SUY NIỆM CHÚA NHẬT
XXII - 2001
Hôm
nay, Đức Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa. Một sự
việc bình thường trong xã hội Do Thái : người ta thường mời bạn hữu về nhà, sau
buổi cầu nguyện ở Hội Đường ngày Sabbat. Người ta không chú trọng đến việc ăn
uống, vì chỉ là những món ăn bình dị, nhưng là cơ hội để trao đổi và thảo luận
về cuộc sống. Chúng ta cũng đã có dịp thấy Chúa Giêsu đến dùng bữa ở nhà Simon
biệt phái.
Đời
thường trong những cái bình dị nhất của nó vẫn là nơi Thiên Chúa hiện diện,
viếng thăm và mang lại cho nó một ý nghĩa mới, một định hướng, một sức mạnh. Và
người ta phải biết đón nhận những dấu chỉ của nó. Đấy chính là điều sách Đức
Huấn Ca nhắc nhở.
Chả
cần phải là một người thông minh, tài trí, cũng có thể thấy ở những bữa ăn ngày
Sabbat ấy không có những hạng người nghèo khổ, bọn cùng đinh, bọn tội lỗi, bọn
thu thuế hay đĩ điếm.. Một người Do Thái chân chính không thể hòa mình với bọn
người ti tiện này. Đó là sự phân chia giai cấp hết sức rõ ràng trong xã hội Do
Thái, sự phân chia mang tính "tôn giáo". Từ sự phân chia ấy, hình
thành một lối suy nghĩ, một lối sống mặc nhiên, thầm kín nhưng hết sức mãnh
liệt : "phải được xã hội thừa nhận địa vị ưu tuyển,thế giá đạo hạnh trước
mọi người", lối sống mà Đức Giêsu luôn phải đối diện: "sống giả
hình", "những kẻ được mời, chọn chỗ nhất". Cách sống và suy nghĩ
ấy đã đẩy xô đại đa số những người nghèo khổ vào nỗi tủi nhục "không danh
phận", trong đời thường của những bữa ăn, và cả trong kinh nguyện và thờ
phượng nữa.
Xã hội
chúng ta tự hào về nếp sống văn minh, nhưng vấn đề cũng không kém phần gay gắt.
Cứ nhìn vào những tổ chức cưới hỏi, ma chay người ta có thể hiểu được cái não
trạng giả hình ấy đã chồng chất thêm mâu thuẫn và bất ổn : có những đám cưới
thuê bao cả 30 xe đời mới trong đám rước dâu chỉ để đưa rước 50 người khách
mời..
Sự có
mặt của Đức Giêsu trong bữa ăn hôm nay, hay ở nhà Simon biệt phái, cũng như
trong mọi hiện diện khác mau chóng bộc lộ tính chất TIN MỪNG. Nếu như khi đồng
bàn với những người nghèo, với bọn thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu bộc lộ thái
độ trân trọng, yêu thương, tha thứ, để bất kể là ai trong số họ cũng nhận ra
được tấm lòng bằng hữu của Người, được giải phóng khỏi tâm trạng bị khinh miệt,
bị kết án, bị loại trừ, thì ở đây Người tố giác tính chất "giả hình",
"tính ưa chuộng địa vị, tìm kiếm thế giá", để đòi hỏi phải mở rộng
bữa ăn cho những người nghèo.
Có một
sự thật trong đời sống Đức Giêsu mà chúng ta phải làm sáng tỏ để hiểu con người
và sứ điệp của Người : Không những người nhận vào ăn trong nhà những người tội
lỗi, mà chính nhà của Ngài, hay những nơi Ngài cư ngụ, người ta thường thấy bọn
cùng đinh tội lỗi đồng bàn với Ngài và các môn đệ, thế nên có dư luận kết án
Ngài "là kẻ mê ăn uống và say sưa với bọn đàng điếm và tội lỗi". Bữa
Tiệc Ly chỉ là bữa cuối cùng Ngài thết đãi họ. Bữa ăn là một sinh hoạt đời
thường, nhưng bữa ăn của Đức Giêsu lại luôn mang tính LOAN BÁO TIN MỪNG. Bữa ăn
giải phóng cho con người. Những gì được nói tới trong dụ ngôn hôm nay, thực
chất chỉ là phản chiếu SỰ THẬT ĐỜI SỐNG của Đức Giêsu.
Qua đó
chúng ta có cảm nghiệm chắc chắn là "Bữa Tiệc Nước Trời" đã hiện diện
ngay giữa những bữa tiệc đời thường khi nó được mở ra cho những người nghèo
khổ. Khi người nghèo được kính trọng, được yêu thương, được tha thứ, được là
bạn hữu. Rõ ràng điều ấy không thể đi đôi với thái độ "ưa tìm chỗ
nhất", thái độ "vinh vang trong kiếm tìm địa vị, kiếm tìm thế giá, dù
là thế giá đạo đức". Thái độ "lắng nghe", thái độ "hiền
lành và khiêm nhường", thái độ "bao dung và tha thứ" phải là
thái độ cơ bản trong mọi "bữa ăn Nước Trời". Đây chính là sự lớn lao
và kỳ diệu của Mạc Khải Giao Ước mới mà thánh Phaolô nói tới trong đoạn thư của
Người. Mạc Khải về "cộng đoàn các thánh", một cộng đoàn trong đó sự
bao dung, quảng đại, hiệp nhất và thứ tha trở thành nếp sống thường hằng trong
mọi sinh hoạt, một cộng đoàn, ở đó, người nghèo tìm lại được nhân phẩm cao cả
của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên