Chúa Nhật
Thứ 3 Thường Niên, C
(21-1-2001)

Nghe :

Nkm 8,2-4A. 5-6.8-10: Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bẩy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng. Ông đứng ở quảng trường phía trước Cửa Nước, đọc sách Luật.. Ông Ét-ra và các thày Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì mà các ông đọc. 1 Cr 12,12-30: Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Ðức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã được chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đấy tràn một Thần Khí duy nhất.
Anh em là thân thể Ðức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thày dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thày dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?

TIN MỪNG: Lc 4,14-21

Ðức GiêSu Rao Giảng Tin Mừng Trong Hội đường Na-da-rét

Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giê-su trở về Miền Ga-li-lê, va tiếng tăm Người đồn khắp vùng lân cận. Người giảng dậy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Ðức Giê-su đến Na-gia-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, va đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sáh ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Ðức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Ngẫm:


Câu hỏi gợi ý:

1. Sứ mạng Cứu Ðộ chúng sinh của Ðức Giê-su.
2. Ai có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng ấy?

Suy tư gợi ý:

1. Sứ mạng Cứu Ðộ chúng sinh của Ðức Giê-su:

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã nghe đọc rất nhiều lần. Nhưng mỗi lần nghe đọc phải giúp chúng ta hiểu hơn về sứ mệnh cứu độ của Ðức Giê-su. Ngôn sứ I-sai-a nói về sứ mạng của Ðấng Mê-si-a một cách rất cụ thể và gắn liền với đời sống xã hội con người. Ðức Giê-su hiểu sứ mạng của mình là sứ mạng giải thoát toàn diện con người: từ lãnh vực vật chất cho đến lãnh vực tinh thần, từ lãnh vực tự nhiên cho đến lãnh vực siêu nhiên. Sự giải phóng sâu xa nhất là giải thoát con người khỏi tội lỗi và những yếu đưối của thân phận con người có tội. Chúng ta thấy Ðức Giê-su xác nhận những lời của ngôn sứ I-sai-a được ứng nghiệm nơi Người, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể: Những phép lạ Người thực hiện cho những người ốm đau, bệnh tật, đui mù, què quặt, kể cả người chết. là những minh chứng cụ thể và hùng hốn cho việc thực thi sứ mạng cứu nhân độ thế của Con Một Thiên Chúa nhập thể và nhập thế.

2. Hội Thánh và người Ki-tô hữu tiếp tục sứ mạng của Ðức Giê-su:

Ngay từ những ngày đầu, Hội Thánh luôn ý thức là người tiếp tục sứ mạng cứu độ chúng sinh của Ðức Giê-su. Và Hội Thánh hiểu rằng sứ mạng cứu độ ấy bao hàm mọi chiều kích nhân linh của con người: văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo và tâm linh. Nhìn vào mô hình cấu trúc hạ tầng của một giáo xứ mà cha ông chúng ta để lại, chúng ta thường thấy ngôi thánh đường được xây dựng ở giữa một khoảng đất rộng, một bên là nhà xứ, một bên là nhà trường, cạnh đó là nhà mồ côi với nhà của các nữ tu. Nhìn vào mô hình ấy chúng ta hiểu rằng: Ðối với cha ông chúng ta: việc mở mang kiến thức cho con trẻ và việc chăm sóc những thành phần bất hạnh trong xã hội (mồ côi, tật nguyền, già cả) luôn là một yếu tố không thể thiếu trong cách sống đạo của một cộng đoàn giáo xứ. Hay chúng ta đọc lại kinh Thương người có mười bốn mối, chúng ta thấy ngay tầm quan trọng của những công việc có tính xã hội bác ái trong thực hành Ki-tô giáo: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, đem quần áo cho kẻ rách rưới, thăm viếng kẻ bị cầm tù, bệnh tật v.v..  

Nhưng rất tiếc đã có một thời người Ki-tô hữu bỏ quên mất tính hiện sinh của Ơn Cứu Ðộ, vì họ nhấn mạnh thái quá tính chất thiêng liêng, vô hình của Ơn Cứu Ðộ ấy. Họ hiểu lầm rằng Ðức Giê-su đem Ơn Cứu Ðộ đến cho con người khi ban cho con người sự sống đời đời chỉ ở đời sau mà thôi. Chính vì hiểu sai lạc như thế mà nhiều Ki-tô hữu coi thường những thực tại trần thế là những thực tại thiết thân đối với mọi người. Do đó, Hội Thánh trở thành xa lạ, không cần thiết đối với nhiều người. Người Ki-tô hữu bị coi là những người sống ngoài hành tinh, không ích lợi gì cho người khác.

Rất may là sự hiểu lầm ấy đã được Hội Thánh nhận thức và chấn chỉnh kịp thời. Ngày hôm nay nói đến Ơn Cứu Ðộ trong Ki-tô giáo thì Hội Thánh hiểu đó là Ơn Cứu Ðộ toàn diện, tức bao hàm mọi chiều kích cuộc sống con người và bắt đầu từ ngày hôm nay, trên mảnh đất này. Vì thế mà càng ngày càng có nhiều Ki-tô hữu dấn thân một cách tích cực vào các lãnh vực hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường cũng như xây dựng kinh tế xã hội văn hóa và chính trị, với ý thức mạnh mẽ rằng làm như thế là họ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giê-su trong thời đại và xã hội của họ (Ðọc lời mở đầu Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Ðồng Vatican II).

Riêng trong đời sống các gia đình Khôi Bình thường có một dự án kinh tế, làm ăn chung với nhau. Ðó là điều thuận lợi nhắc nhở các thành viên ý thức về tầm quan trọng của các chiều kích kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa trong cách sống Ðạo và truyền Ðạo của chúng ta. Cha Thánh A. Kolping đã làm gương cho chúng ta và để lại cho chúng ta một linh đạo phù hợp với nhận thức chung của Hội Thánh. Chúng ta chỉ còn cách sống linh đạo ấy một cách ý thức và hiệu quả mà thôi!

Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho mọi hoạt động của chúng con có một ý nghĩa cao đẹp khi chúng con biết liên kết các hoạt động ấy với Hành Ðộng Cứu Ðộ của Chúa.

Xin Chúa ban Thần Khí tràn đầy trên chúng con, để mọi hoạt động của chúng con đều được liên kết với Hành Ðộng Cứu Ðộ của Chúa.

(Giêrônimô Nguyễn văn Nội)


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà