CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG
NIÊN
(28-10-2001)
NGHE:
* Bài đọc 1: Hc 35, 12-14.16-18.
Chúa là vị Thẩm Phán, Người không xét theo vẻ hoàng
nhoáng bên ngoài. Người không dựa vào vẻ bề ngoài, mà làm cho kẻ nghèo bị
thiệt; Người nghe lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người chẳng khinh chê tiếng van nài
của kẻ mồ côi, cũng như lời kể lể của người goá bụa. Kẻ hết lòng thờ Chúa sẽ
được Người chấp nhận, lời họ kêu cầu thấu tận mây xanh.
* Bài đọc 2: 2 Tm 4,6-8.16-18
Cha sắp đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ cha phải ra
đi. Cha đã chiến đấu xuất sắc, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho kẻ chiến thắng. Chúa là vị Thẩm phán
chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy..
* Bài Tin Mừng: Lc 18,9-14: Dụ ngôn người Pharisêu
và người thu thuế.
Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người
tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: "Có hai người lên
đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu
thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn
Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như
tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười
thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước
mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót
con là kẻ tội lỗi, Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về
nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình
lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
NGẪM:
* Câu hỏi gợi ý:
1. Trong xã hội cũng như trong Dân
Chúa, có nhiều hạng người: Thiên Chúa và Giáo hội nghiêng về phía hạng người
nào? Tại sao?
2. Thái độ và lời cầu nguyện nào đẹp
lòng Chúa và đem ơn công chính cho người cầu nguyện? Tại sao?
* Suy tư gợi ý:
1. Trong xã hội cũng như trong Dân Chúa, có nhiều
hạng người: Thiên Chúa và Giáo hội nghiêng về phía hạng người nào? Tại sao?
Trong xã hội có nhiều hạng người: giầu/nghèo,
sang/hèn, sung sướng/khổ cực. Thường thì con người ta ai cũng muốn là người
giầu, sang, sung sướng. Và thường thì ai cũng quí trọng người giầu, ưa thích
người sang và thân thiết với những người sung sướng. Nhưng Thiên Chúa thì không
giống như con người chúng ta: "Chúa là vị Thẩm Phán, Người không xét
theo vẻ hoàng nhoáng bên ngoài. Người không dựa vào vẻ bề ngoài, mà làm cho kẻ
nghèo bị thiệt; Người nghe lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người chẳng khinh chê
tiếng van nài của kẻ mồ côi, cũng như lời kể lể của người goá bụa. Kẻ hết lòng
thờ Chúa sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu cầu thấu tận mây xanh."
(bài đọc 1)
Trong Giáo hội là Cộng đoàn Dân Chúa cũng có nhiều
hạng người: thánh thiện/tội lỗi, sốt sáng/khô khan, giầu/nghèo.. và thường thì
những người thánh thiện, sốt sáng và giầu có được trọng nể và những kẻ tội lỗi,
khô khan, nghèo hèn bị xem thường, coi khinh. Nhưng đó cũng chỉ là cách cư xử
theo thói người đời, chứ chưa phải cách cư xử theo tinh thần của Thiên Chúa là
Đấng yêu thương hết mọi người và ưu tiên dành một tình yêu đặc biệt cho người
nghèo, người tội lỗi.
Giáo hội càng ngày càng khám phá ra cách cư xứ ấy
của Thiên Chúa và tìm cách áp dụng vào đời sống mục vụ của mình. Vì thế chúng
ta thường nghe nói đến "Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo"
(Amour préférentiel des pauvres) hoặc "Ưu tiên chọn lựa người
nghèo" (Option préférentielle pour les pauvres). Các nền thần học của
các nước thuộc thế giới thứ ba, như thần học giải phóng ở Nam Mỹ hay thần học
của các Giáo hội Á châu đều thấm nhuần tính chất "ưu tiên" này của
Thánh Kinh và nhất là của Phúc Aâm.
Nhưng chúng ta sẽ phải tìm cách trả lời câu hỏi
này: Tại sao Thiên Chúa và Giáo hội lại chọn lựa như thế? Có phải Thiên Chúa
yêu thương người nghèo là để chống lại người giầu không? Có phải vì người nghèo
đạo đức hơn người giầu không?
* Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh Cựu và Tân Ước,
chúng ta có thể nói mà không sợ sai lạc rằng: Quả thật Thiên Chúa Kitô giáo là
Đấng Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, Nhưng Thiên Chúa đứng về phía người
nghèo không phải để chống lại người giầu, mà là để bênh vực người nghèo chống
lại sự áp bức đàn áp mà người giầu và người quyền thế thường áp đặt lên người
nghèo. Thiên Chúa đứng về phía người nghèo còn để mời gọi người giầu hãy bắt
chước Thiên Chúa mà yêu thương giúp đỡ anh chị em nghèo của mình. Nói cho cùng
thì kẻ giầu cũng như người nghèo đều phải hoán cải mới được ơn cứu độ. Người
giầu hoán cải bằng cách sống không đính bén vào của cải, không làm nô lệ cho
tài sản mà Chúa ban cho mình. Còn bằng cách sống mở rộng tấm lòng, mở rộng bàn
tay chia sẻ của cải ấy với những người túng thiếu khó khăn hơn mình. Còn kẻ
nghèo hoán cải bằng cách không oán hận hoàn cảnh, số phận mà sống cậy trông phó
thác vào Thiên Chúa.
* Còn có một lý do khác không kém sâu sắc là: Thiên
Chúa và Giáo hội ưu tiên dành cho người nghèo, người tôi lỗi tình thương yêu
đặc biệt của mình là vì nếu Thiên Chúa và Giáo hội không yêu thương những người
ấy thì họ chẳng có ai khác quan tâm đến họ và yêu thương họ cả. Họ sẽ là những
con người khốn khổ nhất trên trần gian này!
2. Thái độ và lời cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa và
đem ơn công chính cho người cầu nguyện? Tại sao?
Hiểu được những điều cốt yếu, căn bản ở trên, chúng
ta sẽ dễ dàng hiểu ý nghĩa của dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện của Đức
Giêsu mà Phúc Aâm Luca tường trình lại cho chúng ta hôm nay: Trước mặt Thiên
Chúa chúng ta chẳng là gì hết mà chỉ là những tội nhân, những người bất xứng vì
tội vô ơn và phản bội. Mọi sự chúng ta có, chúng ta đều nhận từ chính Thiên
Chúa hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặt khác, chúng ta cũng chẳng có thể mua
chuộc được Thiên Chúa, hay mua được Nước Thiên Đàng và ơn công chính bằng những
việc làm gọi là đạo đức của chúng ta. Nếu chúng ta thực hiện những việc đạo
đức, bác ái, hy sinh, chia sẻ ấy để thể hiện lòng chúng ta kính trọng yêu mến
Thiên Chúa và yêu thương anh em thì rất tốt. Còn nếu chúng ta tưởng rằng bằng
những việc ấy, chúng ta mua được Thiên Chúa để có chỗ trên Thiên Đàng thì chúng
ta đã sai lầm nghiêm trọng. Vì chỉ có tình thương của Thiên Chúa mới có thể cứu
vớt chúng ta chứ không phải côïng lao của chúng ta. Hơn nữa thái độ tự cao tự
đại, kiêu căng tự mãn thì lại càng trái ngược với bản tính, với tinh thần và
cách hành xử của Thiên Chúa. Người Pharisêu đã kể công trước mặt Chúa và tệ hại
hơn nữa là ông ta tưởng rằng nhờ những việc đạo đức đã làm mà ông ta có quyền
được Thiên Chúa yêu thương và tưởng thưởng cũng như ông ta có quyền coi khinh
người anh em thu thuế của mình, Thái độ và lời cầu nguyện của người Pharisêu
không hề đẹp lòng Thiên Chúa, cũng chằng khiến ông ta trở thành người công
chính. Trái lại thái độ biết mình là người tội lỗi, khiêm tốn và cậy trông vào
lòng Chúa yêu thương của người thu thuế đã làm Thiên Chúa mủi lòng và đã đem ơn
công chính cho ông ta.
Vì thế chẳng khó khăn gì để hiểu tại sao trong hai
thái độ và hai lời cầu nguyện thì có một được nhận, một bị loại: Thái độ và lời
cầu nguyện của người thứ nhất là người Pharisêu đi ngược lại chân lý của Thiên
Chúa và của con người. Còn thái độ và lời cầu nguyện của người thứ hai là người
thu thuế thì phù hợp với chân lý của Thiên Chúa và của con người.Nên kết quả
tất phải khác xa nhau.
NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa là Thẩm Phán Công Minh, là Đấng đứng
về phía người nghèo, là Đấng bênh vực người bị áp bức bóc lột, xin Chúa đoái
thương đến cảnh yếu đuối, tội lỗi của chúng con, giúp chúng con mạnh tin vào
Tình Thương và Sức Mạnh của Chúa. Xin Chúa đoái thương mà nghe lời than van cầu
khấn của bao người đang chiụ cảnh lũ lụt lầm than, đói khổ; của bao người ốm
đau,bệnh tật; của bao người cô đơn sầu khổ; của bao người bị bất công chèn ép,
bị bóc lột sức lao động và phẩm gía làm người và làm con Chúa.
Xin Chúa mở lòng, mở tay chúng con, để chúng con
noi theo Chúa mà biết sống yêu thương, quí trọng, chai sẻ giúp đỡ những người
nghèo khổ hơn chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội