SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX
- 2001
Chúng
ta đang bước những bước cuối cùng trong Năm Phụng Vụ, Lời Chúa cũng muốn nâng
đỡ những bàn chân rã rời của chúng ta. Một cách đặc biệt, trong những ngày
tháng sống trong lo sợ hãi hùng vì khủng bố, vì các cổ phiếu tụt giá, vì nạn
mất việc làm...
Dẫu sao Lời Chúa cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều hy
vọng hơn Thánh Phaolô (nhìn trong cái thực tế trần gian này), vì Phaolô đã thấy
ngày " sắp phải đổ máu ra...", đã thấy "giờ phải ra đi".,
còn chúng ta, dẫu sao vẫn còn hệ thống an sinh xã hội, kèm theo một tinh thần
yêu nước dâng cao, tất cả đảm bảo cho chúng ta "thoát khỏi mọi mưu thâm
chước độc". Nói thế là để cùng chia sẻ một cảm nghiệm mới đang nhen nhúm
lên trong lòng mỗi người : Ngay giữa tột đỉnh của mọi kỹ thuật và phồn vinh con
người vẫn chẳng có gì bảo đảm cho chính mình.
Đã
có những con người như anh biệt phái trong Tin Mừng nghĩ tới thiết lập một hệ
thống phòng thủ cho hạnh phúc và an bình của mình bằng "những công trạng
đạo đức" : không trộm cướp, không bất công, không ngoại tình, ăn chay mỗi
tuần 2 lần, dâng nộp 1/10 lợi tức... Và cũng không ít người ngày hôm nay giống
như những Nêrô thời Phaolô tích cực lăn xả vào cuộc chiến tiêu diệt những
"kẻ ngoại đạo" như là nền móng cho một thế giới đạo thuần khiết, đảm
bảo cho cuộc sống an vui : họ saün sàng cho cuộc "tuẫn đạo" vì một
thế giới hòa bình. Cũng như anh biệt phái, họ muốn nói "Lạy Chúa, xin tạ
ơn Chúa, vì con không như những kẻ khá...", và hơn anh biệt phái họ muốn
bảo vệ "đạo" hay "đời" bằng mọi giá, kể cả mạng sống mình
và mạng sống của tập thể mình.
Nhưng
Lời Chúa lại xem ra không đồng tình với suy nghĩ của họ "Ta nói cho các
ông biết : người này khi trở về, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia
thì không". Một phán quyết không khoan nhượng. Một phán quyết bao hàm một
cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về Đạo và về Đời.
Đời
ở đây là những mảnh đời bị thua thiệt, bị áp bức, mồ côi, góa bụa, những mảnh
đời bị tù đầy chẳng ai bên vực cho... và Đạo ở đây là "Thiên Chúa đứng bên
cạnh" những mảnh đời ấy, "ban sức mạnh" để nhờ những mảnh đời
đen tối ấy "mà việc rao giảng được hoàn tất". "Đạo" biết rõ
"họ còn ở trong thế gian" nhưng không cầu xin "Cha đưa chúng ra
khỏi thế gian", nhưng cho họ như cho Phaolô "thoát khỏi mọi mưu thâm
chước độc". Cũng như chính bản thân "Đạo" đã "được sai vào
thế gian" mang lấy hình hài "tôi đòi", không mưu cầu sự tôn vinh
của thế gian, không tìm cách rũ bỏ cái hình hài tôi đòi ấy, không đấu tranh để
giai cấp mình thành giai cấp thống trị, nhưng cho dù không thay đổi gì cái hình
hài của người thu thuế trong Tin Mừng, mà bằng ánh sáng của Niềm Tin, đã thay
đổi cái căn tính để anh trở nên người công chính trong chính cái hình hài thu
thuế còn đó. Cũng như chính bản thân "Đạo" đã vào Vương Quốc của Cha
trong hình hài của một kẻ đã thụ hình Thập Giá. Đấy là Tin Mừng mà Phaolô đã
được nhận lãnh để rao giảng. Đó cũng là Tin Mừng mà mỗi Kitô hữu chúng ta được
trao ban.
Trong
sự hoảng loạn của cuộc sống, biết bao tiếng nói tự mệnh danh là Cứu Độ từ bên
này hay bên kia những chính kiến. Trong số đó không thể không nhắc đến những
tiếng nói vô cùng nhiệt huyết của những anh chị em không đồng quan điểm với các
Chủ Chăn tại VN hôm nay. Nhưng mỗi người hãy nhìn vào chính Đức Giêsu, hãy nhìn
vào thánh Phaolô để nghiệm ra con đường "Đạo" đã chiếu soi những mãnh
đời khốn cùng như thế nào để hãy cùng thánh Phaolô "giữ vững niềm
tin" vào "lễ tế" cuộc đời như là sức mạnh tỏa sáng Tin Mừng
trong mỗi tâm hồn. Ơn Cứu Độ không nhằm những cơ chế, những tổ chức, nhưng nhằm
gợi lên trong trái tim và trí tuệ con người TÌNH YÊU HIỆN DIỆN CỦA Thiên Chúa,
Tình yêu chấp nhận đồng hành, chia sẻ, và đón nhận mọi con người. Quả thực, nếu
nhìn theo cách nhìn của những chủ thuyết cứu thế thường gặp, thì Đức Giêsu đã
thất bại, Phaolô cũng đã thất bại, các Chủ Chăn của chúng ta cũng đã thất bại,
nhưng nếu nhìn vào tính cách đồng hành, chia sẻ và đón nhận mọi con người trong
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA, thì Giáo Hội Việt Nam hôm nay có thể nói như thánh
Phaolô "Cha đã chiến đấu xuất sắc, đã chạy hết quãng đường, đã giữ vững
niềm tin...". Xin Tạ Ơn Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên