SUY NHẬT CHÚA NHẬT XXV - 2001

Oâsê bằng một giọng dứt khoát và mạnh mẽ đã tố cáo lối sống "đàn áp người nghèo và tiêu diệt người bần cùng". Lời tố cáo ấy vẫn được tiếp nối trong truyền thống tiên tri, và một cách đặc biệt trong lời rao giảng của Đức Kitô. Lịch sử nhân loại, lịch sử mỗi dân tộc trên một góc độ nào đó cũng là chính lịch sử giải phóng cho những con người, những dân tộc bị thống trị. Thậm chí khi nói về "Thứ Ba đen tối", cũng có số người coi đó là biểu tượng của sự đấu tranh dành quyền sống cho những dân tộc cùng khổ. Như vậy, có thể là đã có nhiều hàm hồ trong từ ngữ ?

Thực ra, trên bình diện thế trần, người nghèo, kẻ bần cùng đều là đại đa số trong mọi xã hội, mọi thời và mọi nơi. Hằng chục ngàn con người đã nằm xuống ngày 11.9.2001 ấy không ai trong họ là những con người đàn áp, hay tiêu diệt kẻ nghèo. Bởi vì họ đích thật là nghèo so với những kẻ đã chủ trương tiêu diệt họ. Và chẳng ai trong họ có sức mạnh, có quyền lực, có địa vị so với những kẻ đã giết họ. Mọi cách thức, mọi chính sách, mọi chế độ, mọi cuộc đấu tranh nhân danh người nghèo, nhân danh dân tộc bị thống trị, tất cả đều đẩy người nghèo vào chỗ chết, và cuối cùng chỉ là để phục vụ cho lớp người quyền thế và giàu sang. Nếu ngày 11.9 đã cướp đi mạng sống của chục ngàn con người, và làm suy thoái tiềm năng của một dân tộc, thì cái ngày "N" sắp tới sẽ khởi đầu cho hằng triệu người nghèo phải chết tức tưởi, và bao nhiêu dân tộc sẽ đi đến chỗ diệt vong? Cái phi lý của mọi chiến tranh là chẳng một kẻ giàu, chẳng một người quyền thế nào đã từng là nhưng kẻ "đàn áp và tiêu diệt người nghèo" ở bên này hay bên kia chiến tuyến, không một ai trong số họ phải chết. Và nếu như cơ may trong một cuộc chiến dành cho người nghèo, để họ chiến thắng, thì chẳng mấy chốc họ lại trở nên những chủ nhân ông mới, một lớp người có tiền của và địa vị, và đại đa số người nghèo vẫn không có cơ hội thay đổi vận mệnh của chính mình.

Đức Giêsu bằng một lời khuyên thật giản đơn "Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu." mới có thể hình dung cơ chế và hoạt động mang tích cách mạng tuyệt đối vì người nghèo.

Tính cách mạng căn bản của lời khuyên ấy nằm ở cách nhìn và đón nhận một bậc thang giá trị mới mẻ :

Tiền của, hay "cái mình có" không thể sánh với "bạn hữu".

"Bạn hữu" trong mạch văn ở đây, cũng như trong toàn bộ Tin Mừng là những con người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người đau ốm tật nguyền, những kẻ bị hành hạ, bị chà đạp, bị giam cầm tù đầy, những ngừơi gồng gánh nặng nề, đám dân đen không biết gì về lề luật. những kẻ bị loại trừ khỏi xã hội, kể cả người tội lỗi. Trong "lời từ biệt", Đức Giêsu đã nói với các môn đệ, mà Người đã chọn trong lớp người lao động nghèo khổ "Thầy không gọi các con là tôi tớ, Thầy gọi các con là bạn hữu". Và điều thiết yếu trong sứ mạng của Ngài chính Ngài đã nói lên : "Con đã hiến thánh mình con cho chúng.". Thánh Phaolô cũng khẳng định như vậy ". Đức Kitô Giêsu, với tư cách một con người, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.". Thực ra, đau khổ của người nghèo ở mọi thời và mọi nơi không phải là sự túng thiếu và đói khát, trừ khi có chiến tranh hay nạn đói, nhưng là nỗi xấu hổ tủi nhục, điều mà người quản lý bất lương trong Tin Mừng đã nói "ăn mày thì hổ ngươi". Người nghèo thấy mình hoàn toàn bị lệ thuộc vào người khác, đó là nỗi sỉ nhục khủng khiếp. Với Đức Giêsu, với đường lối của Người, người nghèo trở thành đối tượng của sự kính trọng yêu mến và phục vụ. Lịch sử "Rao Giảng Tin Mừng" nơi mọi dân tộc, từ xưa đến nay có thể minh chứng về chân lý ấy : Tin Mừng trước hết và trên hết thuộc về lớp người nghèo trong xã hội. Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo đã có một câu trả lời thật chính xác khi Ngài bị tra hỏi về tài sản của Giáo Triều, Ngài chỉ vào đám người nghèo lang thang trong Thành Đô Roma và nói :"Đây là tài sản của Giáo Hội".

Tiền của "không phải là ông chủ" của người đi theo Đức Giêsu. Người ta không được phép xử dụng tiền của để áp chế người khác. Tiền của phải phục vụ cho "tình bằng hữu". Và nền tảng tình bằng hữu ở đây như thánh Phaolô nhận định là vì Thiên Chúa "Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết Thiên Chúa". Đức Giêsu còn khẳng định cách dứt khoát "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".

Trong cách nhìn đó, những khích động để gia tăng lòng thù hận, những tập hợp sức người sức của cho mục tiêu chiến tranh dù ở bên này hay bên kia, không thể là phản ánh trung thực của Tin Mừng được. Có những hoàn cảnh, sống theo Tin Mừng là một điều vượt qúa thân phận con người. Chính ở điều ấy mà lời thư của Thánh Phaolô có giá trị củng cố lòng tin "Đức Kitô Giêsu, với tư cách một con người,." Phải, với tư cách một con người, hoàn toàn giống như chúng ta "ngoại trừ tội lỗi", Người đã thiết lập một trật tự mới cho cuộc sống con người, trật tự dựa trên sự tự hiến mình để yêu thương và phục vụ người nghèo, chứ không phải trật tự dựa trên sự kết án và tiêu diệt. Chính vào thời điểm này, trước nguy cơ của một chiến tranh rộng lớn, người Kitô hữu phải mạnh mẽ nói lên Niềm Tin của họ, để cống hiến cho nhân loại con đường sự sống.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà