CHÚA
NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
Lc
14, 1.7-14
HÃY HỌC CÙNG TA:” HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM
NHƯỢNG”
Lm
Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Khiêm nhượng xem ra dễ nhưng lại là một điều tối ư phức tạp và khó khăn
không lường. Sống trên đời, con người luôn muốn tự khẳng định mình, muốn vượt
lên những cái tầm thường để tìm một địa vị nào đó như muốn có tiền của nhiều,
có nhà lầu xe hơi, có những phương tiện văn minh hợp với đà tiến của xã hội,
của thế giới. Ra ngoài xã hội, người ta muốn mình được đề cao, bái chào và đi
dự tiệc tùng, họ muốn được ngồi trên bàn ăn cao, cỗ đầy, mâm tốt vv…Tuy nhiên,
phụng vụ Chúa Nhật XXII thường niên, năm C và đặc biệt bài Tin Mừng của thánh
Luca 14, 1.7-14 trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại đưa ra những tiêu chuẩn mới
đi ngược lại với những suy nghĩ và với thái độ hám danh, ham địa vị của con
người. Chúa Giêsu dậy nhân loại, con người bài học về đức khiêm nhượng.
SỰ KHIÊM NHƯỢNG CHÚA GIÊSU ĐỀ NGHỊ:
Đọc lại Tin Mừng, chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình thương của Chúa.
Những dụ ngôn, ví dụ Chúa Giêsu đưa ra để dậy dỗ các môn đệ, dậy dỗ nhân loại
và mỗi người được rút tỉa từ những sự việc thực tế xẩy ra trong xã hội của
người Do Thái lúc đó. Có những dụ ngôn càng suy nghĩ kỹ, chúng ta càng cảm thấy
thấm thía lời của Chúa dậy bảo. Có những chuyện xem ra nực cười, có những ví dụ
làm cho người ta chua xót, đắng cay, có những chuyện rất hóm hỉnh làm cho con
người phải suy đi nghĩ lại hoài để rút ra bài học mà sống xứng hợp.
Hôm nay, Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu.
Ngài để ý thấy khách được mời tới dự tiệc cứ nao nao, háo hức dành chỗ nhất,
dành mâm cao trong bữa tiệc. Chúa Giêsu nhân sự việc trên đã nói cho họ một dụ
ngôn để cảnh tỉnh và dậy họ. Ngài nhắc các người dự tiệc hãy có thái độ khiêm
tốn, nhường nhịn, nhún nhường, chọn mâm cuối, chọn chỗ chót trong chỗ tiệc:”
Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật
quan trọng nào được mời…Xin ông nhường chỗ cho vị này” ( Lc 14, 8-9 ). Trái
lại, khi anh được mời, anh hãy chọn chỗ cuối, chỗ chót hết. Chúa Giêsu khi đưa
ra dụ ngôn này, Ngài muốn kêu gọi con người phải có thái độ khiêm nhượng thực
sự. Bởi vì, nếu không có lòng khiêm tốn thực trong lòng thì việc giả bộ ngồi
dưới để cho chủ mời lên trên là một sự khiêm nhượng giả tạo. Thái độ ấy, Chúa
Giêsu hoàn toàn đố kỵ. Vì nó chỉ là thái độ kiêu ngạo tinh tế mà đã là giả hình
Chúa Giêsu không bao giờ chấp nhận, thỏa hiệp. Chúa Giêsu muốn con người phải
có đức khiêm nhượng thật phát xuất tự tâm hồn biết nhìn nhận và tôn trọng sự
thật.
CHÚA GIÊSU LÀM GƯƠNG VỀ ĐỨC KHIÊM NHƯỢNG:
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu về việc chọn chỗ nhất, chỗ cuối trong bữa
tiệc cưới trần gian còn tiềm ẩn ý nghĩa thật sâu xa hơn về bữa tiệc cánh chung,
bữa tiệc Nước Trời. Do đó, ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự khiêm hạ
sẽ được nâng lên. Bữa tiệc Nước Trời mà Chúa Giêsu ám chỉ trong đó mọi người sẽ
được mời:” Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bè bạn, anh em, bà con, hoặc láng
giềng giầu có…Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù;
họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công
trong ngày các kẻ lành sống lại”( Lc 14, 12-14 ). Chúa Giêsu dẫn con người, đưa
loài người đến thời cánh chung, đến đời sau. Chúa cho thấy trong thời vinh
quang, địa vị người hèn kém được nâng lên, kẻ cao ngạo bị hạ xuống đúng như
trong bài ca tạ ơn, Mẹ Maria đã hát:”…Người nâng cao kẻ khiêm nhượng, Người
đánh đổ người quyền quí khỏi ngai báu”( Lc 1, 52 ). Chúa Giêsu là gương hoàn
hảo nhất về đức khiêm nhượng. Người là Thiên Chúa, nhưng đã chối bỏ địa vị…mang
thân xác phàm, ngoại trừ tội lỗi ( Philip 2, 6-11 ). Chúa đã hạ mình cúi xuống
rửa chân cho các môn đệ và sự khiêm nhượng tuyệt hảo của Người là chấp nhận cái
chết vì tình yêu để cứu độ mọi người, cứu chuộc nhân loại:” Không có tình yêu
nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga
15, 13 ). Bên cạnh Chúa chúng ta có mẫu gương khiêm hạ của Đức Mẹ, thánh cả
Giuse và các thánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn hiểu được rằng sự khiêm
nhượng sẽ giúp chúng con gần Chúa và được Chúa yêu thương, chúc lành.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
Dụ ngôn tiệc cưới nói gì cho bạn ?
Chúa Giêsu dậy gì cho bạn trong dụ ngôn tiệc cưới hôm nay ?
Xin bạn hãy kể ra một số gương khiêm nhượng trong Cựu Ước và Tân Ước ?