CHÚA NHẬT 24 QUANH NĂM, C

(Lu-ca 15: 1-32)

       

        Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, câu truyện làm môn đệ Chúa Giê-su vẫn tiếp tục.  Thánh Lu-ca đã ghi:  “Có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giê-su” (14:25).  Rồi Chúa Giê-su quay lại nói với họ về điều kiện khắt khe phải chấp nhận để theo Người:  họ phải hoàn toàn được tự do nội tâm, không gì có thể ràng buộc, ngăn cản người môn đệ.  Với điều kiện phải trả cái giá đắt như thế, có nhiều người bỏ cuộc cũng không phải là điều lạ.  Tình huống ấy không làm nản lòng Thầy Giê-su.  Nhưng Người đã xử thế với những “con chiên lạc” này với tất cả lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Có lẽ đây cũng là một lý do để Chúa Giê-su kể luôn một lúc ba dụ ngôn, dụ ngôn nào cũng diễn tả niềm vui khôn tả của Thiên Chúa đón những con cái đi hoang trở về, lòng nhân từ của Thầy Giê-su sẵn sàng chấp nhận những yếu đuối của môn đệ Người trong mọi thời mọi nơi.  Làm con cái Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Giê-su mà không nhận thức trái tim khoan nhân của Đấng mình theo, ta sẽ không thể kiên trì và trung thành tới cùng được.  Đó là mục đích lời giảng của Chúa Giê-su trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

 

a)  Chiên lạc, đồng bạc bị mất và người con hoang đàng

 

        Trước khi suy niệm niềm vui và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, ta nên nhìn khía cạnh tiêu cực về phía ta để hiểu được khía cạnh tích cực của tình yêu Thiên Chúa.  Chính ta là nguyên nhân làm mất đi niềm vui của Thiên Chúa.  Giống như người chăn chiên cảm thấy bồn chồn lo lắng, người phụ nữ tiếc nhớ kỷ niệm êm đềm của đồng bạc bà dùng làm đồ trang sức từ lâu và người cha ngày ngày ưu tư không biết điều gì xảy đến cho đứa con đi hoang và ông chờ đợi ngày nó trở về, Thiên Chúa và Chúa Giê-su cũng có cùng một tâm tình ấy đối với ta khi ta không còn làm con cái Người hoặc không còn “cùng đi đường” với Chúa Giê-su nữa.

        Thiên Chúa mất niềm vui là vì ta không muốn thuộc về Người nữa.  Ta chà đạp trên tình cảm của Người và ta không coi trọng giá trị tình cảm Thiên Chúa đặt nơi ta.  Con chiên đã từng sống trong sự quen thân với mục tử và chiếm một chỗ trong trái tim mục tử.  Đồng bạc luôn luôn nhắc nhở người phụ nữ đeo nó trên cổ về những kỷ niệm với một người thân yêu nào đó đã tặng cho bà từ lâu.  Người con thứ đi hoang trở thành một phần không thể thay thế được trong cuộc đời người cha già hằng yêu thương anh và ông vẫn tìm thấy nơi con người hư đốn ấy một nét đẹp nào đó.  Cả ba đều nói lên một điểm chung, đó là giá trị tình cảm chứ không phải giá trị đo lường bằng vật chất, là giá trị làm cho người mất chúng cảm thấy xót xa và hằng cầu mong sẽ tìm lại được.  Cả ba đều biểu tượng cho cùng một thực tại của ta, đó là ta thuộc về Thiên Chúa như con cái Người và thuộc về Chúa Ki-tô như môn đệ Người.

 

b)  Đã bị mất, nay tìm lại được;  đã chết, nay lại sống

 

        Nếu mất đi đã là lý do khiến cho niềm vui của Thiên Chúa bị tổn thương, thì việc tìm lại được ta và ta trở về sẽ là lý do tại sao Thiên Chúa và triều thần Người vui mừng.  Tuy nhiên, để tìm lại được niềm vui ấy, người chăn chiên, người phụ nữ và người cha già đã phải chấp nhận khổ cực, kiên nhẫn và liều lĩnh để vượt thắng khó khăn, rồi mới tìm thấy lại những gì mình hằng yêu quý.  Thái độ chấp nhận ấy nói cho ta biết họ yêu mến những gì họ sở hữu. 

Cũng thế, Thiên Chúa muốn chiếm lấy ta trọn vẹn.  Người không muốn một ai bị hư đi (Ga 17:12).  Cho nên Người chấp nhận tất cả, sẵn sàng làm tất cả, miễn làm sao nhân loại trở về với Người.  Người chấp nhận ban Con Một cho họ.  Người sẵn sàng để cho Con Một Người phải chết ô nhục trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.  Tựa như người cha trong dụ ngôn, Người kiên nhẫn đợi chờ với lòng thương xót đến nỗi nhân loại tuy làm phiền lòng Người mà vẫn phải cất tiếng ngợi khen:  “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương...” (Tv 103).  Bản chất của Chúa là vậy cho nên giá trị của ta lại càng tăng thêm trước mặt Người, đến nỗi Người khắc tên ta vào bàn tay Người và Người khẳng định ta thật quý giá trước mắt Người (Is 43:4).  Chính vì ban cho ta giá trị lớn lao ấy nên Thiên Chúa đã cảm thấy như có bổn phận phải tìm lại cho cho bằng được.  Ta có thể nhận ra điều này qua “lý sự cùn” của người cha trong dụ ngôn:  “Chúng ta PHẢI ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.”  Tại sao lại “phải” làm một chuyện không đáng?  Không đáng đối với ta, nhưng lại rất đáng đối với Chúa!

 

c)  “Đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay lại sống” trong hành trình làm môn đệ Chúa

 

        Chúa gọi ta làm môn đệ Người không phải tất cả đều là những người thánh thiện, nhưng ngay trong hoàn cảnh ta đang sống, tình trạng ta đang là.  Đó là khởi đầu hành trình làm môn đệ của ta, để từ đó ta biến đổi trở nên giống với Thầy mình là Chúa Giê-su mỗi ngày một hơn.  Trong cuộc biến đổi ấy, có những thăng trầm, nhiều khi đi ngược lại cả lý tưởng làm môn đệ.  Nhưng Chúa Giê-su đã kiên nhẫn với các môn đệ tiên khởi của Người thế nào, Người cũng kiên nhẫn với các môn đệ tương lai như thế.  Nhiều lần ta vẫn đóng vai con chiên lạc hay đứa con hoang đàng và Chúa vẫn tiếp tục đóng vai người mục tử tốt lành và người cha nhân hậu đi tìm kiếm và đưa ta trở về.

        Niềm vui của Chúa khi tìm thấy ta và đưa ta trở về không làm cho ta ỷ nại và cứ tiếp tục sa ngã hoặc đi lạc, nhưng phải là điều nhắc nhở ta cố gắng mỗi ngày một tiến hơn trong hành trình làm môn đệ.  Niềm vui của Chúa cũng là dấu chỉ cho ta biết tình yêu Người dành cho ta thật to lớn không thể đo lường.  Càng yêu quý thì khi mất càng tiếc thương và cố gắng tìm lại.

        Về phần ta, điều quan trọng là ta có nhận ra là mình đang mất đi, đang lạc đường và ta có lên tiếng để Chúa đến cứu ta không.  Con chiên lạc đàn thì hoảng hốt kêu be be.  Người con thứ đi hoang thì lên tiếng tự nhủ:  “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói.  Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha!”

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Có khi nào tôi hiểu những dụ ngôn Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay theo nhãn quan của cuộc hành trình làm môn đệ Chúa không?  Dụ ngôn thích hợp với tình huống của tôi như thế nào?

        Nếu là bậc cha mẹ hoặc bề trên, tôi đã cảm thấy thế nào trước tình trạng con cái mình không sống đàng hoàng?  Tôi có làm gì để đi tìm lại đứa con đã mất, đưa nó trở về không?  Tôi biểu lộ niềm vui thế nào?

        Là môn đệ Chúa Ki-tô, tôi cảm nhận được quan hệ mật thiết và tình yêu Người dành cho tôi thế nào?  Tôi đáp lại tình yêu của Chúa ra sao?

 

Cầu nguyện

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

        để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

        Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

        để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

        Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

        để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

        Lạy Chúa Giê-su,

        xin làm cho con thật mạnh mẽ,

        để không nỗi thất vọng nào

        còn chạm được tới con.

        Xin làm cho con thật đầy ắp,

        để ngay cả một ước muốn nhỏ

        cũng không còn có chỗ trong con.

        Xin làm cho con thật lặng lẽ,

        để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

        Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

        để không phải là con,

        mà là chính Ngài đang sống.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 2)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà