Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên
(19-9-2004)
Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta đang có
ĐỌC LỜI CHÚA
· Am
8, 4-7: (Đức Chúa phán:) (4) Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người
cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (7) Ta sẽ chẳng bao giờ
quên một hành vi nào của chúng.
· 1Tm
2, 1-8: (3) (…) Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, (4)
Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.
· TIN
MỪNG: Lc 16, 1-13
Dụ ngôn người quản gia bất lương
(1) Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: «Một nhà phú hộ
kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của
cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta
nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không
được làm quản gia nữa!” (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ
làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không
nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi
mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
(5) «Anh
ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi
bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu”. Anh ta
bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7)
Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một
ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm
thôi”.
(8) «Và
ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái
đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng.
Trung tín trong việc sử dụng tiền của
(9) «Phần
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè,
phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10)
Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất
lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11)
Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ
tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh
em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho
anh em của cải dành riêng cho anh em?
(13) «Không gia nhân nào có thể
làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ
này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi
Tiền Của được».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.
Chúng ta có hoàn toàn làm chủ những gì
chúng ta có (sức khỏe, thì giờ, tài năng, tiền bạc…) để có thể hoàn toàn sử
dụng theo ý riêng của chúng ta không? Tại sao?
2.
Chúng ta có thể dùng những thứ của cải
chóng qua ở đời này để tạo hạnh phúc vĩnh cửu cho mình trên trời không? bằng
cách nào?
3. Người không đáng tin trong chuyện tiền bạc, ta
có thể tin vào lương tâm người ấy không? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta
đang có, và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng
Trong dụ ngôn
người quản gia bất lương, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một người quản gia phung
phí của cải của chủ. Điều đó có nghĩa là ông đã sử dụng của cải của chủ sai mục
đích mà chủ muốn. Chủ yếu là ông đã không dùng của cải hay tiền bạc của chủ để
tạo lợi ích cho chủ, mà tạo lợi ích riêng cho mình. Hậu quả của việc làm đó là
ông bị chủ cho thôi việc.
Qua dụ ngôn
này, Đức Giêsu muốn cảnh báo và nhắc nhở chúng ta một chân lý quan trọng. Những
của cải – tinh thần cũng như vật chất – Thiên Chúa ban cho chúng ta (như sức
khỏe, thì giờ, các tài năng, sự khôn ngoan, thông minh, khéo léo, học vấn, bằng
cấp, nghề nghiệp, của cải, tiền bạc, v.v…) đều là của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ
là người quản lý những của cải đó cho Ngài, chứ không phải là chủ của chúng. Là
người quản lý, chúng ta không có quyền phung phí những của cải đó. Nghĩa là
chúng ta không nên sử dụng chúng theo ý riêng của ta, chỉ nhằm thỏa mãn những
nhu cầu riêng hay tạo lợi ích riêng cho chúng ta, mà không quan tâm đến nhu cầu
và lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng những
của cải đó để làm lợi cho Nước của Ngài, cho Giáo Hội, xã hội, nhất là cho hạnh
phúc của tha nhân đang sống gần gũi chung quanh ta.
Những của cải
ấy Thiên Chúa ban cho ta càng nhiều, thì trách nhiệm của ta – là phải làm lợi
cho Chúa và tha nhân – càng lớn. Dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30) nói lên
điều đó: người nhận được 5 nén phải làm lợi thành 5 nén khác, còn người nhận
được 1 nén thì chỉ phải làm lợi thành 1 nén khác thôi. Nếu chỉ nhận được 1 nén,
thì ta không thể nại lý do là nhận được quá ít mà không làm lợi thêm. Kẻ chỉ
nhận 1 nén mà không sinh lợi thì vẫn bị trừng phạt. Kẻ nhận được 5 nén mà không
sinh lợi thì còn bị trừng phạt nặng hơn nữa, nhưng nếu làm lợi thành 5 nén khác
thì lại được thưởng nhiều hơn.
Vì thế, chúng
ta cần ý thức trách nhiệm của chúng ta trong việc sử dụng tài năng, thì giờ,
sức khỏe, và của cải vật chất mà Thiên Chúa ban: đừng chỉ biết lo cho bản thân
hay gia đình mình, mà còn phải biết dùng những gì ta có để đem lại hạnh phúc
cho tha nhân, làm cho Nước Tình Thương của Thiên Chúa phát triển trên mặt đất.
2. Dùng của cải chóng qua để mua
Nước Trời vĩnh cửu
Khi dùng tiền
bạc để mua đồ này vật nọ là ta đổi một thứ của cải chóng qua lấy một thứ của
cải chóng qua khác cũng thuộc trần gian này. Nhưng trong dụ ngôn trên, Đức
Giêsu cho biết: chúng ta có thể dùng thứ của cải chóng qua này để mua lấy thứ
của cải vĩnh cửu trên trời. Điều đó không khác gì dùng tiền giả, chẳng hạn thứ
tiền chỉ dùng làm đồ chơi cho trẻ con, mà mua được đồ thật. Với khả năng đó, ai
có tiền giả mà không biết dùng để mua đồ thật thì quả là khờ dại.
Trong dụ ngôn
trên, sau khi biết chủ quyết định cho mình thôi việc, viên quản lý bất trung
vội vã lợi dụng thời gian ngắn ngủi còn làm quản lý của mình để lo cho tương
lai. Ông lợi dụng tiền mà các khách hàng của chủ còn nợ để mua nhân nghĩa, để
nhờ những nhân nghĩa đó mà sau khi mất việc, ông sẽ được các khách hàng ấy yêu
mến và ưu đãi. Như vậy, ông đã dùng tiền bạc mà ông chỉ quản lý chứ không làm
chủ để mua lấy nhân nghĩa, là thứ vẫn còn tồn tại và ích lợi cho ông sau khi
ông bị thôi việc.
Dựa vào sự
khôn ngoan của viên quản lý bất trung ấy, Đức Giêsu dạy khôn chúng ta: «Hãy
dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ
đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». «Tiền của bất chính» trong câu này (đối
lại với «của cải chân thật» trong câu Kinh Thánh liền sau) chỉ có nghĩa là thứ
tiền của không thuộc quyền sở hữu của chúng ta mà của người khác, nhưng chúng
ta có thể sử dụng chúng hầu mưu ích cho chính mình. Nghĩa là chúng ta có thể
dùng những gì chóng qua, nay còn mai mất, mà Chúa ban cho chúng ta ở đời này
(tài năng, sức khỏe, thì giờ, tiền bạc…) để đổi lấy thứ của cải không bao giờ
hư mất là hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Bằng cách nào? Bằng cách dùng chúng để
lo cho Nước Thiên Chúa, lo cho hạnh phúc của tha nhân (chẳng hạn: cống hiến cho
những công việc của Giáo Hội và xã hội, cho những công trình từ thiện, hoặc
giúp đỡ người nghèo…). Nhờ đó chúng ta có được «những kho tàng trên trời, nơi
mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi được» (Mt 6,20).
Nếu ta chỉ dùng những thứ Chúa ban để đổi lấy những của cải chóng qua, thì khi
ta chết, ta sẽ phải để lại trần gian tất cả, không mang gì đi được, chỉ ra đi
với hai bàn tay trắng. Còn nếu ta biết chuẩn bị cho mình «những kho tàng trên
trời», thì khi ta chết đi, ta đã có sẵn những kho tàng ấy ở trên trời, rất ích
lợi cho chúng ta ở đời sau.
Đừng để cho
câu «Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng» trở nên đúng đối với chúng
ta. Một trong những những ý nghĩa của câu này là: con người tỏ ra rất khôn
ngoan trong mọi sự liên quan đến những thực tại trần gian; nhưng lại rất kém
khôn ngoan trong những sự liên quan đến Nước Trời. Họ không biết dùng sự khôn
ngoan mà họ dùng ở trần gian để áp dụng cho những gì thuộc đời sống vĩnh cửu.
3. Ai trung tín trong việc nhỏ,
cũng sẽ trung tín trong việc lớn
Một trong
những điểm nhấn của bài Tin Mừng là sự công chính trong việc sử dụng tiền bạc. Không
phải ai trung tín trong việc sử dụng tiền bạc thì cũng luôn luôn trung tín
trong mọi việc khác. Tuy nhiên, trong cuộc đời, kinh nghiệm cho ta thấy ai luôn
giữ chữ tín trong việc sử dụng tiền bạc, thì cũng thường trung tín trong những
chuyện khác. Còn ai không đáng tín nhiệm trong chuyện tiền bạc, thì cũng thường
không trung tín trong những chuyện khác. Người ta thường nói: «Lấy lửa thử
vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Câu nói ấy thật chí lý,
nó là kết tinh những kinh nghiệm trường đời của nhân gian. Tuy nhiên, vàng hay
tiền bạc vẫn là thứ cơ bản và thông dụng để thử lương tâm và lòng trung tín của
mọi người.
Một lương tâm
trong sáng thì luôn thể hiện sự trong sáng ấy trong việc sử dụng tiền bạc, nhất
là khi sử dụng tiền bạc của người khác. Không thể tin được một người biển thủ
tiền bạc của người khác, của công quỹ, đối xử với người khác một cách không
công bằng về mặt tiền bạc, lại là người có lương tâm ngay thẳng và đáng tín
nhiệm. Không thể tin được một người được nhờ giao tiền cho người khác mà giữ
lấy làm của mình, lại là người đạo đức đích thực. Hiện nay, có rất nhiều người
mang danh là đạo cao đức cả, nhưng lại rất bê bối trong chuyện sử dụng tiền bạc
của người khác. Quả thật, họ chỉ «có tiếng mà không có miếng» về mặt đạo đức.
Chính Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn: «Nếu anh em không trung tín trong việc sử
dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho
anh em?» Thiết tưởng đức công bằng – cụ thể về mặt tiền bạc – là nền tảng của
đức bác ái; và đức bác ái là nền tảng của đạo đức Kitô giáo. Do đó, người đạo
đức thật sự phải là người luôn luôn không có gì đáng trách về đức công bằng,
nhất là về tiền bạc.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con biết sử dụng những gì Cha ban
cho con để phục vụ Cha và mọi người, nhất là để mưu cầu hạnh phúc cho những
người chung quanh con. Xin giúp con luôn giữ trọn đức công bằng đối với mọi
người, để con chứng tỏ được lương tâm trong sáng của con.
Joan Nguyễn Chính Kết