SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV – 2001, C

Ngày 11.09.2001 đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ với hằng ngàn người vô tội bị chôn vùi trong lửa đạn hận thù. Và ngay lập tức bùng lên sự căm phẫn không chỉ riêng trong trăm triệu trái tim con dân Mỹ, mà nói được trong mọi trái tim con người. Một kế hoạch trả đũa được khơi dậy. Trong bối cảnh ấy, tiếng nói của Tin Mừng hôm nay thật lạc lõng, và khó nghe.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của chiến tranh và thù hận. Những trang hòa bình, hòa giải thật mờ nhạt. Đó là thực tế : và chính nó là nguyên nhân sâu xa nhất của nghèo đói, của dốt nát. Vì chiến tranh đã cướp đi những bàn tay và những bộ óc mạnh mẽ nhất của các dân tộc, và để lại những con người đầy thương tích và tàn phế, và cũng vì chiến tranh đã thiêu hủy mọi tài nguyên và làm ô nhiễm nghiêm trọng môi sinh. Dù nước Mỹ giàu mạnh, nhưng khắc phục được mọi hậu quả của biến cố 11.09 chắc chắn cũng phải có thời gian lâu dài. Và cho dù khắc phục được trên bình diện vật chất, nhưng vết thương vẫn còn nhức nhối trong con tim nhiều thế hệ.

Vào thời của Đức Giêsu, đất nước Israel vừa bước sang một giai đoạn mới : Đế Quốc Roma phế bỏ vua Herođê Arkêlauô, và thiết lập Tổng Trấn trực tiếp cai trị xứ Giuđêa. Philatô đã cai trị bằng sắt và máu. Sự kiện ấy càng làm chỗi dậy trong từng trái tim Israel sự thù hận Roma, và những kẻ phản bội dân tộc. Đối với Israel, chính Thiên Chúa và duy mình Người là vua của họ. Truất bỏ địa vị ấy của Thiên Chúa trong Israel, chính là chống lại Thiên Chúa, là những kẻ tội lỗi. Nhóm thu thuế thuộc về hạng tội lỗi ấy. Do đó giao du, đi lại, ăn uống với bọn thu thuế bị coi là ô uế.

Đức Giêsu hôm nay bị kết án là người "niềm nở đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". Đây là cơ hội để Đức Giêsu đối diện với chính vấn đề cốt lõi của lịch sử : LÒNG THÙ HẬN.

Theo Đức Giêsu, lòng thù hận không thể là cách thế có khả năng giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ, nghèo đói của mình, nhưng chính là TÌNH THƯƠNG THA THỨ mới giúp con người thoát khỏi nô lệ, nghèo khổ. Tình thương tha thứ ở đây không chỉ là những cảm tính, nhưng là chuỗi hành động tìm kiếm để tha thứ. Và lịch sử của TÌNH THƯƠNG THA THỨ theo cách trình bày ám tỷ của Đức Giêsu là lịch sử đầy nước mắt và hy sinh. Và dường như nó không có một ràng buộc cụ thể nào về phía tội nhân, thuần túy nó chỉ là TÌNH THƯƠNG THA THỨ KHÔNG ĐIỀU KIỆN của Thiên Chúa. Thực thế, con chiên lạc dường như không một tiếng kêu gào nào, khiến cho cuộc tìm kiếm thật khó khăn, và người chăn chiên "vẫn quyết tìm cho kỳ được". Đây là tình thương chân thật vì lợi ích của chính tội nhân. Người chủ đàn chiên, hay bà góa hẳn đã không phải vì cái lợi của bản thân, bởi vì khi tìm thấy, họ đã mở tiệc ăn mừng, còn tốn kém hơn nhiều cái họ tìm lại được. Niềm vui trào dâng vì thấy con chiên lạc nay đã tìm lại được sự sống an toàn. Cũng như người Cha đã ăn mừng vì đứa con "đã chết, nay sống lại". Ông đã đặt TÌNH THƯƠNG THA THỨ lên trên cái "công bình hạn hẹp" của con tim nhân loại, để ứng xử theo sự "CÔNG BÌNH CỦA TÌNH THƯƠNG".

Thánh Phaolô cảm nhận được tính mới mẻ của "ĐỨC TIN VÀ TÌNH THƯƠNG" hằng có nơi Đức Giêsu khi bản thân Ngài được tha thứ và được đặt làm thừa tác vụ của ơn tha thứ ấy giữa muôn dân. Sự "công bình của tình thương" đặt nền tảng trên GIAO ƯỚC. Chính khi trao ban Giao Ước, Thiên Chúa đã ràng buộc VINH QUANG của Người trên sự THA THỨ không giới hạn. Đó là điều Môsê đã khám phá ra khi chiêm ngưỡng DUNG NHAN THIÊN CHÚA, sự công bình báo oán đã trở thành sự công bình yêu thương nơi Thiên Chúa.

Thực tại ấy đã được loan báo qua mọi thế hệ. Và chính giờ đây, nơi bàn thờ này, nơi mà sự công bình của Thiên Chúa đã mãi mãi trở thành của ăn và của uống để tha thứ cho hết mọi người. Chúng ta được mời gọi "Hãy làm việc này"... là được mời gọi Ký GIAO ƯỚC với Thiên Chúa, là được mời gọi làm thừa tác viên của ĐỨC CÔNG BÌNH YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

  • BA BẢY HĂM MẤY ? : Đừng tranh cãi vô ích ( Giảng Lễ Hôn Phối - Lm Giuse Đinh Lập Liễm)