Chúa Nhật 30 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         2 Ti-mô-thê 4: 6-8, 16-18

          Trong ba Thư Mục vụ gửi cho Ti-mô-thê và Ti-tô, thánh Phao-lô thường chia sẻ về chính cuộc sống ngài và những đau khổ ngài phải chịu vì Tin Mừng, để khích lệ hai ông và những người kế vị các ông hãy kiên trì trong gian khổ đời tông đồ.

          Phao-lô nói đến hoàn cảnh cô đơn của ngài khi bị mọi người bỏ rơi trong lúc ngài cần tới họ. Chỉ có mình Lu-ca là ở bên cạnh ngài lúc này. Nhưng có lẽ một mình Lu-ca không đủ trấn an ngài. Ngài muốn có càng đông người càng tốt. Những tên người này người nọ, cả đến những đồ vật thường dùng cũng được nhắc đến, như cái áo choàng, sách vở, cuộn giấy da, đã gián tiếp nói lên tâm trạng cô đơn ấy (cc. 10-15) và ước mong của Phao-lô là "Anh (Ti-mô-thê) hãy mau mau đến với tôi... Anh hãy mau đến trước mùa đông" (câu 9 và 21). Cho dù hoàn cảnh như vậy, Phao-lô vẫn xác tín rằng Chúa ở với ngài và ban sức mạnh cho ngài. Hơn lúc nào hết, ngài vững tin rằng Chúa Ki-tô sẽ đến cứu thoát ngài và đem ngài vào "vương quốc của Người ở trên trời" (4:18).

          Thánh Phao-lô so sánh cuộc đời ngài như một cuộc chạy đua và chính ngài như một lực sĩ của Chúa Ki-tô. Cuộc đua ấy có biết bao gian khổ và bách hại, nhưng Phao-lô đã luôn trung thành với Chúa Ki-tô. Hình ảnh về cuộc đua hoặc cuộc chiến đấu này còn được thánh Phao-lô nhắc đến rất nhiều lần trong các thư của ngài. Nhưng ở đây, khi ví mình như lực sĩ điền kinh của Chúa Ki-tô, ngài muốn nhắn nhủ Ti-mô-thê và những ai đọc thư này hãy kiên trì trong cuộc chạy đua là chính cuộc đời Ki-tô hữu. Để khích lệ họ, ngài đã lấy chính mình làm gương mẫu cho Ti-mô-thê và những tín hữu khác. Ngài nhấn mạnh đến hình ảnh "chạy hết chặng đường" để nhắc nhở những ai bị cám dỗ bỏ cuộc hay dừng lại trước khi tới đích. Bởi vì ngài đã tới đích nên ngài có thể cam kết với chúng ta những gì chúng ta sẽ được lãnh nhận sau cuộc đua. Đó là vòng hoa và phần thưởng cho những ai "hết tình mong đợi" Đức Ki-tô xuất hiện.

          Hai thái độ người Ki-tô hữu phải có trong cuộc chạy đua ở trần gian này là kiên trì và hy vọng. Đối với hiện tại, chúng ta kiên trì để chấp nhận và thắng vượt gian khổ để trung thành với Chúa Ki-tô và sống theo những giá trị Tin Mừng. Đối với tương lai, chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng nơi Chúa vì chúng ta biết "Chúa là vị Thẩm Phán chí công."

          Đức cậy giúp chúng ta biết kiên nhẫn và hy vọng thế nào, thì cũng thế, đức tin làm cho chúng ta nhận biết sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Bản thân Phao-lô, qua những kinh nghiệm khổ đau quá khứ ngài đã nhận thấy rõ ràng: "Chúa đứng bên cạnh, Người ban sức mạnh cho tôi." Vị Tông đồ Dân ngoại giờ đây nhìn lại những việc mình đã thực hiện, "việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng," không phải để vỗ ngực tự phụ, nhưng là để khiêm tốn tôn vinh sự hiện diện và sức mạnh của Chúa đã hành động qua ngài.

          Ki-tô hữu khi đã sống đức tin và đức cậy thì lòng họ cũng đầy ắp lòng mến Chúa. Chính Phao-lô đã cảm nghiệm điều ấy và ngài đã nói lên xác tín của ngài trong thư Rô-ma: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (Rm 8:38-39).

          Cả ba nhân đức đối thần ấy đã nắn đúc con người Phao-lô với đầy đủ đức tính để đối phó với những phũ phàng cuộc đời khi thi hành sứ mệnh, theo cùng cách thức Đức Ki-tô đã làm gương cho ngài. Như Đức Ki-tô giờ phút cuối cùng vẫn có thể cầu nguyện cho những kẻ giết hại mình - "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23:34) - Phao-lô cũng có thể nói tương tự: "Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ." Một thái độ bình tĩnh, đầy tin tưởng lạc quan trong khi "sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ phải ra đi", phải là thái độ được nuôi dưỡng và thấm nhuần do đức tin, cậy, mến.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Có nhiều lý do khiến chúng ta sống cô đơn. Nhưng tôi có thể chia sẻ với nhóm nỗi cô đơn vì cố gắng sống Tin Mừng như thế nào?

          Nhìn lại thái độ của mình đối với cuộc đời, tôi phải diễn tả thái độ của tôi thế nào? Đó có phải là thái độ tôi cần thay đổi và học hỏi nơi Chúa Giê-su và nơi thánh Phao-lô không?

          Những lúc mệt mỏi và chán nản nào đã cám dỗ tôi dừng lại trong cuộc chạy đua của đời sống đức tin? Tôi đối phó với mệt mỏi và chán nản thế nào trong khi thi hành bổn phận hoặc sứ vụ?

          Ý thức "Chúa đứng bên cạnh"có mạnh mẽ nơi tôi không? Nếu không thì tại sao?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp hoặc đọc kinh sau đây:

          Lạy Chúa Giê-su, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề;
          có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
          có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
          Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi.
          Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước.
          Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin.
          Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
          niềm vui và sáng tạo.
          Lạy Chúa Giê-su, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút cuộc đời.
          Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. A-men.

                                                         (Trích RABBOUNI, lời nguyện 1)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà