Chúa Nhật thứ 24
Thường Niên, C (12-9-2004)
Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi
chứ không phải xa lánh họ
ĐỌC
LỜI CHÚA
· Xh 32,7-11.13-14: (11)
Ông Môsê thưa với Chúa: «Lạy Chúa,
sao Ngài lại nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã đưa ra khỏi đất Aicập». (14) Đức Chúa đã
thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
· 1Tm 1,12-17: (15) Đức
Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.
· TIN MỪNG: Lc 15,1-10
Hai
dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa
(1)
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người
giảng. (2) Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: «Ông này đón
tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng». (3) Đức Giêsu
mới kể cho họ dụ ngôn này:
Dụ ngôn con chiên bị mất
(4) «Người nào
trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi
chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được
rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà,
người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm
được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó». (7) Vậy, tôi
nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội
lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải
sám hối ăn năn».
Dụ
ngôn đồng bạc bị đánh mất
(8) «Hoặc
người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không
thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà
ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin
chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất». (10) Cũng thế, tôi nói
cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người
tội lỗi ăn năn sám hối».
CHIA
SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Đối
với Đức Giêsu, sự thánh thiện chủ yếu hệ tại điều gì? tại tình yêu đối với
Thiên Chúa và tha nhân? hay tại sự trong sạch, vô tội? hay tại vô số những nhân
đức con người có được?
2. Đối
với người tội lỗi, ta nên làm theo đòi hỏi của tình yêu là phải gần gũi để cảm
hóa họ, hay theo đòi hỏi của sự thánh thiện là phải xa lánh họ để khỏi bị ô uế
và bị mất uy tín?
3. Tại
sao một người tội lỗi ăn năn sám hối thì làm cho các thiên thần trên thiên đàng
vui mừng hơn là thấy 99 người công chính không cần sám hối ăn năn?
Suy tư gợi ý:
1. Sự thánh thiện cốt ở tình yêu hơn ở sự trong
sạch hay nhân đức
Đọc bài Tin Mừng, ta thấy thái độ của Đức Giêsu, một người
hết sức thánh thiện, lại có một thái độ sống rất hòa đồng với những người tội
lỗi. Còn những người Pharisêu, ta thấy họ luôn luôn quan tâm giữ những luật lệ
về sự «thanh
sạch» mà Cựu ước đề cập đến rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt ở sách
Lêvi các đoạn từ 11 đến 16. Họ xa lánh những vật mà Cựu ước cho là ô uế một
cách nhiệm nhặt và chi tiết hơn cả chính luật lệ đòi hỏi nữa. Họ nghĩ rằng càng
giữ nhiệm nhặt những luật đó, thì họ càng trở nên thánh thiện trước mặt Thiên
Chúa. Vì dân chúng cũng nghĩ như thế, nên khi họ càng giữ luật đó nhiệm nhặt,
thì họ càng được mọi người ca tụng là thánh thiện. Và càng được tiếng là thánh
thiện thì họ càng phải tránh giao tiếp với những người tội lỗi để giữ được
tiếng tốt ấy.
Nhưng Đức Giêsu không suy nghĩ và hành động như họ. Đang
khi họ lấy việc giữ luật và việc cử hành những nghi thức tôn giáo bề ngoài làm
chuẩn mực quan trọng của sự thánh thiện, thì Đức Giêsu lại rất coi thường chuẩn
mực ấy. Ngài coi tình yêu đối với mọi người và lòng khoan dung đối với người
tội lỗi mới là chuẩn mực và là cốt yếu của sự thánh thiện. Vì cốt tủy của thánh
thiện là nên giống như Thiên Chúa, nguồn mạch thánh thiện. Mà để giống Thiên
Chúa thì điều cốt yếu nhất là phải giống bản chất của Ngài là tình yêu. Vì «Thiên Chúa
là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không phải là bất kỳ điều gì khác.
Ngài thì vô cùng quyền
năng, Ngài thì vô
cùng thanh sạch, v.v… nhưng Ngài không là quyền năng, không là thanh sạch, v.v… mà chỉ là tình yêu.
Vì thế, nếu giống Ngài ở trong mọi phẩm chất khác, mà
không giống Ngài ở tình yêu, thì không phải là thánh thiện. Người nào trong
sạch như thiên thần, hay có đủ mọi nhân đức nhưng lại không có tình yêu, người
ấy không phải là người thánh thiện, vì cốt tủy của người ấy không giống Thiên
Chúa. Còn những người tuy ít nhân đức, tuy còn ít nhiều tội lỗi, nhưng lại có
nhiều tình yêu, thì người ấy giống Thiên Chúa hơn. Thật vậy, trước mặt
Thiên Chúa, một người thu thuế bị mang tiếng là tội lỗi nhưng có
tình yêu và lòng khiêm nhượng vẫn có thể thánh thiện hơn một người Pharisêu
hằng được mọi người nể phục vì sống trong sạch và giữ luật hết sức nhiệm nhặt
nhưng lại thiếu tình yêu và lòng khiêm nhượng (x. dụ ngôn hai người lên đền thờ
cầu nguyện: Lc 18,9-14). Do đó, là người theo Chúa, ta nên biết điều chủ yếu
phải bắt chước Thiên Chúa là điều gì. Nếu không, việc theo Chúa của ta chỉ là «công dã
tràng».
2. Tình yêu đòi hỏi cứu người tội lỗi chứ không phải
xa lánh họ
Quan niệm của Đức Giêsu như thế, nên Ngài không ngần ngại
đến với những người tội lỗi, hòa mình với họ để có thể cảm hóa họ. Đối với
Ngài, dù họ tội lỗi đến đâu, họ cũng là «con cháu tổ phụ Ápraham» cả (Lc 19,9;
x.13,16), nên họ cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi ấy. Mà muốn cứu họ thì
không thể cứ xa lánh họ như chủ trương của những người Pharisêu, mà phải đến
gần họ, tiếp xúc với họ, sống chan hòa với họ, để họ cảm nghiệm được mình
thương yêu họ. Họ có cảm được mình yêu thương họ thì họ mới chịu nghe và thực
hành những điều hay lẽ phải mình giãi bày. Còn tỏ ra khinh bỉ và xa lánh họ thì
chỉ khiến họ xa mình và đẩy họ vào con đường tội lỗi hơn. Đối với Ngài, điều
quan trọng là cứu họ chứ không phải là giữ luật về sự «thanh sạch» của Môsê. Tình
yêu chân thật đòi buộc phải nghĩ như thế! Giao du với những người tội lỗi này,
Ngài đành phải chấp nhận Ngài bị mất uy tín – thứ uy tín giả tạo và phi lý –
trước mặt những người Pharisêu và giới lãnh đạo tôn giáo, khiến họ trách móc
Ngài.
Ngài đã dạy các môn đệ: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét
anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em» (Lc 6,27-38). Kẻ thù hay kẻ đang làm hại mình mà mình cũng
phải yêu thương, huống gì những anh chị em mình đang lầm lỡ, yếu đuối, lạc
đường và đang tiến về vực thẳm…! Chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã làm gương này
cho chúng ta. Thánh Phaolô viết: «Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ hoằn
lắm có người dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng
ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa
yêu thương chúng ta» (Rm 5,7-8). Nếu Thiên Chúa nại vào sự thánh
thiện của Ngài mà xa tránh và khinh bỉ những người tội lỗi, thì số phận của
loài người chúng ta hiện nay ra sao? Ta thánh thiện được bao nhiêu mà lại tự
hào về sự thánh thiện ấy để xa tránh anh chị em tội lỗi của mình? Tình yêu đã
khiến Thiên Chúa bất chấp sự thánh thiện của mình để đến hòa mình với nhân loại
tội lỗi. Thiên Chúa đã coi tình yêu quan trọng hơn sự thánh thiện của Ngài, và
chính vì thế, mà Ngài mới đúng là thánh thiện. Vì sự thánh thiện hệ tại tình
yêu hơn là hệ tại sự trong sạch hay tại có được vô vàn nhân đức! Còn Đức Giêsu,
Ngài dường như không hề dị ứng với những người tội lỗi, mà chỉ dị ứng – thậm
chí rất dị ứng – với những người mang danh đạo đức mà lại kiêu ngạo, tự mãn,
ích kỷ, thiếu tình thương, thích bắt bẻ, khinh bỉ và kết án người khác (x. Mt
12,1-14; Ga 9,40-41; Mt 23; v.v…).
3. Giá trị của một người tội lỗi ăn năn trở lại
Đức Giêsu hỏi những người Pharisêu: «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một
con, lại
không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ
được con chiên bị mất?» Câu hỏi ấy của Đức Giêsu cho thấy việc bỏ
lại 99 con chiên không bị lạc để đi kiếm con chiên lạc, là một cách hành xử
thường tình của con người. Ngữ cảnh của đoạn văn này khiến ta phải hiểu là
người chăn chiên đã phải lo cho 99 con còn lại ở một nơi an toàn có người khác
canh giữ trước khi ra đi tìm con chiên lạc. Chứ Đức Giêsu không phải là người
không biết tính toán: chỉ tìm có một con chiên lạc mà liều để mặc cho 99 con
kia ra sao thì ra! Hiểu theo cách ấy xem ra không đạt lý! Tuy nhiên, điều đáng
cho ta suy nghĩ và thắc mắc tìm hiểu là câu kết luận của Đức Giêsu: «Trên trời cũng
thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín
mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn». Tại sao
lại có vẻ nghịch lý như vậy?
Thường thì người tội lỗi nào thật sự ăn năn trở lại – nghĩa là quyết định
dứt khoát không quay về con đường cũ tội lỗi nữa – thì cũng đều có một giá trị
rất lớn trước mặt Thiên Chúa mà những người thánh thiện khác ít có được:
– Họ đã có một quá khứ tội lỗi, nên họ không bao giờ dám
tự hào về bản thân mình. Nhờ đó họ dễ khiêm nhường sâu xa hơn, mà khiêm nhường
lại chính là nền tảng vững chắc của sự thánh thiện.
– Họ đã kinh nghiệm được sự yếu đuối và mỏng dòn của con
người, nên họ rất dễ thông cảm sâu xa với những người yếu đuối, tội lỗi khác.
Sự thông cảm này khiến họ bao dung và yêu thương người tội lỗi hơn. Nên sự cảm
thông này là một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Và một khi họ đã trở nên
thánh thiện, họ cũng dễ dàng cảm hóa được người tội lỗi hơn nhờ kinh nghiệm trở
lại của họ.
– Họ càng phạm tội nhiều thì khi được Thiên Chúa tha tội,
họ càng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn, và do đó họ yêu
mến Thiên Chúa nhiều hơn: Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha
ít thì yêu mến ít (x. Lc 7,36-50).
– Đối với trần gian, những người tội lỗi quay trở về thường
có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là về mặt trái của nó. Do đó, họ thường
có một sự khôn ngoan nào đó mà người chưa từng phạm tội không có được.
Nếu họ thật sự quay trở về và yêu mến Thiên Chúa, Ngài có
thể biến chính quá khứ tội lỗi của họ trở thành một giá trị đem lại lợi ích lớn
lao cho chính họ và cho người khác (x. Rm 8,28), nhờ tình yêu họ có được đối
với Thiên Chúa và sự cảm thông và yêu thương đối với đồng loại.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu
đã yêu mến và quyết tâm cứu những người tội lỗi biết bao! Xin cho con biết yêu
mến và cảm thông với những anh chị em con đang sống tội lỗi vì chính con cũng
đã từng phạm tội như họ, đồng thời tìm đủ mọi cách đem họ về đường ngay nẻo
chính. Thánh Giacôbê nói: «Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở
về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của
mình» (Gc 5,20). Xin Cha hãy vì tình yêu con dành cho những người
tội lỗi mà tha thứ tội lỗi cho con.
Joan Nguyễn Chính Kết