CHỦ NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
NGHE
* Bài đọc 1: Hc
3,19-21.30-31:
Càng làm lớn, con càng
phải tự hạ, như thế con sẽ đẹp lòng Đức Chúa.
* Bài đọc 2: Dt
12,18-19.22-24a:
Anh em đã tới núi Xion..
Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là
những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa.Anh em đã tới
cùng vị Trung gian giao ước mới là Đức Giêsu..
* Tin Mừng: Lc 14,1.7-14:
Hãy ngồi chỗ cuối -Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó.
Một ngày sa-bát kia, Đức
Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn
này: " Khi anh đươc mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ cỗ nhất, kẻo lỡ
có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời và rồi người đã mời cả anh lẫn
nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ
anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến
nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi
người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên."
Rồi Đức Giêsu nói với kẻ
đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời
bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại ông và
như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông
mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."
NGẪM
* Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu muốn dậy bài học gì cho các
khách dự tiệc?
2. Đức Giêsu đáp lễ ông thủ lãnh nhóm
Pharisêu đã mời ngài như thế nào?
3 Đức Giêsu dành cho chúng ta bài học
gì?
* Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu
muốn dậy bài học gì cho các khách dự tiệc?
Chắc khi Đức Giêsu chứng kiến cảnh khách dự tiệc
chọn chỗ cỗ nhất mà ngồi thì ngài thấy lố bịch, chướng mắt và khó chịu lắm. Nếu
chúng ta ở vào trường hợp ấy chắc chúng ta cũng thấy chướng như ngài. Có thể
nói không ai trong chúng ta lại dám làm như vậy, dù trong lòng có muốn "ăn
trên ngồi trốc" đến đâu đi chăng nữa. Người Việt Nam khéo giấu tình cảm
của mình, không giống người Do Thái muốn sao biểu lộ ra vậy. Nhưng chắc người
Do Thái và người Việt Nam giống nhau ở chỗ rất coi trọng danh vọng xã hội:
"một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" cha ông ta đã nói như thế!
Những khách dự tiệc chẳng những coi trọng danh vọng mà còn tìm danh vọng một
cách lộ liễu, trắng trợn. Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn mà nói với họ điều họ nên
làm và điều không nên làm, cả trong lãnh vực xử thế bình thường, cả trong lãnh
vực tâm linh tôn giáo.
2. Đức Giêsu
đáp lễ ông thủ lãnh nhóm Pharisêu đã mời ngài như thế nào?
Ông chủ tiệc là thủ lãnh nhóm Pharisêu nên khách
mời của ông đều là những người trong hàng ngũ Pharisêu và khá gỉa. Đó là cách
sống thường tình của ông từ xưa đến nay. Nhưng hôm nay Đức Giêsu đề nghị với
ông một cách sống khác mà ông chưa b ao giờ nghĩ tới. Chúa mời ông hãy mở rộng
tấm lòng mà đón tiếp, chiêu đãi những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù là những người không có khả năng đáp
lại lòng tốt của ông và không được ai nghĩ tới. Suy nghĩ sâu một chút chúng ta
thấy Đức Giêsu đã rất tế nhị trong cách đáp lễ ông chủ nhà đã mời Người đến
dùng bữa. Đức Giêsu đã mở ra cho ông một chân trời mới mà chưa bao giờ ông có
thể nghĩ tới. Đức Giêsu đã muốn dẫn ông vào một thế giới mới mà ông không thể
hình dung đích xác nó như thế nào. Đó là chân trời của Bữa Tiệc Cánh Chung. Đó
là thế giới của Nước Thiên Chúa.
3. Đức Giêsu
dành cho chúng ta bài học gì?
Bài Tin Mừng chứa đựng hai bài học: sống khiêm
nhường và vô vị lợi.
* Sống khiêm
nhường: Theo Đức Giêsu thì trong xử thế
chúng ta cần khiêm tốn, khiêm tốn thực sự chứ không chỉ giả vờ, vì chẳng ai yêu
thích kẻ kiêu căng, cao ngạo. Với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải khiêm
tốn hơn nữa, vì Thiên Chúa luôn "hạ
kẻ kiêu ngạo xuống mà tôn kẻ khiêm nhường lên". Nếu suy nghĩ kỹ một
chút, chúng ta sẽ thấy rằng mình chẳng có gì để mà kiêu căng! Mọi sự chúng ta
có, chúng ta đều nhận được từ Thiên Chúa, từ Giáo hội và xã hội cả mà! Nên thái
độ thích hợp nhất là thái độ khiêm cung và biết ơn.
Theo các nhà tu đức Kitô giáo thì bài học khiêm
nhường là bài học khó học nhất, khó thực hành nhất đối với phần đông những
người muốn tiến tới trên đường trọn lành, vì xu hướng tự nhiên của con người là
muốn đưa mình lên, chứ không thích hạ mình xuống. Mỗi người chúng ta cũng có
kinh nghiệm về thực trạng này. Muốn học sống khiêm nhường, chúng ta phải chạy
đến với Đức Giêsu là Đấng đã tự hạ tự hủy hoàn toàn, dù rằng Người là Ngôi Lời
nhập thể làm người, là Thiên Chúa. Chính Người đã chẳng mời gọi chúng ta: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và
khiêm nhường trong lòng" đó sao?
* Sống vô vị
lợi: Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta sống vô vị lợi. Làm ơn thì thường chúng
ta mong được người ta báo đáp đền ơn. Đó cũng là điều bình thường trong đời
sống con người. Nhưng nếu làm ơn mà chúng ta không mong, không chờ báo đáp đền
ơn, là chúng ta có tinh thần vô vị lợi. Sống vô vị lợi là chúng ta lấy hạnh
phúc của tha nhân làm mục tiêu hành động của chúng ta. Muốn sống vô vị lợi
chúng ta cũng phải chạy đến với Thiên Chúa để học với Ngài vì Ngài là Đấng làm
mưa làm nắng cho hết mọi người, không phân biệt người tốt lành hay kẻ gian ác.
* Trong gia
đình, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để sống khiêm nhường và vô vị
lợi. Đời sống cộng đoàn tựa như gia đình, là đời sống tương thân tương ái giữa
các anh chị em với nhau. Thật ra thì đời sống cộng đoàn nào cũng đòi các thành
viên phải biết quên mình, tự hạ, hy sinh "cái tôi" để làm có
"cái chúng tôi", "cái chúng ta" lớn lên; đời sống cộng đoàn
nào cũng đòi các thành viên nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới mình. Ước gì
mọi gia đình thực hiện được Lời này của Chúa Giêsu: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các
con yêu thương nhau (Ga 13, 35).
Các con yêu thương nhau nhu Thầy đã yêu thương các con"(Ga 13, 34).
"Đức Aùi thì nhẫn nhục hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm
tư lợi." (1 Cr 13,4).
NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con bài học sống
khiêm nhường, quên mình, tự hạ tự hủy mà Chúa đã sống và mời gọi chúng con sống
theo Chúa, sống giống Chúa!
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con bài học sống
vô vị lợi, sống bác ái, sống hiến dâng mà Chúa đã sống và mời gọi chúng con
sống theo Chúa, sống giống Chúa!
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp mọi thành viên Gia
đình Khôi Bình Việt Nam biết học cùng Chúa, biết sống theo Chúa, sống giống
Chúa! Amen.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội