CHÚA NHẬT 26 QUANH NĂM

(Lu-ca 16: 19-31)

 

        Qua mấy Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng thường đề cập đến thái độ tự phụ của những người Do-thái muốn gắn bó với Lề Luật cũng như truyền thống nên không chấp nhận Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu thế của Người.  Họ giống như những người muốn ăn trên ngồi trốc tại bữa tiệc (Lc 14:7-11), hoặc như người con cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu (15:11-32).  Với dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến số phận của những người Do-thái nói trên và kêu gọi họ:  nếu họ hãnh diện là con cháu ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì họ hãy nghe theo lời ông và các ngôn sứ mà nhìn nhận Đức Ki-tô đã đến để ứng nghiệm những điều Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên báo.

 

a)  Ông nhà giàu và người nghèo khó     

 

        Dụ ngôn diễn tả thực trạng xã hội:  người giàu có và người nghèo khó sống bên cạnh nhau tạo nên một hình ảnh trái ngược ta thường gặp trên thế giới này.  Nhưng dụ ngôn cũng diễn tả một thực trạng tương lai sau khi cuộc sống trần gian kết thúc:  người nghèo khó được an ủi trong khi ông nhà giàu phải chịu khốn khổ.  Tuy nhiên, nếu chỉ diễn tả như vậy thôi thì dụ ngôn sẽ chẳng nêu lên một bài học hoặc đưa ra một sứ điệp nào.  Do đó, phải căn cứ vào đoạn kết của dụ ngôn, cuộc đối thoại giữa ông nhà giàu và ông Áp-ra-ham, ta mới thấy rõ được chủ ý của Chúa Giê-su qua lời khẳng định của ông Áp-ra-ham:  “Ông Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu.”

        Cuộc sống đời này giàu hay nghèo không phải là yếu tố quyết định cho tương lai.  Ta giàu không có nghĩa là Chúa thương ta và chắc chắn ta sẽ được cứu rỗi.  Ta nghèo cũng không có nghĩa là Chúa ghét ta và sẽ không cho ta vào thiên đàng.  Nhưng điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền bạc của cải theo ý Chúa (như dụ ngôn người quản gia bất lương đã cho thấy) và biết hoàn toàn khiêm tốn dứt bỏ mọi sự mà làm môn đệ Chúa Ki-tô (Lc 14:25-27).  Sống như thế là ta sống theo lời Chúa Giê-su đã dạy ta qua lời giảng của Người.  Tin vào Chúa Ki-tô và sống Tin Mừng của Người là tiêu chuẩn duy nhất để ta đạt tới số phận tương lai vĩnh cửu được ở bên cạnh Chúa.

        Hiểu theo nhãn quan ơn cứu rỗi, hình ảnh ông nhà giàu và năm người anh em có thể tượng trưng cho những người Do-thái không tin Chúa Giê-su, còn anh La-da-rô tượng trưng cho những người Dân ngoại đói khát ơn cứu rỗi.  Dân Do-thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm cái nôi ơn cứu rỗi, có Lề Luật và các Ngôn sứ chuẩn bị cho họ đón nhận, chẳng khác gì sự phong phú yến tiệc linh đình ông nhà giàu được hưởng mỗi ngày.  Vậy mà “ông Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu.”  “Người chết có sống lại” trong lời khẳng định của Áp-ra-ham đây chính là Chúa Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết và dẫn ta vào cuộc sống muôn đời.  Thái độ cứng lòng tin của những người Do-thái kia là điều Chúa Giê-su thường nhắc đến, đặc biệt qua Tin Mừng Gio-an.  Người còn than khóc cho số phận của họ:  “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!  Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!  Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23:37).

 

b)  “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40)

 

        Đó là kế hoạch của Thiên Chúa Cha khi sai Con Một là Đức Giê-su Ki-tô đến với nhân loại.  Để mọi người được sống và sống sung mãn.  Nhưng trước khi Đấng Cứu Thế đến với nhân loại, Thiên Chúa đã chuẩn bị một dân tộc để qua dân tộc ấy Người sẽ đi vào lịch sử của nhân loại, trong không gian và thời gian của con người (Ga 1:14).  Người phải trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, để ai thấy Chúa Giê-su là thấy Thiên Chúa, tin Chúa Giê-su là tin chính Thiên Chúa.  Thấy không phải chỉ là thấy bằng mắt, nhưng là nhìn nhận Chúa Giê-su là ai.  Tin không chỉ là chấp nhận Chúa Giê-su và lời giảng của Người qua trí óc chúng ta, nhưng là sống mối quan hệ giữa ta với Người và để cho mối quan hệ yêu thương ấy nắn đúc con người của ta trở nên giống gương mẫu là chính con người Chúa Giê-su.

        Lòng tin của những người đương thời với Chúa Giê-su cũng như của ta ngày nay không có gì khác biệt.  Lòng tin không căn cứ vào những phép lạ ly kỳ Chúa đã thực hiện, nhưng hơn thế nữa, lòng tin phải dựa vào Kinh Thánh là những điều Lề Luật và các Ngôn sứ đã nói về Chúa Giê-su.  Chính vì thế, sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Em-mau, mở lòng trí họ tin nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế.  “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh... Người bảo:  ‘Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm’.”(Lc 24:27,44).

        Những người đương thời với Chúa may mắn được trực tiếp nghe Lời Thiên Chúa, nhưng lại gặp khó khăn là làm sao chấp nhận một người họ trông thấy chẳng có gì khác họ mà lại là Con Thiên Chúa.  Ngày nay tuy ta không được trực tiếp nghe Chúa Giê-su, nhưng ta lại được nghe tuyên đọc Lời Chúa trong Thánh lễ, đọc Kinh Thánh đầy đủ in trên sách, trên màn ảnh vi tính, và nhất là được thừa hưởng gia sản đức tin của toàn thể Giáo Hội.  Vì thế, vấn đề không phải là ta được trực tiếp nghe Chúa giảng dạy, mà là qua Kinh Thánh ta có tin Chúa Giê-su hay không.

        Để giúp ta hiểu lòng tin vào Chúa Giê-su sẽ làm cho ta được sống đời đời (Ga 6:44,54), thánh Phao-lô đã diễn tả mối quan hệ mật thiết giữa ta với Chúa:  “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.  Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2:11-12).

        Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó rất ý nghĩa đối với mọi Ki-tô hữu.  Ta không thể mang thái độ tự mãn, nghĩ mình là người có đạo từ tấm bé mà lơ là trong việc thiết lập mối quan hệ với Chúa Giê-su và để cho Lời Người biến đổi con người của ta.  Học hỏi và cầu nguyện bằng Kinh Thánh là phương thế giúp ta biết và yêu mến Chúa Giê-su mỗi ngày một hơn.  Lúc nào ta cũng là kẻ “ăn mày” đói khát và mong được no nê ơn cứu rỗi.  Dù giàu hay nghèo, ta đều phải chết.  Nhưng ta được “người ta đem chôn” hay ta “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham” đó là tùy ở ta có sống mối quan hệ với Chúa ở đời này hay không.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        “La-da-rô” có nghĩa là Thiên Chúa giúp.  Muốn được Chúa giúp, ta cần phải nhìn nhận thân phận bất xứng của ta và hoàn toàn tín thác vào tình yêu cứu rỗi của Người.  Vậy tôi có đích thực là một La-da-rô không?  Hay tôi cậy dựa vào những quyền lực của thế gian như của cải, danh vọng, bằng cấp...?

        Nguyên tắc đảo lộn số phận con người sau cái chết, đó là người ta có sám hối và tin vào Chúa Ki-tô không.  Tôi đã hiểu và tiếp nhận thế nào mệnh lệnh của Chúa Giê-su:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15)?

        Tôi phải tập làm sao để “lắng nghe tiếng Chúa” qua Kinh Thánh?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Chúa,

        xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

        để con làm bật rễ khỏi lòng con

        những ích kỷ và khép kín.

        Xin cho con đức tin can đảm

        để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

        chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

        Xin cho con đức tin sáng suốt

        để con thấy được thế giới mà mắt phàm không thấy,

        thấy được Đấng Vô hình nhưng rất gần gũi thân thương,

        thấy được Đức Ki-tô nơi những người nghèo khổ.

        Xin cho con đức tin liều lĩnh,

        dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

        dám tiến bước trong bóng đêm chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa.

        dám lội ngược dòng với thế gian và khước từ những quyến rũ mời mọc của nó.

        Xin cho con đức tin vui tươi,

        hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường,

        sung sướng vì biết mình được yêu ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

        Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

        qua những cọ xát đau thương của phận người,

        để dù bao thăng trầm dâu bể,

        con cũng không để tàn lụi niềm tin

        vào Thiên Chúa và vào con người.”

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 53)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

22-9-204


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà