LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 7.10.2001
Lịch sử Cứu Độ đã khởi đầu với việc Thiên Chúa
tuyển chọn và kêu gọi Abraham, được tiếp nối và thực hiện trong lịch sử Israel
cho đến khi như lời thánh Phaolô viết "Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa
đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và lệ thuộc vào lề luật Do
thái.". Về Người Con ấy, Sứ Thần Gabriel đã nói "Người sẽ nên cao cả,
và Thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và
vương quyền của Người sẽ vô tận". Như thế lịch sử Cứu Độ phải được đón
nhận như là lịch sử vương quyền của Đức Kitô trong dân Người : trước hết nơi
Israel và bây giờ là nơi Giáo Hội của Người.
Qua cơ cấu diễn biến của lịch sử cứu độ chúng ta
thấy cốt lõi là một cuộc đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với con người.
Cuộc đối thoại không nhằm cách ly con người khỏi cuộc sống thường ngày với
những lo âu và hy vọng của họ, nhưng ngược lại cuộc đối thoại nhằm mở cánh cửa
đời sống, cánh cửa gia đình, cánh cửa dân tộc và xã hội để Thiên Chúa, và đích
xác hơn là để Con của Người bước vào và đổ tràn Thánh Thần Người, để mỗi cuộc
sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và toàn thể xã hội tự thẳm sâu đáy lòng mình có
thể thốt lên "Abba, Cha ơi" đối với Thiên Chúa, và như thế, mỗi cuộc
sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và xã hội trở nên "người thừa tự" gia
sản của "Cha" trên trời.
Abraham đã dần dần khám phá ra được chân lý ấy khi
ông ra khỏi xứ Ur. Từ biến cố này qua biến cố khác, cuối cùng ông được mời gọi
tiến lên ngọn núi Thiên Chúa chỉ định, ở đấy ông đã khẳng định được với tất cả
tự do và yêu mến : chính Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự cho ông và con cái ông.
Ở bình minh của Tân Ước, không phải nơi Đền Thánh
Giêrusalem, mà ở trong chính mái nhà nhỏ bé nghèo nàn của Mẹ, Đức Maria được
mời gọi trở về với chính mình, với vấn đề thiết thân nhất của Mẹ: "Làm sao
có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến người nam !" Để rồi Mẹ được mời
gọi để xác tín với tất cả sự tin yêu tự do Thiên Chúa sẽ đến, sẽ đảm nhận lấy
cuộc sống Mẹ cho nó trở nên cảnh vực Thần Linh. Đó là điều thánh Phaolô cũng
nói như thế trong mấy câu thư vắn tắt chúng ta vừa nghe.
Vì thế, khi đón nhận công việc thiết lập vương
quyền của Đức Kitô như là sứ mạng riêng biệt của mình, Giáo Hội Đức Kitô qua
các tông đồ đã ý thức về trọng tâm thiết yếu của sứ vụ là trở về "nơi các
ông thường trú ngụ để "đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện". Cầu
nguyện từ đó đã là hơi thở và sức sống của Giáo Hội, của công cuộc loan báo tin
mừng Cứu Độ.
Thật khác với biết bao suy nghĩ và hành động của
chúng ta ngày nay : chúng ta bị lôi kéo vào sức hấp dẫn và tính hiệu qủa của
những tổ chức, cơ cấu và phương tiện, đã gạt qua một bên nỗ lực "Đối Thoại
với Thiên Chúa" "nỗ lực cầu nguyện liên lỷ". Gia đình Kitô Giáo
nơi chúng ta thường trú không còn là "nhà cầu nguyện", thậm chí ngay
cả "Nhà Cầu Nguyện" cũng trở thành những trung tâm trình diễn, tiếp
thị, kỹ thuật. hơn là nơi con người đối thoại với Thiên Chúa !
Bài sách Công Vụ Tông Đồ tuy thật vắn gọn, nhưng đã
gợi nhớ một yếu tố nền tảng của cuộc đối thoại cứu độ : Các Tông Đồ đã cầu
nguyện với Đức Maria và cùng với anh em của Đức Giêsu. Sở dĩ các ông đã cầu
nguyện cùng với Đức Maria, là vì duy mình Đức Maria mới có kinh nghiệm trọn vẹn
về "đối thoại cứu độ" này. Với Đức Maria đây là đối thoại do sáng
kiến của Thiên Chúa, được "Thánh Thần bao bọc chở che" và chính Thiên
Chúa hoàn thành. Giáo Hội phải nhờ Mẹ để thực hiện sự cầu nguyện.
Trong viễn ảnh đó mà chúng ta hiểu được tại sao
Giáo Hội khắp nơi, và cách riêng Giáo Hội Việt Nam vô cùng yêu mến và trân
trọng Kinh Mân Côi. Chính đây là lúc mỗi người như được sống lại khung cảnh Nhà
Tiệc Ly với các Tông Đồ, để bên gối Mẹ, Giáo Hội và mỗi người được Mẹ dẫn dắt
qua mọi biến cố đời sống, Mẹ khám phá ra sự mời gọi của Thiên Chúa và bằng cách
nào để Thiên Chúa đảm nhận lấy cuộc sống nhỏ bé của mình, mà thực hiện nên
những điều kỳ diệu. Trong cũng cái nhìn đức tin ấy, chúng ta mới thấu hiểu được
tại sao chỉ là những lời kinh thật đơn giản, không đòi hỏi sự thông thái khôn
ngoan, lời kinh chất phác của những tâm hồn thật quê mùa, lời kinh phản ánh rất
trung thực lời "Xin Vâng" của người con gái Xion làng Nazaret xưa,
lại có thể có quyền lực giải thoát con người trong mọi tình huống khó khăn
nhất, và đem lại có khi cho cả một dân tộc niềm hoan lạc hạnh phúc. Chỉ vì lời
kinh ấy là ân tình trao ban kinh nghiệm về Thánh Thần của Mẹ.
Trong tháng Mân Côi và trong đời sống, khi trở về
với Kinh Mân Côi, người Kitô hữu phải cảm nhận được niềm vui được trở về mái
nhà Tiệc Ly xưa, để một lần nữa họ được Đức Mẹ cho thấy Chúa Thánh Thần đã đến
với Mẹ bằng ngõ ngách nào, và làm sao Ngài đã hoàn thành sứ mạng của Ngài trong
mỗi biến cố đời Mẹ : Sứ Mạng làm cho Chúa Giêsu hình thành và lớn lên trong
lòng dạ và cuộc sống Mẹ. Đây qủa thực là một viễn cảnh bao la và kỳ diệu chờ
đợi chúng ta trong Kinh Mân Côi. Ước gì những suy nghĩ này giúp chúng ta có
thêm nhiệt tình và sốt sáng lần chuỗi Mân Côi.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên