Chúa Nhật 23 Quanh Năm
Thánh ca và
lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Phi-lê-môn 9-10, 12-17
Thư
thánh Phao-lô gửi ông Phi-lê-môn chỉ có 25 câu và được sử dụng cho Phụng vụ Lời
Chúa duy một lần, vào Chúa Nhật 23 thường niên. Vì bài đọc chỉ lấy các câu 9-10
và 12-17, nên chúng ta cũng cần đọc hết cả thư để suy niệm thêm phong phú.
Bối
cảnh của thư này được tóm tắt như sau. Ô-nê-xi-mô, một tên nô lệ trong nhà ông
Phi-lê-môn, đã bỏ trốn, bị bắt và gặp thánh Phao-lô trong tù, có thể tại
Ê-phê-xô hoặc tại Rô-ma. Trong thời gian này anh ta được thánh Phao-lô hướng
dẫn trở thành Ki-tô hữu và ngài gọi anh là "đứa con tôi đã sinh ra trong
cảnh xiềng xích" (c. 10). Giữa anh và thánh nhân đã có mối quan hệ gắn bó.
Tuy nhiên hoàn cảnh mới này lại nảy
sinh nhiều vấn đề cho Ô-nê-xi-mô, thánh Phao-lô và ông chủ Phi-lê-môn. Trước
hết, nếu Ô-nê-xi-mô trở về với Phi-lê-môn, anh có thể bị trừng phạt nặng, có
khi phải chết nữa. Thứ hai, nếu Phao-lô không cho Ô-nê-xi-mô trở về với
Phi-lê-môn thì tình bạn giữa ngài với ông ta sẽ đổ vỡ. Thứ ba, nếu Ô-nê-xi-mô
trở về thì Phi-lê-môn phải đối xử với anh ta thế nào.
Để
giải quyết những khó khăn này, thánh Phao-lô thay mặt cho Ô-nê-xi-mô viết cho
ông Phi-lê-môn, xin ông tiếp nhận anh ta, "không phải được lại một người
nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến;
đối với tôi (Phao-lô) đã vậy, phương chi đối với anh (Phi-lê-môn) lại càng thân
mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như tình anh em trong Chúa" (c.
16).
Phương
thức thánh Phao-lô thuyết phục ông Phi-lê-môn không chỉ giúp chúng ta học hỏi
về thư Phi-lê-môn, nhưng còn cho chúng ta hiểu một giáo lý mới về sức mạnh của
Tin Mừng có thể phá đổ mọi ngăn cách về giai cấp, chủng tộc và địa vị xã hội.
Đưa ra thỉnh nguyện, xin ông Phi-lê-môn nhận lại anh Ô-nê-xi-mô, thánh Phao-lô
cũng nêu lên ba lý do để ông ta hãy chấp thuận. Trước hết vì Phi-lê-môn là
"bạn đồng đạo" với Phao-lô trong Tin Mừng. Nếu thực là bạn đồng đạo trong
Tin Mừng, thì Phi-lê-môn cũng phải hành động đúng với tinh thần Tin Mừng. Lý do
thứ hai là Phao-lô không xin ông Phi-lê-môn chấp thuận vì "nể" ngài,
nhưng vì "lòng bác ái" (c. 8) của ông ta. Lý do thứ ba là vì
Phi-lê-môn "mắc nợ" Phao-lô, không phải tiền bạc, nhưng cuộc trở lại
theo đức tin Ki-tô là do Phao-lô đã đem lại cho ông. Vậy nếu Phao-lô đã giúp
ông được sinh lại trong Bí tích Rửa tội và làm con thiêng liêng của ngài, thì
giờ đây làm sao ông có thể làm ngơ trước việc Ô-nê-xi-mô trở thành con cái
Chúa! Như vậy, chúng ta đủ thấy cái tài thuyết phục của thánh Phao-lô như thế
nào!
Mới
đọc thư Phi-lê-môn lần đầu, có lẽ chúng ta nghĩ lá thư thật là đơn giản. Nhưng
thực ra thư cho chúng ta một sứ điệp sâu sắc: Tin Mừng Chúa Ki-tô làm biến đổi
mọi quan hệ xã hội nơi những ai tin vào Người. Cho dù Ô-nê-xi-mô có trở về lại
để làm nô lệ trong nhà ông Phi-lê-môn, thì quan hệ giữa chủ tớ sẽ không như
trước nữa, vì giờ đây cả hai đều thuộc về cùng một Chúa. Tuy thánh Phao-lô
không công khai đả kích chế độ nô lệ, nhưng nơi đây ngài đã gieo hạt giống phá
bỏ chế độ ấy khi ngài gọi anh Ô-nê-xi-mô là "người anh em trong Chúa"
với Phi-lê-môn. Quan hệ xã hội được biến đổi là vì nó được đặt trong một môi
trường mới, tức là "trong Chúa Ki-tô." Có lẽ Phao-lô muốn nhấn mạnh
đến động lực thay đổi này nên ngài đã lập đi lập lại nhiều lần cụm từ
"trong Chúa," "trong Đức Ki-tô." Mà thực vậy, người ta
không thể ở "trong Chúa" mà đang khi đó lại có thể kèn cựa nhau về
chủng tộc, nam nữ hoặc giai cấp, như chính thánh Phao-lô đã khẳng định:
"Nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su
Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô,
đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do,
đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô" (Gl
3:26-28).
Câu hỏi gợi
ý chia sẻ
Tôi có nhìn anh chị em
Ki-tô hữu khác trong quan hệ với Chúa Ki-tô, phép rửa và đức tin không? Những
kỳ thị nào tôi đã có đối với họ?
Thánh Phao-lô tôn trọng
tự do của Phi-lê-môn về việc đón nhận Ô-nê-xi-mô. Thái độ ấy nói lên lòng khiêm
nhường của ngài thế nào? Trong cộng đoàn, trong hội đoàn hoặc trong nhóm, khi
tôi có chút quyền, tôi đã cư xử với người khác thế nào?
Tuy chế độ nô lệ không
còn nữa, nhưng nô lệ cho tội lỗi... thì vẫn còn nhiều. Tôi hoặc cộng đoàn đã
tiếp nhận những anh chị em trở về đàng ngay nẻo chính như thế nào?
Khi kêu gọi Phi-lê-môn
thi hành điều mình xin, thánh Phao-lô viết: "Nhưng tôi thích kêu gọi lòng
bác ái của anh hơn." Ngài muốn giới thiệu một động lực giúp cho việc làm
của chúng ta có một giá trị cao hơn. Chia sẻ một vài sự kiện tôi làm cho anh
chị em vì lòng bác ái hơn là vì lý do nào khác.
Cầu nguyện
kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc đọc kinh sau đây:
Giữa một thế giới dề cao quyền lực và
lợi nhuận,
Xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị
và chiếm đoạt,
Xin dạy con biết yêu thương tự
hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái
chia rẽ,
Xin dạy con biết cộng tác và đồng
trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ
thị,
Xin dạy con biết coi mọi người như
anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực
của tình yêu tinh ròng,
Xin cho các Ki-tô hữu chúng con
trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như
Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
Biết quảng đại cho đi và khiêm
nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho
chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con,
Và trong lòng từng con người bé
nhỏ. A-men.
(Trích RABBOUNI,
Lời Nguyện 32)
Lm.
Đaminh Trần Đình Nhi