Chúa Nhật thứ 28 Thường Niên
(10-10-2004)
Biết ơn Thiên Chúa và làm ơn cho
tha nhân
ĐỌC LỜI CHÚA
· 2
V 5,14-17: (Sau khi được ngôn sứ Êlisa chữa khỏi bệnh cùi), (17) ông
Naaman nói: «Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số
đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn
thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa».
· 2
Tm 2,8-13: (10) Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người
Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được
hưởng vinh quang muôn đời.
· TIN
MỪNG: Lc 17,11-19
Mười người phong hủi
(11) Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu
đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. (12) Lúc Người vào
một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13)
và kêu lớn tiếng: «Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!» (14)
Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: «Hãy đi trình diện với các tư tế». Đang khi đi thì
họ được sạch. (15) Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền
quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình
dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. (17) Đức
Giêsu mới nói: «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người
kia đâu? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ
có người ngoại bang này?» (19) Rồi Người nói với anh ta: «Đứng dậy
về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.
Tại sao ta lại phải biết ơn Thiên Chúa? Ngài
đã làm ơn cho ta thế nào? Biết ơn Thiên Chúa thì có lợi hay có hại cho ta? Lợi
hại thế nào?
2.
Ý thức được hồng ân bao la Thiên Chúa ban
cho ta, thì thái độ hay hành động biết ơn thích hợp nhất của ta là gì?
3.
Khi làm ơn cho ai, ta có nên mong họ biết
ơn hay đền ơn không? Mong họ biết ơn ta có lợi bằng không mong họ biết ơn không?
Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Lòng biết ơn đối với con người
Một trong
những đức tính căn bản cần có của con người là biết ơn người làm ơn cho mình. Khi
có ai giúp mình hay hy sinh cho mình, dù là chuyện nhỏ, thì người có lòng biết
ơn luôn luôn nở trên môi hai chữ «cám ơn». Nếu là chuyện lớn thì người chịu ơn
cần có một hành động cụ thể nào đó để biểu lộ lòng biết ơn, cho dù người làm ơn
chẳng hề mong muốn. Chẳng hạn một lễ vật nho nhỏ làm quà, hoặc đền ơn khi có
dịp… Nếu không thể đền đáp công ơn người thi ân (chẳng hạn vì không biết người
ấy là ai, hay vì ơn đó lớn quá không thể đền đáp được, hay vì người làm ơn nhất
định không nhận sự đền đáp…) thì ta có thể trả ơn ấy cho những người nghèo khổ
hơn, những người có nhu cầu cần được ta giúp đỡ, hy sinh. Điều quan trọng là
những hành động ấy phải phát xuất từ lòng biết ơn có thật từ đáy tâm hồn. Khi
làm ơn cho ai, người càng cao thượng thì càng không cầu mong được biết ơn hay
báo đáp, và không hề trách móc khi bị vô ơn. Chính những người cao thượng này
xứng đáng được ta biết ơn hơn ai hết, cho dù ta không thể trả ơn cho họ, vì
chính họ mới là người yêu thương ta một cách vô vị lợi và là người làm ơn cho
ta cách đúng nghĩa nhất. Người ít cao thượng hơn, khi làm ơn cho ta thì cầu ta
báo đáp. Như thế, hành động làm ơn ấy có nhiều điều giống như sự cho vay: cho
vay thì có quyền đòi trả. Những người này ta cần trả ơn hơn là biết ơn.
2. Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa
Nếu ta phải
biết ơn những người đã làm ơn cho ta, thì ta càng phải biết ơn Thiên Chúa, Đấng
dựng nên ta, ban cho ta tất cả mọi thứ trên đời. Tất cả những gì ta có hay nhận
được từ bất kỳ ai đều phát xuất từ Thiên Chúa, đều do Ngài xếp đặt để chúng đến
với ta. Đúng như Gioan Tẩy Giả nói: «Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do
Trời ban» (Ga 3,27). Do đó, Ngài là người làm ơn cho ta nhiều nhất, và ban cho
ta những ơn vĩ đại nhất. Vì thế, lòng biết ơn của ta đối với Ngài phải là lớn
lao nhất. Mặc dù khi ban ơn cho ta, Thiên Chúa không cần và không cầu ta đáp
lại, nhưng chính vì vậy ta càng phải biết ơn Ngài nhiều hơn nữa. Thánh Phaolô
khuyên: «Chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy
kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người» (Dt 12,28). Cách biết ơn
tốt nhất đối với Thiên Chúa là kính sợ và phụng thờ Ngài. Và cách phụng thờ
Ngài tốt nhất chính là cố gắng trở nên giống Ngài, nghĩa là sống yêu thương và
sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc tha nhân, vì bản chất của Ngài là tình yêu (x.1Ga
4,8.16).
3. Lòng biết ơn Thiên Chúa giúp con người sống
hạnh phúc
Lòng biết ơn
của ta đối với Thiên Chúa không thêm gì hay ích lợi gì cho Thiên Chúa, mà chỉ
ích lợi cho ta. Chắc chắn Thiên Chúa không vì ta biết ơn hay không biết ơn mà
yêu thương ta nhiều hơn hay ít đi giống như cách hành xử thường tình hẹp hòi
của người đời. Đối với Thiên Chúa, tất cả mọi người đều được Ngài yêu thương
như nhau, dù là thánh thiện hay tội lỗi, dù là biết ơn hay vô ơn đối với Ngài. Tuy
nhiên, cách hành xử của Ngài đối với mỗi người đều khác nhau vì lợi ích riêng
của mỗi người và mọi người. Theo đòi hỏi của sự công bằng và hợp lý thì người
biết ơn xứng đáng được Ngài ban nhiều ơn hơn, và người không biết ơn thì đáng
bị Ngài ban ơn ít đi, cho dù tình thương của Ngài vẫn luôn chan hòa và đồng đều
đối với mọi người.
Theo luật tâm
lý tự nhiên, người ta sở dĩ biết ơn là vì ý thức mình nhận ơn, được yêu thương,
được ưu đãi, nên cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Cũng vậy, khi ý thức mình nhận
được từ Thiên Chúa quá nhiều hồng ân một cách nhưng không (nào là được sinh ra
làm người, làm con cái Thiên Chúa, nào là có cha mẹ, có anh em bạn bè, nào là
có sức khỏe, có học vấn, nhà cửa, của cải, được nhiều may mắn…), đương nhiên ta
cảm thấy hạnh phúc. Tâm lý tự nhiên và sự hợp lý đòi hỏi một khi «đã nhận được
nhưng không, thì cũng hãy cho đi nhưng không như vậy» (Mt 10,8). Do đó, cách
hành xử của người biết ơn thường trở nên dễ chịu, dễ thương, hài hòa, vui vẻ, quảng
đại, thích chia sẻ, nên dễ được mọi người yêu mến, giúp đỡ, ban tặng.
Vì thế, người
có lòng biết ơn thì đã hạnh phúc lại được hạnh phúc hơn, đã có lại có thêm, đã
được nhiều lại càng được nhiều hơn, đúng như lời Đức Giêsu: «Phàm ai đã có, thì
được cho thêm và sẽ có dư thừa» (Mt 25,29a), (từ «có» trong nhóm từ «phàm ai đã
có» nên hiểu là «ý thức rằng mình có, mình được Thiên Chúa ban, nên biết ơn
Ngài»). Còn người vô ơn thường không ý thức được những ơn mình nhận, nên vẫn
cảm thấy thiếu thốn, không hài lòng với những gì đang có, tự cho rằng mình bị
bạc đãi nên sinh bất mãn, bực bội, khó tính, rồi trở nên tính toán, so đo, nên
ít được quí mến, giúp đỡ hay ban tặng. Từ đó dễ sinh ghen tị, buồn phiền, mất
bình an và đau khổ. Do đó, người vô ơn đã có ít (vì cho rằng mình được ít) lại
càng bị mất đi, đúng như lời Đức Giêsu: «Còn ai không có, thì ngay cái đang có,
cũng sẽ bị lấy đi» (Mt 25,29b).
4. Thái độ cần có khi nhận được ơn là biết tiếp
tục cho đi
Người có lòng
biết ơn – đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người – thường nhận được
nhiều ơn hơn nữa. Nhưng khi nhận được nhiều ơn như vậy, Thiên Chúa không muốn
ta chỉ giữ khư khư những ơn ấy cho một mình ta, mà muốn ta tiếp tục ban phát, thi
ân cho tha nhân. Đức Giêsu nói: «Anh em đã nhận được nhưng không, thì cũng hãy
cho đi nhưng không như vậy» (Mt 10,8). Người biết cho đi giống như một cái hồ
lớn: nó nhận được nước từ các sông ngòi, và nó cũng ban phát nước của nó cho
những sông ngòi khác. Vì thế, nước của nó luôn luôn xanh trong, mát mẻ. Nó cho
đi nhưng nhờ đó lại tiếp nhận được thêm. Còn ai chỉ biết nhận mà không biết cho
đi, thì giống như một cái ao tù: nó giữ nước lại, không cho nước đi nên cũng
không nhận được thêm nước nhiều nước khác, do đó nước của nó bị dơ bẩn, không
trong sạch…
Nhưng khi cho
đi, ta đừng nên coi những gì ta cho là của mình mà là của Thiên Chúa. Ta chỉ
nên đóng vai một cái máng: cái máng thì nhận nước vào mình và tiếp tục cho chảy
đi. Một cái máng tốt thì sẽ được sử dụng mãi để làm máng, nên nó sẽ không bao
giờ thiếu nước, và cũng làm cho những hồ chứa hay những bình đựng luôn được đầy
nước. Vì những gì ta nhận được và cho đi đều xuất phát từ Thiên Chúa chứ không
phải của ta, nên ta cũng đừng mong ước hoặc đòi hỏi ai phải biết ơn ta. Như vậy,
lòng ta mới luôn luôn được thanh thản, cho dẫu bị người đời vô ơn. Nếu ta mong
hoặc đòi hỏi người khác biết ơn, thì ta rất dễ thất vọng và buồn tủi, vì người
đời đa số thường vô ơn. Trong bài Tin Mừng, ta thấy: 10 người được Đức Giêsu
chữa khỏi bệnh cùi – một hồng ân vô cùng lớn lao – thế mà chỉ có một người duy
nhất tỏ ra biết ơn. Tỷ lệ số người biết ơn trong nhân loại hiện nay chắc hẳn
không khá hơn tỷ lệ trên. Vậy, tốt nhất là chính chúng ta phải luôn đòi hỏi
mình tâm tình biết ơn Thiên Chúa và tha nhân, nhưng lại không đòi hỏi ai phải
biết ơn mình cả. Đó cũng là một hình thức «từ bỏ mình» mà Đức Giêsu đòi hỏi nơi
tất cả những ai theo Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con nhận ra ơn Cha ban trong từng
giây phút đời sống con để con luôn luôn nhận ra hạnh phúc con đang có. Xin cho
con luôn có tâm tình biết ơn và cảm tạ Cha trong mọi hơi thở cuộc đời con. Một
khi con luôn luôn biết ơn Cha, thì con cũng sẽ luôn luôn biết ơn những người
Cha đã dùng để tuôn ơn xuống cho con. Và khi con ý thức được hạnh phúc to lớn
mà Cha vẫn ban cho con, thì cũng hãy giúp con luôn ban phát hạnh phúc ấy một
cách quảng đại cho mọi người chung quanh con.
Joan Nguyễn Chính Kết