Chúa Nhật thứ 30
Thường Niên
(28-10-2001)
Đọc Lời Chúa
· Hc
35,12-14.16-18: (12) Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng
thiên vị ai. (13) Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. (14) Người không
coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa.
(15) Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má, và
tiếng bà kêu lại chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao ? (16)
Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ
vọng tới các tầng mây. (17) Lời nguyện của người nghèo vượt
ngàn mây thẳm.
· 2 Tm
4,6-8.16-18: (6) Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã
đến giờ tôi phải ra đi. (7) Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao
đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. (8) Giờ
đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán
chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho
tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
· TIN
MỪNG: Lc 18,9-14
Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế
(9) Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau
đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) Có hai
người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia
làm nghề thu thuế. (11) Người Pha-ri-sêu đứng thẳng,
nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ
khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn
chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". (13) Còn
người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng
vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi". (14) Tôi nói cho các ông biết: người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì
không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn
lên.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý:
1. Theo
cách suy nghĩ thông thường của bạn, khi nghe hai người trong bài Tin Mừng cầu
nguyện, bạn đánh giá ai công chính hơn ai? Cách phán đoán của Đức Giê-su về sự
công chính có khác với cách của bạn không? Khác chỗ nào?
2. Những
người tập luyện được nhiều nhân đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn
người, nhưng lại tự hào và lên mặt về sự hơn người đó, thì sẽ được Thiên Chúa
đánh giá thế nào?
3. Đọc
bài Tin Mừng bạn rút ra được bài học gì cho mình? cho cách xử sự hằng ngày và
cho công việc nên thánh của mình?
Suy tư gợi ý:
1. Cách phán đoán của Đức Giê-su khác với
cách của ta
Qua lời cầu nguyện của hai người trong bài Tin Mừng
này, ta biết tất cả những điều tốt lành mà người Pha-ri-siêu khoe với Chúa rằng
mình đã làm đều là sự thật, và tình trạng tội lỗi mà người thu thuế thú nhận
trước mặt Chúa cũng đều là sự thật. Nếu để ta xét đoán, ta sẽ dễ cho rằng người
Pha-ri-siêu kia mới là người công chính, còn người thu thuế đích thực là tội
lỗi. Nhưng câu kết luận của Đức Giê-su làm chúng ta phải ngạc nhiên: Tôi nói
cho các ông biết: người này (tức người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (tức người Pha-ri-siêu) thì
không. Ta thấy phán đoán của Đức Giê-su về sự công chính khác hẳn cách phán
đoán của chúng ta. Đương nhiên, chúng ta phải lấy cách phán đoán của Ngài làm
mẫu mực cho cách phán đoán của ta, và phải chỉnh lại cách suy nghĩ của ta theo
cách của Ngài.
2. Tự đề cao mình khiến mình bớt giá trị
trước mặt Thiên Chúa
Như vậy, điều khiến cho một người nên công chính
không phải là những việc tốt lành mà họ làm được cho bằng động
lực đã thúc đẩy họ làm những việc ấy. Nếu họ làm những điều tốt để được mọi
người khen thưởng, khâm phục, chứ không phải vì yêu Chúa hay thương tha nhân mà
làm, thì những điều tốt ấy chỉ có giá trị trước mặt người đời chứ không chắc có
giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nói về những hành động ấy như sau: Khi
làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ
thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban
thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả
thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen.
Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi (Mt 6,1-2).
Làm điều tốt đẹp để được khen đó là làm vì một động
lực vị kỷ, tự kiêu. Đương nhiên, chẳng mấy ai trên đời thoát được tính vị kỷ,
muốn tự đề cao mình: người ta chỉ hơn nhau ở chỗ vị kỷ ít hay nhiều mà thôi.
Muốn nên thánh, ta phải tập luyện hằng ngày để tính vị kỷ hay tính thích được
đề cao của ta càng ngày càng giảm đi. Sự thánh thiện và tính vị kỷ hay độ
phình lớn của cái tôi tỷ lệ nghịch với nhau. Lời của Gio-an Tẩy giả có thể
coi là một định luật: Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi (Ga 3,30).
Cái tôi của ta càng nhỏ đi thì đời sống thần linh hay sự sống của Đức Ki-tô
càng lớn lên trong ta, và giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng lớn. Ngược
lại, cái tôi của ta càng phình lớn, thì sự sống của Đức Ki-tô ở trong ta hay
giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng nhỏ đi. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ
xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên (Mt 23,12; Lc 14,11; 18,14).
Người nào hay tìm cách để được mọi người đề cao,
khen thưởng thì cũng thường tự coi mình là hơn người và thích chê bai người
khác: hạ người khác xuống để mình được nổi bật lên. Những người này dù có làm
được biết bao điều tốt lành, thực tập biết bao nhân đức để được người khác nể
phục, dù có lên được những bậc thang cao trong Giáo Hội hay xã hội thì vẫn là
con số 0 trước mặt Thiên Chúa. Họ không được Thiên Chúa coi là người công
chính.
3. Tự hạ, tự coi thường mình lại làm mình tăng giá trị lên trước
mặt Thiên Chúa
Qua bài Tin Mừng ta thấy tội lỗi hay những hành
động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự
mãn hay kiêu ngạo. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi, nên đã làm mất
đi sự công chính của mình. Nhưng hành động khiêm nhường, biết nhìn nhận sự bất
chính và tội lỗi của mình đã lập tức biến anh ta nên người công chính trước
Thiên Chúa, bất chấp quá khứ tội lỗi của mình. Tương tự như vậy, tên trộm bị
đóng đinh bên phải Chúa, tôi nghĩ chưa chắc anh ta đã phạm ít tội hơn tên trộm
bên trái, nhưng chỉ vì anh ta nói được câu: Chúng ta chịu như thế này là
đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! mà
đã được Đức Giê-su hứa Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên
Thiên Đàng (Lc 23,41-43). Ôi thật là kỳ diệu sự khiêm nhường tự hạ, biết
nhìn nhận thực trạng hèn kém của mình! Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh
thiện, bất chính thành công chính! Ngược lại, cũng thật quái lạ, tính kiêu
ngạo, tự mãn, tự đề cao, có thể biến những điều tốt thành xấu, công chính thành
bất chính!
4. Bài học về khiêm nhường tự hạ
Nếu thế thì tại sao ta lại không rút ra một bài học
cho mình? cho lý tưởng nên thánh của mình? Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn
luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, của nhân đức. Tất cả những tài
năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó (en soi) trước
mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi đi chung với sự khiêm nhường,
tự hạ. Cũng như những số 0 (không, zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho
con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1,
thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị: càng nhiều số 0 đi sau số
1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều
làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần.
Đức Gioan-Phaolô I (1912-1978) nói: Trên thiên
đàng không thiếu bọn thu thuế và đĩ điếm nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa
ngục có cả hồng y giám mục nhưng không có người khiêm nhường. Nếu đúng như
vậy thì bí quyết để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là khiêm nhường, tự hạ, và ai
khiêm nhường tự hạ thì dường như không thể xuống hỏa ngục được! Còn muốn xuống
hỏa ngục thì chỉ cần kiêu ngạo là đủ, và kẻ kiêu ngạo thì dường như không thể
vào thiên đàng được!
Trong cuộc đời, ta thấy có nhiều người sống trong
sạch như các thiên thần, hoặc làm được rất nhiều việc lành như những vị thánh,
nhưng họ lại kiêu ngạo, tự hào không kém gì ma quỉ về sự tốt lành của họ. Chính
vì thế, họ không phải là đối tượng của Nước Trời. Thật là uổng, tất cả những
nhân đức họ tập được, những việc lành họ làm được, chỉ vì kiêu ngạo mà biến
thành công dã tràng! Như vậy, ai tự đưa mình lên thì coi chừng kẻo bị hạ
xuống tới tận hỏa ngục! Còn ai tự hạ mình xuống thì rất có thể sẽ được đưa lên
tới tận thiên đàng! Đức Giê-su đã chẳng nói: Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống
hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu sao? (Mc 10,31; xem
Mt 20,16; Lc 13,30). Vậy thì dại gì mà kiêu căng, khoe khoang, tự mãn! dại gì
mà lên mặt chê bai kẻ khác! Chính khi ta chê bai kẻ khác với mục đích để mình
nổi bật lên, thì hành động của ta lại trở thành đáng chê hơn kẻ bị ta chê!
Về sự khiêm nhường và kiêu ngạo, Karl Marx (?) nói:
Khiêm nhường bao nhiêu đều không đủ, Chỉ chút kiêu ngạo cũng quá nhiều!.
Vì thế, hãy khiêm nhường được chừng nào hay chừng
nấy, và đừng kiêu căng hay tự mãn chút nào cả!
Cầu nguyện
Lạy Cha, Thánh Kinh cho con biết Cha rất thích kẻ
khiêm nhường, và rất ghét kẻ kiêu căng. Đức Giê-su là hình ảnh trung thực nhất
của Cha đã sống một cuộc đời hết sức khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị
tha tới tận cùng, đến nỗi Ngài không còn sống cho bản thân mình mà hoàn toàn
sống cho Cha và tha nhân. Xin cho con biết sống như Đức Giê-su: quên mình, tự
hạ, để có thể sống yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con.
Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết