· Xh 17,8-13: (11) Khi nào ông Môsê giơ tay lên,
thì dân Ítraen thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. (12) Khi ông Môsê mỏi tay, người ta
lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi
người một bên. Nhờ vậy, tay ông Môsê cứ giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời
lặn. (13) Ông Giôsuê đã dùng
lưỡi gươm đánh bại Amalếch và dân của ông ta.
· 2Tm
3,14-4,2: (2) Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc
không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại
và chủ tâm dạy dỗ.
· TIN MỪNG: Lc 18,1-8
Dụ ngôn quan toà bất
chính và bà goá quấy rầy
(1) Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ
ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói: «Trong
thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng
coi ai ra gì. (3)
Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối
phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho". (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu.
Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa,
mà cũng chẳng coi ai ra gì, (5) nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến
hoài, làm ta nhức đầu nhức óc"». (6) Rồi Chúa nói: «Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét
cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào
Người bắt họ chờ đợi mãi? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng
khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?»
1. Đức Giêsu đã từng khuyên ta khi cầu nguyện
đừng nên dài dòng, vì Thiên Chúa biết rõ những điều ta cần trước khi ta mở
miệng cầu xin (x. Mt 6,7-8). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khuyên ta
phải kiên trì cầu nguyện. Như thế Ngài có tự mâu thuẫn không?
2. Kiên trì cầu nguyện là gì? Là giáo dân, bận
đủ mọi thứ chuyện, làm sao có đủ thì giờ để kiên trì cầu nguyện?
3. Có phải hễ cứ kiên trì cầu nguyện thì việc
gì ta xin cũng đều được Thiên Chúa nhậm lời? Nếu không được nhậm lời, thì ta
phải hiểu thế nào? Nếu đứa con còn nhỏ của ta cứ năn nỉ hoài xin ta con bọ cạp
để chơi, ta có cho nó không?
Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng này, Đức Giêsu
cố ý đưa ra hai hình ảnh tương phản rất nổi bật để nói lên sự bảo đảm được nhận
lời của việc cầu nguyện kiên trì. Đó là sự tương phản giữa Thiên Chúa nhân từ
đầy tình thương và viên quan tòa thiếu lòng nhân; và giữa người Kitô hữu và bà
góa trong xã hội Do Thái.
Ông quan tòa mà Đức Giêsu mô tả là một người «chẳng kính sợ Thiên Chúa, và cũng chẳng coi
ai ra gì», nghĩa là một người có chức quyền, nhưng không có lương tâm,
đạo đức, chẳng biết thương người và luôn khinh thường dân chúng. Một quan tòa
vô lương tâm như vậy thế mà đã phải nhậm lời yêu cầu của một người dân quèn!
không phải vì tốt bụng mà vì không muốn bị quấy rầy mãi do người dân kia cứ kêu
cầu mình hoài. Kẻ vô lương tâm mà còn hành xử như thế, huống gì một Thiên Chúa
nhân lành! Làm sao Ngài có thể từ chối lời cầu xin của người Kitô hữu kiên trì
cầu xin Ngài với lòng thành khẩn?
Trong xã hội Do Thái cũng như nhiều xã hội
khác, phụ nữ vốn đã bị coi thường so với nam giới; các góa phụ còn bị coi
thường hơn nữa, vì họ là thành phần tương đối nghèo khổ nhất trong xã hội.
Chồng chết, họ trở nên cô thân cô thế, phải vô cùng vất vả tự kiếm sống để nuôi
bản thân và nuôi con, nên rất dễ bị bắt nạt và đối xử bất công. Vì thế, người «công dân hạng hai» như bà góa này
chẳng là cái gì đáng kể trước con mắt khinh đời khinh dân của ông quan tòa vô
lương tâm kia. Thế mà bà ấy đã làm cho ông kia phải nhận lời cầu xin của mình,
chỉ vì sự kiên trì van xin.
Trái lại, trước mắt của Thiên Chúa, con người
rất có giá trị. Có giá đến nỗi Ngài đã phải cho Con Một của Ngài xuống trần, hy
sinh mạng sống mình để cứu họ, cho dù họ đang trong tình trạng tội lỗi, chống
đối mình. Thánh Kinh mô tả sự chăm sóc của Ngài đối với con người: Con người
được «Chúa luôn ấp ủ, dưỡng dục, giữ
gìn chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa» (Đnl 32,10; x. Tv 17,8; Hc 17,22;
Dc 2,12). Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được thể hiện qua cách hành
xử của Đức Giêsu: «Người vẫn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng»
(Ga 13,1). Thế thì lời cầu xin kiên trì của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa
sao lại không được nhận lời?
Nhưng kinh nghiệm cho thấy: rất nhiều khi
chúng ta cầu nguyện mà đâu được Thiên Chúa nhận lời! Tại sao? Có thể vì hai lý
do: hoặc ta đã không kiên trì cầu nguyện, hoặc điều ta xin không thật sự ích
lợi cho ta. Vậy, trước hết, ta phải kiên trì cầu nguyện. Muốn kiên trì cầu
nguyện, trước hết, ta phải biết kiên trì cầu nguyện là gì?
Nhiều Kitô hữu tưởng kiên trì cầu nguyện là cứ
liên tục lập đi lập lại hoài những điều mình muốn cầu xin. Họ làm như Thiên
Chúa không có trí nhớ và chẳng quan tâm lắm tới những nhu cầu của mình, nên cứ
phải nhắc đi nhắc lại kẻo Ngài quên. Cách cầu nguyện của họ không khác gì cách
của những người thờ thần Baan, bị ngôn sứ Êlia chế nhạo: «Hãy kêu lớn tiếng nữa lên, vì người là một
vị thần mà! Người đang mải suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; cũng có
khi người đang ngủ, người sẽ thức dậy thôi!» (1V 18,27). Chính Đức Giêsu
cũng đả phá cách cầu nguyện như thế: «Khi
cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là
được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước
khi anh em cầu xin» (Mt 6,7-8).
Nếu kiên trì cầu nguyện là cứ phải liên tục
lập đi lập lại lời cầu xin như thế thì đa số giáo dân sẽ không có thì giờ để
cầu nguyện, vì suốt ngày bận bịu với công việc nghề nghiệp, gia đình, giao tế
xã hội… Nhưng rất may, kiên trì cầu nguyện không phải là như thế. Cầu nguyện không chỉ là một hành động, nó vượt lên trên hành động của môi
miệng, của trí óc, của tay chân. Đã là hành động thì không thể kéo dài liên tục
ngày này sang ngày khác được. Các thánh coi cầu nguyện là sự sống của mình.
Trong đời sống tâm linh của các ngài, nó cần thiết như hơi thở. Hơi thở cần
thiết đến mức không thở thì chết. Vì thế, các thánh cầu nguyện liên tục: khi
thức, khi ngủ, khi làm việc, khi chơi đùa, khi giao tiếp… Tất cả mọi việc của
các ngài đều chìm đắm trong cầu nguyện. Nếu cầu nguyện là một hành động, thì
không một vị thánh nào có thể cầu nguyện liên tục như thế được.
Cầu nguyện, đúng hơn, là một tình trạng của
tâm linh luôn hướng về Thiên Chúa, là một thái độ sống khôn ngoan nhất đem lại
bình an và sức mạnh. Tình trạng tâm linh hay thái độ sống thì có thể kéo dài
liên tục, không đứt đoạn, kể cả khi ngủ, khi làm việc, ngay cả khi không ý thức
rõ ràng về Thiên Chúa hay về việc cầu nguyện. Cầu nguyện là tình trạng kết hiệp
với Thiên Chúa, được cấu thành bởi:
– ý thức Thiên Chúa luôn hiện diện trong chính bản thân mình. Người cầu nguyện đích thực
luôn ý thức mình đang sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài đang nhìn
mình bằng ánh mắt yêu thương, đang theo dõi từng hơi thở, từng bước đi, từng
hành động của mình như người mẹ luôn quan tâm theo dõi đứa con nhỏ bé của mình.
Vì thế, người cầu nguyện đích thực luôn cảm thấy mình đang sống trong một «cảnh vực thần linh» (milieu divin, từ của cha Teillard de
Chardin), hay cảnh giới thần thiêng.
– tin tưởng, phó thác tuyệt đối: Người cầu nguyện đích thực luôn tin tưởng mình xuất phát từ Thiên Chúa,
nên Ngài là bản thân sâu thẳm nhất của mình, Ngài còn «gần gũi và thân mật với mình hơn cả chính bản thân mình» (Deus
intimior intimo meo, câu của thánh Âu-Tinh). Nói cách khác dễ hiểu hơn, Ngài
chính là Cha Mẹ đích thực nhất của mình, yêu thương mình vô hạn (hơn cả cha mẹ
sinh ra xác thịt mình). Đồng thời Ngài cũng khôn ngoan và quyền năng vô biên.
Vì thế, họ luôn sống trong bình an và vui tươi, do biết rằng Thiên Chúa luôn
che chở, dẫn dắt mình, ban cho mình tất cả những gì cần thiết cho đời sống của
mình, để mình sống hạnh phúc ngay ở đời này, nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu
đời sau.
– ý thức Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sức mạnh của mình: Vì tình yêu và sức mạnh của Ngài vô biên, nên
khi kết hiệp với Thiên Chúa, mình cũng trở nên mạnh mẽ và đầy khả năng yêu
thương.
– tuyệt đối tuân hành thánh ý Thiên Chúa: Ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương mình và khôn ngoan hơn
mình vô cùng, người cầu nguyện đích thực cho rằng cứ để Chúa dẫn dắt mình theo đường
lối của Ngài thì ích lợi cho mình hơn là mình tự ý đi theo đường lối riêng của
mình. Để Chúa dẫn dắt chẳng những là sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài trong
bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời, mà còn là muốn những gì Ngài muốn. Cho
dẫu trong nhiều trường hợp, làm theo thánh ý Ngài thì trước mắt là bất lợi hay
thiệt hại cho mình, làm cho mình đau khổ.
Khi đã có thái độ tuyệt đối tuân hành thánh ý
Thiên Chúa rồi, thì ta không còn thắc mắc gì về những điều ta cầu xin có được
nhận lời hay không. Vì ta biết chắc chắn những gì cần cho ta thì bảo đảm là
Thiên Chúa luôn luôn ban cho ta đúng lúc. Tuy nhiên, cũng có những điều ta cầu
xin, do lòng mong muốn thiếu sáng suốt của ta, nhiều khi có hại hoặc không có
lợi cho tâm hồn ta, thì Thiên Chúa vì thương ta nên không ban cho ta. Cũng như
khi ta còn nhỏ, cha mẹ ta không chấp thuận cho ta đi chơi như ta mong muốn và
cầu xin, mà bắt ta học bài, thì đó là chuyện hợp lý. Chỉ vì các ngài thương ta,
muốn ta nên người và tương lai ta được hạnh phúc. Chính Thiên Chúa đã không
nhậm lời Đức Giêsu khi Ngài cầu xin cho khỏi uống chén đắng của Ngài (x. Mt
26,39.42). Vì thế, khi không được như ý cầu xin, người cầu nguyện đích thực vẫn
luôn bình an, vui tươi, vì biết điều mình cầu xin không ích lợi cho mình, ít ra
là vào lúc này.
Lạy Cha, xin cho con trưởng thành trong việc
cầu nguyện. Xin đừng để đời sống tâm linh của con bị mòn mỏi, kém phát triển vì
cách cầu nguyện ấu trĩ của con, tương tự cách cầu nguyện của dân ngoại. Mỗi lần
cầu nguyện là họ lại lải nhải lập đi lập lại những lời cầu xin đầy ích kỷ của
họ. Xin dạy con biết cầu nguyện, để con có thể cầu nguyện liên tục, cả những
khi con ăn, con ngủ, con chơi, con làm việc, giống như Đức Giêsu đã cầu nguyện
trong cuộc đời của Ngài.
Joan Nguyễn Chính Kết