Chúa Nhật thứ 28
Thường Niên
(14-10-2001)
Đọc Lời Chúa
· 2 V
5,14-17 : (14) Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông
Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một
trẻ nhỏ. Ông đã được sạch. (15) Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào,
đứng trước mặt ông ấy và nói : Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu
có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà
của tôi tớ ngài đây. (16) Ông Ê-li-sa nói : Có ĐỨC CHÚA hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề
sẽ không nhận gì cả. Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối
· 2 Tm
2,8-13 : (11) Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết
với Người, ta sẽ cùng sống với Người. (12) Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển
trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. (13) Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng
trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình
· TIN MỪNG : Lc 17,11-19
Mười người phong hủi
(11) Trên
đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và
Ga-li-lê. (12) Lúc Người vào một làng
kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng
thương chúng tôi! (14)
Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi thì
họ được sạch. (15)
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn
vinh Thiên Chúa. (16)
Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. (17) Đức Giê-su mới nói: Không phải cả mười
người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên
Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? (19) Rồi Người nói với anh ta: Đứng dậy về đi!
Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý
:
1. Có
thể tín nhiệm vào lương tâm của những người thường tỏ ra vô ơn với những ân
nhân của mình không? Tại sao?
2. Người
Ki-tô hữu có nhiều tâm tình biết ơn hơn những người khác không? Nếu không thì
bạn nghĩ thế nào?
3. Trong
đời sống Ki-tô hữu, chúng ta cần phải biết ơn những ai? Và phải làm những gì để
tỏ lòng biết ơn đối với những người ấy?
Suy tư gợi ý :
1. Làm ơn đừng nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên
Bài đọc I đưa ra cho ta một hình ảnh rất đẹp. Tướng
của Sy-ri là Na-a-man bầy tỏ lòng biết ơn của mình đối với ngôn sứ Ê-li-sa một
cách cụ thể bằng lễ vật mà ông tha thiết xin ngôn sứ nhận cho. Còn ngôn sứ
Ê-li-sa thì cương quyết từ chối, mặc dù lễ vật ấy chắc chắn sẽ giúp ngài sống
đỡ thiếu thốn, và nhất là - theo cách suy nghĩ bình thường của người đời - có
thể tạo cho ngài nhiều phương tiện hơn để thi hành sứ mạng của mình.
Cả hai thái độ tốt đẹp trên có thể làm chúng ta suy
nghĩ và xét lại thái độ của chúng ta khi hàm ơn ai hoặc làm ơn cho ai. Thông
thường người ta có tâm lý hay quên hoặc không nhận ra những điều tốt người khác
làm cho mình, nhưng lại dễ nhớ những gì tốt đẹp mình làm được cho người khác.
Không những thế, mình còn mong họ nhớ ơn và trả ơn mình. Nếu họ vô tình quên
ơn, thì ta buồn phiền, oán trách, thậm chí saün sàng lên tiếng chê bai.
Đức Giê-su cũng như các bậc cổ nhân xưa dạy ta thái
độ nhớ và biết ơn đối với những người hy sinh cho ta, những người làm những
điều tốt lành cho ta. Không phải chỉ nhớ và biết ơn, mà còn phải đền đáp lại ơn
đó khi nào có thể. Nhưng đối với những người mà ta làm ơn cho, thì trái lại,
không nên nhớ, cũng không nên đòi hỏi họ phải biết ơn hay trả ơn ta. Trang Tử,
một triết gia Trung Hoa, khuyên ta nên vô
kỷ, vô công, vô danh trong các việc làm của ta, nghĩa là không làm vì
mình, làm rồi không cậy công, cũng không mong được khen ngợi, biết ơn.
2. Suy nghĩ về lòng biết ơn
Một trong những nguyên nhân hay động lực quan trọng
của tình yêu thương là lòng biết ơn. Không phải tình yêu thương nào cũng phát
xuất và đặt nền móng trên lòng biết ơn: Thiên Chúa hay cha mẹ yêu thương ta
không phải vì mang ơn ta. Nhưng rõ ràng là tình thương của ta đối với Thiên
Chúa, cha mẹ và nhiều ân nhân khác phát sinh và đặt nền tảng trên lòng biết ơn.
Thiên Chúa và cha mẹ yêu thương ta trước, sinh thành tạo dựng, nuôi dưỡng giáo
dục ta. Tình thương đó, công ơn đó làm nẩy sinh nơi ta lòng biết ơn, khiến ta
đáp lại tình thương đó bằng chính tình yêu thương của ta đối với các Ngài. Lòng
biết ơn đối với Thiên Chúa và cha mẹ lại là tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mọi
thứ biết ơn khác. Một người vô ơn đối với Thiên Chúa và cha mẹ, thì khó mà biết
ơn thật sự đối với người khác.
Khi làm ơn cho ai, giúp ai việc gì, mà về sau người
đó vô ơn, tự nhiên ta cảm thầy buồn, có khi đau khổ. Khuynh hướng tự nhiên của
mọi người là mong muốn hoặc đòi hỏi người thụ ơn mình phải biết ơn (mặc dù khi
làm ơn cho ai, tính cao thượng đòi hỏi ta vượt khỏi khuynh hướng tự nhiên ấy).
Do đó, lòng biết ơn là một đức tính rất cần thiết trong giao tế xã hội, trong
tư cách một con người. Trong xã hội, tiếng cám ơn luôn luôn nở trên môi những con người có giáo dục, lịch thiệp,
lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn xuất phát từ đáy lòng luôn luôn làm vui lòng
những người tốt bụng, khuyến khích họ tiếp tục thi ân làm phúc. Trong đời sống
tâm linh, tinh thần hay tôn giáo, lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và các ân
nhân cần phải được biểu lộ trong các kinh nguyện, lễ nghi, trong tâm tình và cử
chỉ của các tín hữu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy 10 người được
Đức Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài. Và mỉa mai
thay, người biết ơn đó lại là một người ngoại giáo! Điều này làm ta phải tự
hỏi: người Ki-tô hữu có nhiều tâm tình biết ơn hơn các tín đồ tôn giáo khác
không? Nếu ta không tốt bằng họ hoặc không hơn họ, thì việc ta nỗ lực truyền
giáo cho họ quả thật có phần nào nực cười! Việc Đức Giê-su - với tư cách là
thầy dạy về tâm linh - đã trách móc 9 người vô ơn kia không biết tạ ơn Thiên
Chúa cho thấy: rõ ràng là lòng biết ơn không thể nào thiếu được trong đời sống
tu đức, đời sống hướng về sự toàn thiện. Không những thế, nó có thể là căn bản
cho một lương tâm đứng đắn. Một người vô ơn, thường xuyên vô ơn, khó có thể có
một lương tâm tế nhị và đúng đắn. Nhưng mỉa mai thay, biết bao người mang danh
theo Chúa lại tỏ ra vô ơn với những người làm ơn cho mình nhiều hơn người
thường!
3. Biết ơn ai? - Bốn trọng ân trong đời sống
con người
Trong Phật giáo, có bốn trọng ân mà người Phật tử
thường được các sư tăng nhắc nhở, nhất là vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm
lịch): ơn cha mẹ, ơn tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), ơn tổ quốc xã hội, và ơn thầy
bạn. Chúng ta thử khai triển bốn trọng ân ấy trong chiều hướng Ki-tô giáo.
· Ơn cha mẹ: Cha mẹ trước tiên của chúng
ta là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng và sinh thành chúng ta, cho ta
sự sống siêu nhiên lẫn tự nhiên, đồng thời ban cho ta đủ mọi ơn để duy trì và
phát triển sự sống ấy. Kế đến là cha mẹ ruột thịt của ta, là người sinh ra ta,
nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Công ơn của cha mẹ ta to lớn biết bao! Ca dao
có câu: Công cha như núi Thái Sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người trần gian mà ta phải biết ơn
nhất là cha mẹ.
· Ơn tam bảo: là công ơn của những người
đã đem lại cho ta đời sống tâm linh, làm cho đời sống tâm linh ta phát triển và
trở nên phong phú.
- Người
đầu tiên mà ta phải nói tới là Đức Giê-su, Đấng chủ chốt đem lại đời sống tâm
linh cũng là vị Thầy lớn nhất về đời sống này cho mọi người Ki-tô hữu. Ngài
cũng là Đấng cứu chuộc để ta có lại đời sống thần linh, siêu nhiên của Thiên
Chúa đã bị mất từ thời nguyên tổ, trước khi ta sinh ra. Bên cạnh Đức Giê-su có
Mẹ của Ngài là Đức Ma-ri-a. Theo niềm tin của người Công giáo, tất cả mọi ơn
Thiên Chúa ban, đều nhờ Mẹ và qua tay Mẹ.
- Kế đến
là Lời Chúa, hay Kinh Thánh và Tin Mừng, là phương tiện hữu hiệu nhất Thiên
Chúa dùng để soi sáng cho ta đi đúng đường, hầu phát triển đời sống thần linh
và tâm linh của ta. Ta cần phải biết ơn bằng cách năng đem ra suy gẫm để thực
hành những gì Lời Chúa chỉ dạy.
- Giáo
Hội các cấp (toàn cầu, địa phương, giáo xứ, cộng đoàn cơ bản), là yếu tố nhân
sự để tiếp nối công trình của Đức Giê-su, đồng thời là môi trường đào tạo và
nuôi dưỡng đời sống tâm linh của ta. Nói một cách cụ thể hơn đó là các tông đồ,
các vị chủ chăn các cấp mà gần nhất là cha xứ, những người dạy dỗ ta về mặt tâm
linh (các nhà thần học, tu đức, các giáo lý viên, các huynh trưởng hội đoàn,
v.v.)
Đó là Tam Bảo của Ki-tô giáo, là các đại ân nhân
của chúng ta, mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tỏ lòng biết ơn.
· Ơn tổ quốc và xã hội: Chúng ta không
chỉ sống trong gia đình và Giáo Hội, mà còn sống trong lòng quốc gia dân tộc
nữa. Quốc gia xã hội đã tạo cho chúng ta những điều kiện dễ dàng để có một đời
sống ấm no, yên vui, hạnh phúc, một cách bao trùm, tổng quát, vượt khỏi khả
năng hạn hẹp của cha mẹ, gia đình ta. Chúng ta được sống trong an vui, là do
công sức của biết bao người đã từng hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, đã vắt
óc ra để đưa ra những chính sách sáng suốt hầu phát triển xã hội về kinh tế,
văn hóa, v.v. làm cho đời sống của ta tươi đẹp. Để thấy được công lao của quốc
gia xã hội, ta thử tưởng tượng nếu mình sống một mình trong rừng, ta sẽ thấy
thiếu thốn và không được bảo vệ như thế nào!
· Ơn thầy bạn: Trong đời sống của ta, ta
còn biết bao người phải mang ơn, trước hết là những vị thầy đem lại cho ta đời
sống tri thức, những người giáo dục ta nên người. Sau là những bà con thân
thuộc, bạn bè, những người quen biết. Biết bao người đã vô tình hoặc cố ý làm
ơn cho ta trong tất cả mọi lãnh vực mà ta có thể biết hoặc không biết. Chúng ta
có bổn phận phải biết ơn và tìm cách trả ơn những người ấy.
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức được rằng lòng biết ơn
chính là thước đo của tình yêu đối với Thiên Chúa, nhân loại, Giáo Hội, xã hội,
và tha nhân, và cũng là tiêu chuẩn đánh giá lương tâm và tư cách một con người.
Xin giúp con ý thức được những hồng ân mà Chúa ban cho con từng giây từng phút,
để con nhận ra được hạnh phúc Chúa ban hầu cảm tạ Chúa. Xin cho con luôn nhạy
bén nhận ra tình thương, sự hy sinh, những ơn huệ, những cử chỉ yêu thương của
những người chung quanh đối với con, để con cảm thấy hạnh phúc vì được yêu
thương, đồng thời biết đáp trả bằng chính tình yêu chân thành và sự hy sinh của
con. Xin cho con biết luôn cầu nguyện và mong ước những sự tốt lành cho các ân
nhân của con. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết