SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII - 2001

        Tin mừng ghi nhận một sự kiện "có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu". Mỗi đám đông ấy có lý do riêng của họ khi đi theo Người. Các Tin Mừng cho thấy nhiều động lực cụ thể khác nhau, nhưng tựu trung vì Người quyền năng trong lời nói và việc làm, và họ tin và hy vọng Người chính là "Đấng Mesia sẽ giải cứu và tái thiết Israel". Hy vọng của đám đông cũng là mối lo ngại của các nhà cầm quyền đạo đời lúc ấy, và tất cả đều gặp nhau và đối diện trong Vụ Án lịch sử khi họ "đóng đinh" Người trên thập giá : chỉ vì cái não trạng mong đợi một cuộc giải phóng trần tục. Người ta có thể thấy cũng một não trạng như thế trong những đám đông hành hương hôm nay. Nếu Đức Mẹ không làm xuất hiện những phép lạ ở Lộ Đức, ở Fatima, ở Lavang có lẽ cũng chẳng mấy ai đến những địa danh nhỏ bé và khô cằn ấy. Chính cái não trạng ấy khiến cho biết bao kitô hữu hôm nay khi tôn giáo không còn đem lại cho họ nhựng cơ hội thăng tiến, mà ngược lại còn có nguy cơ làm tiêu tán mọi hy vọng vươn lên những địa vị trong xã hội, thì nếu có giữ đạo thì cũng chỉ còn là cái đạo hình thức trong những khuôn khổ chẳng đặng đừng !

        Trong cái bối cảnh lòng người như thế, Chúa Giêsu không ngần ngại để khẳng định dứt khoát và không khoan nhượng những điều kiện phải có để đi theo Người : "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình... Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta... không từ bỏ tất cả của cải mình có...". Tất cả đều là những lời khó nghe, cho nên đám đông đã bỏ Ngài, và chẳng một môn đệ nào đã đi lên đồi Can-vê, tất cả đã chạy trốn!

        Nhưng đấy lại là cốt lõi của Tin Mừng, điều mà Thánh Phaolô sau này nói "Chúng tôi không rao giảng điều gì khác ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô", chính trong niềm tin ấy của Giáo Hội chúng ta cũng sắp cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14.9 tới đây. Bản thân Đức Giêsu khi sinh ra trong máng cỏ, hay khi chấp nhận bước xuống giòng sông Giođan cho Gioan làm phép rửa, rõ ràng cho thấy đây là sự lựa chọn của Người để khai mở con đường cứu độ, và khi chấp nhận chết trên Thánh Giá chỉ là sự đi đến tận cùng của sự lựa chọn duy nhất ấy. Đó là sự lựa chọn mà sách khôn ngoan nói "Ai có thể biết được, và ai có thể suy tưởng được ?".

        Thực ra cũng như chính Đức Giêsu khi "từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình" chỉ là từ bỏ cái tính cách cục bộ của liên đới , là điều đã là nguyên nhân giam hãm con người trong cái vòng lẩn quẩn của đấu tranh, mâu thuẫn và loại trừ, là cái đưa đến cảnh nghèo đói và khốn cùng của đa số nhân loại. Đức Giêsu đã mở ra một liên đới phổ quát, liên đới với mỗi một và hết thảy mọi con người bằng một tình yêu không giới hạn : đấy là chính Tình Yêu của Thiên Chúa.

        Cũng như chính Đức Giêsu khi "từ bỏ tất cả của cải mình có" chỉ là từ bỏ cái niềm tin và hy vọng vào "những cái mình có" để khẳng định phải tin và hy vọng vào "cái mình là". "Cái mình là" chính là "Hình ảnh Thiên Chúa" mà mỗi con người đã được tạo dựng. Một Thiên Chúa vốn là "Tình Yêu", một tình yêu trao ban đến tận cùng ngay trong Bản Thể Nhiệm Mầu và cả trong hành động trong tạo dựng và cứu chuộc.

        Cũng như chính Đức Giêsu khi "vác thánh giá mình", là một lễ hiến tế của Tình Yêu : tự hủy ra như không nhường chỗ cho hành động của Tình Yêu Quan Phòng, dành trọn vẹn đời mình trong mọi góc cạnh nên Cảnh Vực Thần Linh.

        Những điều kiện xem ra thật khắt khe và không khoan nhượng thực ra chỉ là những bộc lộ tất yếu của Tình Yêu đem lại sự sống viên mãn cho con người.

        Chính trong cái vẻ nghịch lý ấy, như là một mẫu mực đặc thù, thánh Phaolô đã đòi hỏi Philêmon tiếp nhận người nô lệ Ônêsimô bất trung như là bạn hữu thân thiết. Và như vậy chúng ta có thể mượn lời sách khôn ngoan để kết luận rằng "mọi đường lối những kẻ ở dưới đất phải được sửa lại cho ngay thẳng".

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà