Chúa Nhật 26 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 1 Ti-mô-thê 6: 11-16

        Trước hết chúng ta hãy đọc lại đoạn thư được sử dụng cho Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trong mạch văn của đoạn 6:2b-21. Trước bài đọc là một lời cảnh cáo phải coi chừng nguy hiểm do những kẻ dạy giáo lý không chân chính và do lòng yêu thích của cải (6:2b-10). Tiếp theo bài đọc là lời khuyến dụ người giàu có hãy đặt tin tưởng vào Chúa chứ đừng vào của cải trần gian (6:17-19). Vậy bài đọc hôm nay nằm giữa phần cảnh cáo và khuyến dụ ấy, là lời khuyên nhủ Ti-mô-thê phải coi chừng trước những điều nói trên và dạy ông "hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa."

        Mẫu sống mà thánh Phao-lô nêu lên cho Ti-mô-thê là mẫu sống chúng ta phải có, để có thể đương đầu với những mẫu sống của trần gian được mô tả trực tiếp hay gián tiếp qua lời cảnh cáo và khuyến dụ. Nói khác đi, giữa những cuộc sống bị chi phối do giáo lý không chân chính và lòng yêu thích cậy dựa vào của cải thế gian, người môn đệ Chúa Ki-tô cần phải chọn lựa cuộc sống công chính, đạo đức và tin cậy vào Thiên Chúa.

        Tới đây, để đưa ra một lời khuyên thực tế, thánh Phao-lô dạy Ti-mô-thê hãy sống như là đang sống "trước mặt Thiên Chúa""trước mặt Đức Ki-tô Giê-su." Sống trước mặt Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận Người là nguồn sống, ý thức cuộc sống mình là một hồng ân chính Thiên Chúa muốn chia sẻ sự sống Người với chúng ta. Ý thức này vô cùng quan trọng, vì nếu không ý thức như vậy, chúng ta sẽ tưởng mình là chủ sự sống của mình và muốn sử dụng nó thế nào tùy ý mình. Nếu chúng ta phải sống trước mặt Thiên Chúa như con cái Người, thì chúng ta cũng phải sống "trước mặt Đức Ki-tô Giê-su" như môn đệ Ngài, hoặc như "bạn hữu" (Ga 15:15), hoặc như "đồng thừa kế" với Ngài (Rm 8:17).

        Sống trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô dầu sao vẫn là một thái độ, một điều tương đối trừu tượng. Nhưng Phao-lô muốn đưa ra một gương mẫu cụ thể, đó là gương sống của một người bằng xương bằng thịt như chúng ta, tức là Đức Giê-su, Đấng đã biểu dương một lối sống khi đứng trước tòa tổng trấn Phi-la-tô. Vậy lối sống ấy là:

        "Nước tôi không thuộc về thế gian này...

        Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này:

        đó là để làm chứng cho sự thật.

Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (Ga 18:36-37)

Sự thật ở đây là chính Đức Giê-su (Ga 14:6), tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Lối sống của Đức Ki-tô là lối sống Thiên Chúa muốn thấy nơi tất cả chúng ta. Đức Ki-tô đã tuyên xưng lối sống ấy, bất chấp những chống đối của kẻ thù và bất chấp án tử hình do Phi-la-tô áp đặt. Thiên Chúa đã muốn Con Một Người chấp nhận cái chết để nói lên Người yêu thương loài người như thế nào và Người muốn loài người hãy sống rập theo lối sống của "Con Một yêu dấu" Người để được cứu rỗi. Lối sống ấy còn được diễn tả như một lối sống "tinh tuyền, không chi đáng trách."

Nói đến Chúa Ki-tô là nói đến một gương mẫu sống. Nhưng hơn thế nữa, đối với Phao-lô, nói đến Chúa Ki-tô bao giờ cũng là dịp để ngài biểu lộ lòng ngưỡng mộ và tâm tình yêu mến, một dịp để tôn vinh, cảm tạ và ngợi khen. Những câu 15-16 là những hình ảnh Phao-lô mượn từ Cựu Ước (Mcb 13:3, Xh 33:20, Tv 104:2) để tuyên dương quyền năng Đức Ki-tô.

Bài đọc này có thể đưa ra những chủ đề khác nhau. Xét về phương diện mục vụ theo chủ đích của Thư 1 Ti-mô-thê, bài đọc trực tiếp nhắm tới đời sống gương mẫu của người mục tử, hoặc gián tiếp nhắm tới đời sống phải có nơi mọi Ki-tô hữu nói chung. Còn nếu xét trên phương diện giáo lý và thần học tín lý, bài đọc muốn nêu lên lối sống gương mẫu của Chúa Giê-su như là con đường cứu rỗi chúng ta phải theo, hoặc nói đến việc quang lâm của Đức Ki-tô trong ngày phán xét chung. Dù chọn chủ đề nào, thì bài đọc cũng là một đề tài suy gẫm thật phong phú và thực tế. Những tâm tình của thánh Phao-lô về Chúa Ki-tô có thể gợi ý giúp chúng ta tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Giáo lý không chân chính và lòng yêu thích của cải đã chi phối cuộc sống của tôi như thế nào? Tôi có thể nhận định đâu là một số dấu hiệu của tình trạng bị chi phối ấy?

        Với những kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể chia sẻ điều gì với nhóm về đời sống "công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại, hiền hòa"?

        Trước đây, có bao giờ tôi ý thức việc sống "trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su"là điều quan trọng không? Tôi có coi lối sống ấy như lời "kêu gọi của Thiên Chúa" không? Và từ nay tôi phải tập sống với ý thức ấy như thế nào?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm hát một bài thích hợp, hoặc cầu nguyện với kinh sau đây:

        Lạy Chúa Giê-su, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

        Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

        Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

        Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. A-men.

(Lời nguyện 13, trích trong RABBOUNI)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà