CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM

(Lu-ca 14:25-33)

 

        Càng đến gần Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su càng đòi hỏi các môn đệ phải rũ bỏ mọi sự để theo Người trung thành hơn.  Khiêm nhường là bước đầu và cũng là căn bản để ta có thể sẵn sàng chấp nhận đặt Chúa Giê-su và giá trị Tin Mừng trên tất cả mọi sự.  Sau khi dạy ta phải có căn bản cho thái độ chấp nhận, giờ đây Chúa Giê-su đi vào chi tiết những điều ta chấp nhận để theo Người.  Tuy là những điều ta đã nhiều lần nghe và quá quen thuộc, nhưng nếu đặt trong khung cảnh hành trình theo Chúa như thánh Lu-ca tường thuật, có lẽ ta sẽ tìm thấy những ý nghĩa mới và thích hợp cho hoàn cảnh của mình hơn.

 

a)  Đến với Chúa

 

        Đến với Chúa là lời mời gọi Thiên Chúa gửi đến toàn thể nhân loại.  Từ sau khi nguyên tổ phạm tội và xa cách Chúa, Người đã có kế hoạch để đưa nhân loại đến với Người.  Đã nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa mời gọi ta đến với Người bằng cách nói với ta qua tổ tiên Do-thái và các vị ngôn sứ (Dt 1:1).  Tại sao Chúa lại gọi ta đến với Người?

        Trong Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã gọi A-đam, kêu ông đến với Người.  Nhưng ông không dám, hoặc nói đúng hơn, ông không thể nào đến gần Chúa được nữa.  “Con người thưa:  ‘Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn’” (St 3:10).  Tội lỗi đã làm cho con người mất hết khả năng có thể tự mình đến với Chúa, được biểu tượng bằng hình ảnh họ nhận ra mình trần truồng.  Tội lỗi trở nên một chướng ngại vật ngăn cản ta đến với Chúa, một chướng ngại vật không ai có thể phá được.  Giả như loài người có mất đi thì Chúa cũng chẳng thiệt hại gì.  Nhưng tình yêu vô điều kiện của Người không làm ngơ trước tình trạng bất lực của con người.  Người quyết định đưa con người trở về với Người.  Người sắp đặt một kế hoạch để đích thân đến trần gian và đưa ta về.  Do đó, thực ra không phải là ta đến với Chúa, mà là chính Chúa đến với ta qua Chúa Giê-su, Con Một Yêu dấu của Người.  Lời gọi “Hãy đến với Ta” chỉ là lời Chúa gọi ta hãy đáp lại lòng yêu thương của Chúa, hãy sẵn sàng đón tiếp Người vì Người đang đến với ta.  Hôm nay, khi nói với ta:  “Ai đến với Tôi...”, Chúa Giê-su đã lập lại mời gọi tự ngàn đời ấy của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một Người và dùng cái chết của Con Một Người mà đánh bại tội lỗi.

 

b)  Con đường Ki-tô dẫn ta đến với Chúa

 

        Thiên Chúa muốn ta đến với Người.  Nhưng vì ta không thể tự mình đến với Người, mất hết khả năng đến với Đấng của vô biên, nên Thiên Chúa cho ta một con đường, con đường Ki-tô.  Chúa Giê-su phán:  “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).  Để “cùng đi đường với Chúa Giê-su”, Người đòi hỏi ta một số điều kiện.  Gọi là một số, nhưng chung cuộc cũng nằm trong hai chữ “từ bỏ”.  Từ bỏ những gì ta cho là yêu quý nhất đời, như cha mẹ, anh em, chị em.  Tuy nhiên đòi hỏi của Chúa Giê-su còn đi xa hơn thế, đó là từ bỏ “cả mạng sống mình nữa”.  Lối nói của Chúa Giê-su không có ý bảo ta phải thực sự bỏ cha mẹ, anh chị em, nhưng là muốn dùng cách so sánh giữa các điều từ bỏ để nhấn mạnh đến việc ta phải từ bỏ chính mình là quan trọng nhất.  Như vậy thì ta còn gì?  Ta trở thành trắng tay rồi!  Không đâu.  Chúa Giê-su muốn nói với ta về một nghịch lý:  “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất;  còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8:35). 

Ta sẽ hiểu “mạng sống mình” là gì?  Đó là con người của ta đã bị tội lỗi khuất phục và tước bỏ khả năng đến với Chúa.  Nếu ta cứ khư khư giữ chặt lấy con người ấy với những bất lực và ích kỷ của nó thì chẳng bao giờ ta có thể đến với Chúa được.  Nhưng ta cần phải liều, phải can đảm để cho Chúa Giê-su và ảnh hưởng Tin Mừng của Người biến đổi ta, làm mất dần đi con người tội lỗi và ích kỷ của ta, thì ta mới có thể  “cùng đi đường với Chúa Giê-su” mà đến với Chúa Cha được.  Hoặc nói khác đi, con đường của ta là con đường làm cho ta mỗi ngày một xa dần Thiên Chúa.  Ngược lại, con đường của Chúa Giê-su là con đường Thiên Chúa dùng để đến với ta, mỗi ngày lấn và xóa đi con đường của ta, nhờ đó con đường của ta bị rút ngắn lại mỗi ngày và ta được đưa đến gần Thiên Chúa hơn.  Hay ta cũng có thể hiểu:  con đường Ki-tô sẽ xóa bỏ con người cũ của ta, làm cho ta trở thành “tạo vật mới”, “con người mới”, “đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa” và cuối cùng là “đồng thừa kế” gia nghiệp của Thiên Chúa (Rm 8:29.17).

Nếu dựa trên cách diễn ý của Chúa Giê-su, ta có thể hiểu việc vác thập giá là cái giá ta phải trả cho việc từ bỏ chính mình.  Nghĩa là việc từ bỏ ấy không phải dễ dàng, nhưng khó khăn, nặng nề giống như vác thập giá vậy.

 

c)  Đến với Chúa hay không là quyền của ta  

       

        Quả thực Chúa Giê-su rất thẳng thắn.  Khó thì Người bảo là khó chứ không lập lờ.  Người gọi ta làm môn đệ.  Người bảo muốn làm môn đệ thì ta phải chấp nhận chỉ một điều kiện duy nhất, đó là từ bỏ chính mình.  Mà việc từ bỏ chính mình không dễ dàng đâu.  Nhưng nếu ta chấp nhận thì Người sẽ hoàn toàn giúp ta thực hiện.  Người để ta hoàn toàn quyền quyết định chứ không bắt ép.

        Cho nên Chúa Giê-su lấy thí dụ rõ ràng, ví ta giống như người tính toán xây tháp hoặc giống như ông vua tính toán đem quân đánh giặc.  Tính toán là để chọn cho mình một quyết định tốt.  Giả như ta “không đủ tiền hoặc không đủ quân” thì chẳng nói làm gì.  Đàng này, ta có Chúa Giê-su là bạn đường ban ân sủng nâng đỡ ta (Ga 15:5) và Thánh Thần dẫn đường chỉ lối cho ta (Ga 16:13).  Do đó, tính toán không phải là vấn đề nữa, nhưng vấn đề là ta có muốn làm môn đệ Chúa Giê-su hay không mà thôi.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Suy nghĩ về tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa dành cho tôi, tôi đã làm gì để đáp lại?  Cảm tạ Người?  Cảm thấy vui sướng, an ủi và hạnh phúc?  Cảm thấy bị thúc bách phải đáp lại tình yêu ấy?

        Làm môn đệ Chúa Giê-su là trả một giá thật đắt, phải từ bỏ tất cả những gì tôi chẳng muốn bỏ.  Vậy có những “dễ dãi, thoải mái” nào tôi không muốn bỏ đi để cứ sống theo ý mình?  Có những ràng buộc nào giữ tôi ở khoảng cách xa với Chúa?  Tiền bạc của cải?  Tham vọng?  Tính ích kỷ?

        Thánh Phao-lô thường đề cập tới “con người cũ” và “con người mới.”  Trong tiến trình Ki-tô hóa, cũ và mới là hai khía cạnh của cùng một vấn đề, là bỏ đi những gì khác với Chúa Ki-tô và thay thế bằng những gì giống Chúa Ki-tô.  Vậy tôi thử xét lại tiến trình ấy để xem đâu là điểm cần thiết nhất tôi phải bỏ đi và thay thế?

 

Cầu nguyện

 

        “Lạy Chúa,

        khi đến với Chúa

        con tháo bỏ đôi giày:  những tham vọng của con,

        con cởi bỏ đồng hồ:  thời khóa biểu của con,

        con đóng lại bút viết:  các quan điểm của con,

        con bỏ xuống chìa khóa:  sự an toàn của con,

        để con được ở một mình với Ngài,

        lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

        Sau khi được ở với Ngài,

        con sẽ xỏ giày vào

                để đi theo đường của Chúa,

        con sẽ đeo đồng hồ

                để sống trong thời gian của Chúa,

        con sẽ đeo kính vào

                để nhìn thế giới của Chúa,

        con sẽ mở bút ra

                để viết tư tưởng của Chúa,

        con sẽ cầm chìa khóa lên

                để mở những cánh cửa của Chúa.”

                                - Graham Kings

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 27)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đìh Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà