CHÚA NHẬT 29 QUANH NĂM
(Lu-ca 18: 1-8)
Đề
tài về cầu nguyện đã được thánh sử Lu-ca nói đến trong chương 11 (bài Tin Mừng
Chúa Nhật 17 quanh năm) giờ đây được lập lại.
Có lẽ mạch văn giúp ta hiểu lý do tại sao đề tài này được lập lại ở đây. Ở cuối chương 17, Chúa Giê-su nói về Ngày
của Con Người sẽ tới bất ngờ, cho nên cần phải tỉnh thức bằng cách kiên trì cầu
nguyện, luôn khiêm nhường và sống từ bỏ mọi sự. Những điều này thường được lập đi lập lại qua những lời giảng dạy
trên đường Chúa đi lên Giê-ru-sa-lem.
Mỗi chặng đường làm môn đệ đều có những khó khăn riêng của nó. Nhưng bất cứ ở đâu và lúc nào, cầu nguyện
cũng là khí giới bảo đảm giúp ta thắng vượt những trở ngại. Trong dụ ngôn Chúa kể hôm nay, quan tòa bất
chính hành động vì ích kỷ, còn bà góa thì được việc vì biết kiên trì. Nhưng tiếp theo đó, Chúa Giê-su đã khéo léo
áp dụng cho cả Thiên Chúa lẫn chúng ta:
Người đề cao mối quan tâm của Thiên Chúa dành cho ta là môn đệ Người, và
Người nêu lên vấn đề liệu lòng tin của ta có kiên trì đến cùng hay không.
a) Thiên
Chúa hằng bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn
Đây
là một chân lý nền tảng giúp ta trung thành với việc làm môn đệ Chúa. Từ hình ảnh một ông quan tòa bất chính hành
động chỉ vì ích kỷ và không muốn phiền hà cho mình nên mới “bênh vực” cho bà
góa bị kiện oan, Chúa Giê-su dẫn ta đến hình ảnh hoàn toàn trái ngược, đó là
Thiên Chúa, Đấng công chính, luôn bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn. Nói khác đi, lý luận của Chúa Giê-su như
sau: nếu một người bất chính như quan
tòa kia mà còn bênh vực cho bà góa đến quấy rầy, thì chẳng lẽ Đấng công chính
là Thiên Chúa lại chẳng bênh vực con cái Người hay sao?
Ta
là những kẻ Thiên Chúa đã tuyển chọn, như thánh Tông đồ Phao-lô đã khẳng
định: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn
ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh
tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.
Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm
nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1:4-5).
Chính Chúa Giê-su cũng tiếp tục việc tuyển chọn này. Người bảo các môn đệ: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em
để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16).
Cũng
thánh Phao-lô cho ta biết lý do tại sao Thiên Chúa hằng bênh vực những kẻ Người
đã tuyển chọn, ngài viết: “Nếu ta không
trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính
mình” (2 Tm 2:13). Khi được Thiên Chúa
tuyển chọn, ta trở thành sở hữu của Người.
Ai mà chẳng muốn bênh vực những gì sở hữu của mình. Tất cả lịch sử Ít-ra-en, dân được Chúa tuyển
chọn, đã nói lên sự bênh vực đó. Trong
hành trình đào tạo môn đệ, Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần bênh vực môn đệ Người
trước những phê bình và lên án của đám Pha-ri-sêu (Lc 19:39-40; Mt
12:1-8). Ngay trước giờ bị bắt, Người
còn ra lệnh cho kẻ thù: “Nếu các anh
tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18:8).
b) “Mặc dù
Người có trì hoãn”: có phải Chúa không
tích cực bênh vực ta hay sao?
Giống
như bà góa bị hàm oan nhiều lần đến quấy rầy ông quan tòa, ta cũng “ngày đêm
hằng kêu cứu với Chúa”. Đến kêu cầu
Chúa, ta chỉ mong Người mau mắn nhậm lời và cho ta được như ý. Nhưng nhiều lần Chúa có vẻ như không đáp lời
ta ngay. Người trì hoãn. Người cứ tiếp tục để ta phải khốn khổ. Người làm ngơ để mặc cho kẻ thù làm cho ta
phải thất điên bát đảo. Lúc ấy ta có
cảm tưởng như Người bỏ rơi ta. Chúa
Giê-su trên thập giá cũng mang cùng tâm trạng như thế với ta, đến nỗi Người
phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy
Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi Đức Giê-su. Người cũng không bỏ rơi tất cả những ai
thuộc về Đức Giê-su, vì Người đã tuyển chọn ta trong Đức Giê-su. Thiên Chúa có lý do trì hoãn mà ta không
hiểu được, ta chỉ biết rằng sự trì hoãn ấy có lợi cho ta. Hơn nữa, trì hoãn là về phía ta vì không
theo thời biểu của ta, còn đối với Chúa, trì hoãn là thời gian Chúa chờ đợi cho
tới đúng lúc ra tay can thiệp. Chúa
giống như bà mẹ tập cho con bước đi, đợi cho nó sắp té xuống mới đưa tay ra nắm
lấy nó. Nếu không “trì hoãn” như vậy,
đứa bé sẽ chẳng bao giờ biết đi. Như
thế, Thiên Chúa trì hoãn không có nghĩa là Người bỏ rơi, trái lại Người còn chú
ý đến ta hơn lúc nào hết.
c) “Nhưng
khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Dường
như Chúa Giê-su muốn nói lên tâm sự của Thiên Chúa: Người lo lắng cho lòng tin của ta. Mặc dù Thiên Chúa trung thành “bênh vực” ta, nhưng liệu ta có
biết tin vào lòng trung thành của Người không.
Lòng tin là sự đáp lại. Ta thấy
Chúa quyền năng nên ta phải sẵn sàng phó thác.
Ta thấy Chúa hết mực yêu thương ta nên ta đừng sợ hãi gì cả. Chúa Giê-su tỏ ra cho ta biết quyền năng và
tình yêu của Thiên Chúa. Người mong đợi
ta khi đã nhận biết như vậy thì hãy mau mắn đáp lại, và Người mong đợi trong
nỗi lo lắng của một bà mẹ.
Tuy
nhiên đây cũng là một thách đố, một lời “nói khích” để ta cố gắng hơn mà tin
tưởng vào Chúa. Người khích động tâm lý
của ta, tựa như bà mẹ giả vờ không nhìn nhận khả năng thực sự của con mình, cốt
để nó chứng tỏ khả năng ấy hơn cả mức độ bình thường nữa!
Lòng tin là điều kiện cốt
yếu để ta cầu nguyện. Nếu hiểu lòng tin
là sống mối tương quan giữa Chúa với ta, thì khi ta cầu nguyện chính là lúc ta
để cho mối tương quan ấy “làm việc”, để ta càng ý thức hơn rằng Chúa hằng bênh
vực ta vì ta thuộc về Người trong Đức Ki-tô.
d) Suy nghĩ
và cầu nguyện
Lòng
tin của tôi trong cuộc sống Ki-tô hữu đã được hiểu như thế nào? Có phải chỉ căn cứ vào những gì tôi đã cầu
được ước thấy, hay căn cứ vào việc tôi nhìn nhận lòng trung thành và yêu thương
chăm sóc của Chúa? Theo ý nghĩa cứu
rỗi, tôi có hiểu lòng tin là sống như môn đệ Chúa Giê-su để cùng với Người trở
về cùng Thiên Chúa không?
Dạy
tôi bằng dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy, Chúa Giê-su muốn
tôi phải cầu nguyện luôn và không được nản chí. Tôi đã “cầu nguyện luôn” như thế nào? Có bao giờ tôi “nản chí” không?
Tại sao?
Tôi
đã có kinh nghiệm nào về việc “Thiên Chúa trì hoãn” không đáp lời cầu xin của
tôi ngay? Ích lợi của sự trì hoãn ấy
như thế nào?
Cầu nguyện:
“Lạy
Cha,
con
phó mặc con cho Cha,
xin
dùng con tùy sở thích Cha.
Cha
dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con
luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn
là ý Cha thực hiện nơi con
và
nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì,
lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con
trao linh hồn con về tay Cha.
Con
dâng linh hồn con cho Cha,
lạy
Chúa Trời của con,
với
tất cả tình yêu của lòng con.
Vì
con yêu mến Cha,
vì
lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng
mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn
bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô
biên,
vì Cha là Cha của con.”
- Charles de Foucauld
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 45)
Lm Đaminh Trần Đình Nhi