CHÚA
NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
Lc
16, 19-31
NGƯỜI
PHÚ HỘ GIẦU CÓ VÀ LAGIARÔ NGHÈO HÈN
Linh
mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thế nào là giầu có ? Thế nào là nghèo hèn ? Con người sinh ra để làm gì
? Chết rồi đi đâu ?…Đó là những vấn nạn con người thường đặt ra từ muôn thuở.
Có người hiểu được, lãnh hội được những câu hỏi đã có từ muôn đời. Có người hầu
như bịt tai, bịt mắt để làm ra như không nghe, không thấy, không trả lời những
vấn nạn thực tế nhất mà con người sinh ra, sống ở trên thế giới này đều phải
đương đầu, đối diện và phải tự trả lời sao cho thích hợp.
MỘT THỰC TẾ PHŨ PHÀNG:
Dụ ngôn người phú hộ giầu có và anh Lagiarô nghèo túng vẫn là bài học
cho con người muôn thuở. Thực tế, nhiều nơi trên thế giới, có chỗ lương thực dư
thừa, đổ đi ra biển hay chôn vùi dưới lòng đất. Nhưng lại có nhiều nơi trên thế
giới nhiều người còn bữa no, bữa đói. Thử hỏi đã có bao nhiêu người lưu tâm tới
những người nghèo đói ? đã có bao nhiêu người biết chia sẻ của cải, cơm bánh,
lương thực cho những người đói khổ yếu hèn ? Đã có bao nhiêu người biết quan
tâm, lo lắng cho người khác hay họ chỉ tìm cách, tìm thuốc chống mập phì, chống
tăng huyết áp, hay họ chỉ lo sao cho ăn mặc hợp thời trang, làm sao cho đúng
mốt, đúng mô đen vv…Đang khi đó còn biết bao người đang rách rưới, chịu lạnh,
chịu rét, chịu mệt mỏi, khó khăn như dụ ngôn của thánh Luca 16, 19-31 Giáo Hội
trích đọc trong Chúa Nhật XXIV này cho thấy cảnh trái ngược, chướng tai gai mắt
giữa cảnh giầu có sa hoa của một con người và cảnh túng thiếu đến rùng mình của
anh Lagiarô nghèo đói. Tin Mừng thuật lại một cách dí dỏm, nhưng chua cay của
thân phận người nghèo và lòng chai lì, con tim băng giá của người phú hộ giầu
có. Lagiarô đói đến nỗi chờ chực xem có mụn bánh nào từ trên bàn ăn của người
giầu có rơi xuống không để anh có thể chấm tay mà cho vào miệng hầu bụng đỡ
đói. Thánh Luca đã viết một cách thật chua xót:”…mấy con chó cứ đến liếm ghẻ
chốc anh ta”( Lc 16, 21 ). Thật đau buồn, cay đắng khi Tin Mừng viết:” Có một
nhà giầu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”( Lc 16, 19
). Người giầu được tất cả mọi sự ở trần gian chóng qua này…còn Lagiarô thì túng
quẫn nằm trước cửa ông nhà giầu( Lc 16, 20 ). Hai hình ảnh thực trái ngược của
một bức tranh xã hội muôn thời vẫn có…
SỰ CÔNG BẰNG CỦA THIÊN CHÚA:
Chúa đã nói:” Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?”.
Điều này quả đúng với trường hợp của dụ ngôn Tin Mừng của thánh Luca trích đọc
hôm nay. Lagiarô đã chết và được đem vào lòng Ông Abraham. Ông nhà giầu cũng
chết, và người ta đem chôn( Lc 16, 22 ). Lagiarô được hạnh phúc vì cuộc đời
trần đã sống đẹp lòng Chúa, ăn ngay ở lành, nghèo nhưng không ăn trộm, ăn cắp.
Lagiarô chấp nhận cuộc đời nghèo hèn của mình như người nghèo của Thiên Chúa( Anawim de Dieu ).
Lagiarô đã được thưởng công, được ngồi trong lòng tổ phụ Abraham và
được thấy Thiên Chúa mãi mãi. Còn Ông nhà giầu, đã có mọi sự thừa thãi, tấm
lòng ông chai đá, ông không biết chia sẻ, không biết nghĩ tới người khác, ông
không sống theo ý Chúa. Cuộc đời của ông quả thực khốn nạn, bị trầm luân dưới
âm phủ( Lc 16, 23 ).
Ông có kêu gì, ông có tỏ vẻ hối hận cũng đã muộn, ông không nghe lời
các ngôn sứ, ông đã không lắng nghe Sách Thánh, giờ đây giữa ông nhà giầu và
Lagiarô đã có một vực thẳm, một hố ngăn cách, không bên nào có thể qua bên nào
được( Lc 16, 26 ).
Thiên Chúa đã rất công bằng trong khi xét xử. Chúng ta gọi đó là sự
công bằng của Thiên Chúa.
MỘT VÀI SUY NGHĨ:
Trong Tin Mừng, chúng ta đọc dụ ngôn người thanh niên giầu có. Chàng
thanh niên được Chúa Giêsu khen là rất tốt, không còn xa nước Thiên Chúa bao
nhiêu, nhưng khi muốn người thanh niên nên trọn hảo, Chúa đã đề nghị anh:” Hãy
đi về ban hết tài sản anh có, rồi đem phân chia cho người nghèo khó và tới theo
Chúa”. Anh thanh niên không thực hiện được điều ấy vì anh giầu kếch sụ, anh
tiếc rẻ của cải…Trên thế giới muôn thời vẫn có nhiều người tốt, nhiều người
biết hy sinh, chiasẻ, biết nghĩ tới người khác, đã không màng gì của cải, đã
không tiếc với bất cứ ai, họ đã sẵn sàng ra đi phục vụ và sống bác ái với mọi
người. Biết bao người nam và người nữ đã tận hiến đời mình cho Chúa để chấp
nhận sống nghèo phục vụ tha nhân. Biết bao vị thánh xưa nay đã sống mối phúc
thứ nhất để đem lại hạnh phúc cho người khác. Biết bao người tốt ở trần gian đã
làm những điều cần phải làm, đã nhìn thấy những điều cần nhìn thấy, đã sống đúng theo từng mối phúc của Thiên
Chúa khác với cảnh giầu có của người phú hộ giầu và nhiều người giầu trên thế
giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con con tim nhạy cảm để chúng con
biết thực thi bác ái và tình liên đới với mọi người.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
Bạn nghĩ gì về thái độ của người giầu có trong Tin Mừng của thánh Luca
16, 19-31 ?
Bạn đã sống bác ái và tình liên đới với người khác chưa ?
Bạn cảm nghiệm thế nào về tình thương của Chúa Giêsu nhân từ ?