian. Chúng ta chạy theo đồng tiền, danh vọng và thú
vui một cách mù quáng và tưởng mình có quyền sống như những người không biết
Chúa. Chúng ta buôn gian bán lận như người không biết có luật công bình bác ái,
mà lương tâm không hề ray rứt. Chúng ta làm những việc, những nghề mà một người
có lương tri lành mạnh không bao giờ dám làm mà lại biện minh cho việc làm của mình
là để sống và để nuôi gia đình. Chúng ta ngại hy sinh, từ bỏ vì cho rằng chỉ có
dại mới cho đi, chỉ có khờ mới từ bỏ. Chúng ta sống đóng kín, ích kỷ, chỉ biết
có mình và sợ phải chia sẻ của cải, thời giờ với người khác vì cho rằng sống
"thủ cho kỹ" là khôn là ngoan, sống bác ái là khùng là dại. Chúng ta
thích đi những con đường cao tốc, thênh thang chứ không muốn đi những con đường
gồ ghề, dốc khó. Chúng ta muốn bước vào cánh cổng rộng mở chứ không chịu bước
qua cửa hẹp. Điều mâu thuẫn là trong khi đó, chúng ta lại muốn sau này được
cùng với các tổ phụ và ngôn sứ, ngồi bên Chúa để dự Tiệc Nước Trời. Nói cách
khác, chúng ta muốn được cả chì lẫn chài, muốn sung sướng hạnh phúc cả đời này
lẫn đời sau. Sao chúng ta "khôn" thế?
NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, Cha muốn chúng
con xây dựng Nước Cha trong tâm hồn, trong gia đình và trong cộng đoàn của
chúng con! Cha còn muốn chúng con xây dựng Nước Cha trong xã hội Việt Nam hôm
nay.. Cha kêu mời chúng con đến làm việc cho vườn nho của Cha! Xin Cha cho chúng
con ý thức hơn nữa về trách nhiệm loan báo và xây dựng Nước Cha trong môi
trường sống của chúng con!
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy và đã làm gương cho
chúng con là phải đi qua cửa hẹp để vào Nước Trời; là phải hy sinh, từ bỏ và
chết đi để xây dựng và mở mang Nước Thiên Chúa.. Xin Chúa giúp chúng con biết
noi theo gương Chúa, biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa mà xây dựng Nước Trời
trong môi trường sống của chúng con!
Lạy Chúa Thánh Thần, vì yếu đuối và hèn nhát nên
chúng con sợ phải bước qua cửa hẹp. Xin Chúa ban sức mạnh nâng đỡ chúng con, để
chúng con bước theo Đức Giêsu, dấn thân vào con đường xây dựng Triều Đại của
Thiên Chúa trong môi trường sống của chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội