Chúa Nhật 22 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Do-thái 12: 18-19, 22-24a

        Bài đọc hôm nay là phần mở đầu của đoạn huấn dụ cuối cùng về đời sống đức tin vào Chúa Ki-tô (12:14-13:19). Có lẽ chúng ta nên nhìn lại mục đích của thư Do-thái để hiểu tại sao có huấn dụ này. Thư được viết cho những người Do-thái đã trở lại Ki-tô giáo. Sau khi trở lại, ban đầu họ cũng quảng đại và can đảm (6:10; 10:32-34), nhưng về sau đâm ra chán nản và mệt mỏi (5:11; 10:25), rồi phải đối phó với bách hại nên bị cám dỗ bỏ cuộc (10:35-36). Hơn nữa, cám dỗ nguy hiểm nhất, đó là nhớ lại việc cử hành phụng tự Do-thái cũ với cảnh tưng bừng náo nhiệt, nếu đem so sánh với lễ nghi cử hành Thánh Thể trong vẻ đơn sơ khiêm tốn của Ki-tô giáo, người ta muốn quay về đường cũ. Do đó chúng ta hiểu lý do tại sao thư Do-thái muốn đề cao vai trò Thượng Tế của Chúa Giê-su và khích lệ Ki-tô hữu gốc Do-thái hãy kiên nhẫn và trung thành.

        Trong thư có ba lời khuyến cáo mạnh mẽ: phải trưởng thành trong đức tin (5:11-6:20), phải kiên trì và tránh nguy cơ chối đạo (10:26-39), và đừng mất cơ hội cuối cùng để đến với Thiên Chúa qua vị Trung Gian là Đức Ki-tô (12:14-17). Như vậy, sau lời khuyến cáo cuối cùng này, thư Do-thái cho chúng ta thấy viễn tượng một Thành đô mới của Thiên Chúa hằng sống và cũng là nội dung của bài đọc hôm nay.

        Đến với Thiên Chúa qua Đức Ki-tô đòi Ki-tô hữu gốc Do-thái phải nhận ra sự ưu việt của Ngài. Do đó, thư Do-thái lại trở lại với chủ đề về sự ưu việt của Chúa Giê-su đã được trình bày trong những phần trước. Hãy nhìn vào sự khác biệt giữa thế hệ Do-thái cũ và cộng đồng Ki-tô hữu mới. Dân Chúa trong Cựu Ước không trung thành với Chúa, còn Giáo Hội Chúa Ki-tô thì phải sống đức tin (xem 3:7-4:11). Không giống như dân Chúa ngày xưa đã hãi sợ không dám đến gần núi Xi-nai, Giáo Hội Chúa Ki-tô hôm nay đã tới "thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời."

        Ai bảo đến với Thiên Chúa qua Đức Ki-tô và trong Giáo Hội là buồn tẻ nhạt nhẽo? Thư Do-thái đã trả lời chúng ta qua một hình ảnh vô cùng sống động. Trong Thành đô của Thiên Chúa, trước hết có "muôn vàn thiên sứ" là hình ảnh thánh Gio-an đã nhìn thấy trong thị kiến của ngài (Kh 5:11). Tiếp đến là "các con đầu lòng của Thiên Chúa" tức là những người lành thánh thời Cựu Ước đã được lên trời nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giê-su. Cũng có "những người công chính đã được nên hoàn thiện." Nhưng sự hiện diện ý nghĩa và cao cả nhất trong Thành đô của Thiên Chúa, đó là sự hiện diện của "vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su." Cho nên khi nói "Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội" là thư Do-thái muốn so sánh sinh hoạt của Giê-ru-sa-lem mới với những ngày hội, lễ đền của Giê-ru-sa-lem cũ. Qua những sinh hoạt tưng bừng bề ngoài kia, dân Chúa thời xưa đã không thể đến với Thiên Chúa là vì họ không có một Đấng Trung Gian. Sinh hoạt phụng tự tưng bừng không thể nào đóng vai trò trung gian được. Chỉ có Đấng đã mặc lấy thân phận con người chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa, sống đức tin đến độ "cam chịu khổ hình thập giá", mới đủ tư cách để làm chiếc cầu nối kết Thiên Chúa với con người, trời với đất mà thôi.

        Tóm lại, thư Do-thái khai triển hai chủ đề liên kết với nhau là đức tin và lòng kiên trì. Đức tin là lẽ sống và kiên trì là áp dụng đức tin vào đời sống. Về chủ đề đức tin, Chúa Giê-su là "khai mở và kiện toàn" đức tin. Về chủ đề kiên trì, Chúa Giê-su là gương mẫu tuyệt vời. Những gì về đức tin và kiên trì được nói với những Ki-tô hữu gốc Do-thái vẫn là những gì được nói với chúng ta hôm nay. Có thể chúng ta không gặp chính những bách hại và đau khổ của Ki-tô hữu gốc Do-thái. Nhưng hôm nay những bách hại và đau khổ đến với chúng ta dưới những hình thức khác, có khi còn tinh vi và nguy hiểm hơn xưa nhiều. Không phải là gươm giáo tù đày, nhưng là những độc dược vô hình, thấm nhiễm và hủy hoại từ từ đời sống thiêng liêng chúng ta.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Có khi nào tôi nhận định rõ ràng hai lối sống đạo: một đàng là bề ngoài, hời hợt; một đàng là nội tâm, cầu nguyện? Lối sống đạo thứ hai đã đưa tôi tới Thiên Chúa qua Đức Ki-tô như thế nào?

        Khi tham dự những cử hành Phụng vụ của Giáo Hội, tôi có nhận thức sự ưu việt của Đức Ki-tô không? Người bảo tôi phải "thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Ga 4:24) nghĩa là gì?

        Trong mọi kinh nguyện, Phụng vụ..., lời kết thúc luôn là "Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con." Tôi thấy lời kết này ý nghĩa như thế nào? Và tôi có thực sự sống tinh thần "nhờ Đức Ki-tô"để đến với Chúa Cha không?

        Tôi hiểu thế nào về vai trò Trung Gian của Chúa Giê-su? Gio-an 14:6 có tầm quan trọng nào đối với tôi?

        Những buổi chia sẻ và cầu nguyện của nhóm có thể hiện được góc cạnh nào của "thành đô Thiên Chúa hằng sống" không? Nếu chưa thì chúng tôi phải làm gì?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Xin hiệp nhất chúng con", Ca Nguyện Linh Thao, trang 178, hoặc "Lên Đền Thánh", CNLT 161.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà