CHÚA NHẬT 3 QUANH NĂM

(Lu-ca 1: 1-4; 4: 14-21)

 

        Mặc dù cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay hơi lạ (gồm có phần lời tựa trong chương 1 và câu truyện Chúa Giê-su tuyên đọc Sách Thánh tại hội đường Na-da-rét), nhưng như thế mới đầy đủ để giới thiệu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su sẽ được trình bày qua các Chúa Nhật thường niên tiếp theo.  Lời tựa vạch rõ mục tiêu của sách Tin Mừng khi trình bày cuộc đời Chúa Giê-su và giáo lý của Ngài.  Còn câu truyện Chúa Giê-su đến hội đường Na-da-rét tuyên đọc lời ngôn sứ I-sai-a và công bố Tin Mừng ấy hôm nay được thể hiện nơi bản thân Người, thì chính thức mời gọi ta lên đường khám phá ra con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, để sẵn sàng bước theo làm môn đệ Người.

 

a)  Sách Tin Mừng được viết để giúp ta “nhận thức giáo huấn của Chúa Giê-su thật là vững chắc”

 

        Trong mấy câu của Lời tựa, thánh sử Lu-ca đã phát biểu thật rõ ràng nội dung sách Tin Mừng của ngài gồm những gì và ý định của ngài khi viết sách Tin Mừng ấy.  Nội dung của tác phẩm đó là “những điều đã được thực hiện giữa chúng ta” tức là những biến cố liên quan đến đời sống và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.

        Những gì được viết lại không phải là do óc tưởng tượng của một người hoặc những huyền thoại, nhưng là những điều được truyền lại từ “các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa”, tức là các thánh Tông đồ.  Các ngài đã trung thành với sứ vụ làm chứng cho Chúa Giê-su, dù phải đổi mạng sống mình để nói lại cho người ta những điều chính các ngài nghe và chứng kiến về Chúa Giê-su là những điều có thật và chứng tỏ Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.

        Phụng vụ Lời Chúa các Chúa Nhật thường niên năm C cũng muốn theo cách thức của thánh Lu-ca, nghĩa là sẽ “tuần tự” trình bày cuộc đời và giáo lý của Chúa, chỉ mong ta sau khi tham dự các thánh lễ Chúa Nhật năm Phụng vụ này, sẽ có được một cái nhìn tổng quát về diễn tiến cuộc đời Chúa Giê-su và giáo lý của Người.  Nhưng hơn thế nữa, Giáo Hội không chỉ muốn ta biết về Chúa Giê-su và giáo lý của Người với cái biết trí óc, nhưng phải là cái biết của con tim, xây dựng mối quan hệ với Chúa và để cho sức mạnh giáo lý của Người biến đổi cuộc sống ta.  Chỉ khi nào thực sự có được đức tin vào Chúa Giê-su, ta mới có thể “nhận thức giáo huấn của Người thật là vững chắc,” bởi vì tin vào Chúa là nhìn nhận thế giá và tính cách đáng tin cậy của Người.

 

b)  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”

 

        Ta đã có dịp nghe những bài giảng dài của Chúa Giê-su, thí dụ bài giảng về Bí tích Thánh Thể, bài giảng trên núi về Tám mối phúc...  Nhưng có lẽ đây là bài giảng ngắn nhất của Chúa Giê-su, được gồm tóm trong một khẳng định ngắn gọn:  Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.  Các nhà lãnh đạo trần gian, các tổng thống, thủ tướng thường dài dòng trình bày với những lời lẽ đao to búa lớn cả một chương trình hay kế hoạch họ sắp thực hiện.  Rồi sau đó người ta cũng chỉ thấy kết quả là đầu voi đuôi chuột, hoặc chẳng thấy thực hiện được lấy một điều! 

Còn vị lãnh đạo của ta, Chúa Giê-su, hoàn toàn khác.  “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Gio-an 18:36), Người đã nói rõ như vậy.  Vương quốc Ngài là vương quốc của sự thật đến trong các tâm hồn.  Vương quốc ấy không có quân đội như nhà độc tài Hitler đã thách thức:  “Giáo Hoàng có được bao nhiêu sư đoàn?”  Cũng không có súng ống đạn dược.  Tất cả sức mạnh mà vị nguyên thủ cậy dựa vào là sức mạnh của Thánh Thần.  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4:18).  Không có lễ nhậm chức và diễn văn khai mạc nẩy lửa như các ông tổng thống Mỹ vẫn làm bốn năm một lần.  Chỉ có “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi và sai tôi đi.”  Thật là đơn sơ, bắt tay vào việc thi hành sứ mệnh ngay lập tức, không cần thời gian “trăng mật” tạo quan hệ thuận lợi với quần chúng.  Mà đúng thế, ngay sau khi công bố và khởi đầu sứ mệnh, Chúa Giê-su đã nếm mùi thất bại phũ phàng:  “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.  Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (Lc 4:28-29).

 

c)  Chương trình hoạt động của Chúa Giê-su

 

        Chương trình ấy không phải của riêng Chúa Giê-su, được vạch ra do tài kinh bang tế thế của Người, nhưng là kế hoạch đã được phác họa do “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật;  còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8:26).  Thánh Phao-lô gọi kế hoạch ấy là “thiên ý nhiệm mầu:  thiên ý này là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1:9).   Chương trình ấy không đóng khung trong thời hạn rõ rệt giống như kế hoạch ngũ niên hoặc mười năm, nhưng sẽ kéo dài và chỉ hoàn tất khi “tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1:10).  Chương trình chỉ nêu ra những điểm tích cực, tức là “những việc phải làm”:  loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn;  công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, cho người bị áp bức biết họ được trả lại tự do” (Lc 4:18).  Tóm lại là công bố một thời đại mới, một cuộc tạo dựng mới, tức là “một năm hồng ân của Chúa.”

        Chúa Giê-su thi hành nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và công bố Triều Đại Thiên Chúa , không chỉ bằng lời nói, nhưng chủ yếu là bằng việc làm.  Hành động có sức mạnh hơn lời nói.  Do đó, Chúa Giê-su đã hành động khi Người tiếp xúc với người khác, tha thứ kẻ tội lỗi, an ủi kẻ buồn phiền, chữa lành người đau yếu, đến với thành phần bị xã hội khinh bỉ loại trừ...  để làm gương mẫu và mời gọi mọi người dấn thân xây dựng một vương quốc mới, vương quốc của tình yêu.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện     

 

        Xét lại việc đọc và học hỏi Kinh Thánh, tôi có hướng về mục tiêu là nhận thức giáo lý của Chúa Giê-su như thánh Lu-ca nhắc nhở không?  Nếu không thì tại sao?

        Tôi có vai trò nào trong vương quốc của Chúa Giê-su?  Tôi có cố gắng sống vai trò đó không?  Bằng cách nào?

        Khi nghe bài giảng khẳng định của Chúa Giê-su:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe,” phản ứng của tôi thế nào?  Nếu khác với phản ứng của dân thành Na-da-rét, thì phản ứng của tôi phải tiếp tục đi tới đâu?

        Tôi thuộc về lớp người nào cần được nghe lời công bố của Chúa Giê-su?  Tôi sẽ để cho Người tiếp tục hoạt động những gì nơi tôi?

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

        Chúng con thường xây nhà trên cát,

        vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

        nhưng lại không dám đem ra thực hành.

        Chính vì thế

        Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

        Xin cho chúng con

        đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

        đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

        Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

        để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

        Ước gì ngôi nhà đời chúng con

        được xây trên nền tảng vững chắc,

        đó là Lời Chúa,

        Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.”

                                 (Trích RABBOUNI, lời nguyện 15)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà