CHÚA NHẬT 31 QUANH NĂM, C
(Lu-ca
19:1-10)
Biến
cố kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là một dụ ngôn nữa, nhưng là
một câu truyện có thực xảy ra tại thành phố Giê-ri-khô trên đường Chúa Giê-su
đi lên Giê-ru-sa-lem. Ông Da-kêu,
trưởng ban thu thuế và là người giàu có, đã nhìn nhận thân phận tội lỗi của
mình trước mặt Đấng Cứu Thế, quyết tâm thay đổi để sống cuộc sống mới, nên ông
đã được Chúa Giê-su xác nhận: “Hôm nay,
ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” Nhân vật
độc đáo này đã có những nét rất thực của con người, từ vóc dáng cho tới cung
cách, diễn tả tiến trình trở về của một người bị coi là tội lỗi.
a) Đi tìm
gặp Đấng cứu độ
Tin
Mừng Lu-ca giới thiệu một con người với đầy đủ chi tiết về thân thế sự nghiệp
đến tìm gặp Đấng Cứu Thế. Người ấy có tên
là Da-kêu, “đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”, chứ không phải
vô danh như “người làm nghề thu thuế” trong dụ ngôn bài Tin Mừng Chúa Nhật
trước. Một kẻ vị vọng như vậy chắc chắn
mọi người trong thành phố Giê-ri-khô đều biết cả. Họ còn biết rõ việc làm ăn không đàng hoàng của ông. Nhưng vì tế nhị và kính trọng nên thánh
Lu-ca tránh không muốn nhắc tới điểm này, mà lại nêu lên đặc điểm về hình dáng
lùn tịt của ông Da-kêu. Thánh sử
viết: “Ông ta tìm cách để xem cho biết
Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại
lùn.” Viết như thế, có lẽ thánh sử muốn
ta hiểu cả hai nghĩa đen và bóng. Ông
Da-kêu muốn “xem” cho biết Chúa Giê-su là ai, nhưng ông gặp trở ngại từ bên
ngoài là vì dân chúng quá đông, và từ chính ông vì kích thước quá thấp bé của
mình. Những trở ngại ấy cũng ám chỉ
nhữmg trở ngại vô hình do thái độ của những người chung quanh hoặc do những
biến động tâm lý trong ta. Những cái
“nhưng không được” trong hành trình tìm Chúa bao giờ ta cũng thấy, và dường như
phải luôn luôn có thì điều ta tìm thấy mới có giá trị. Nhưng lời mời gọi của Chúa “Đến mà xem” thúc
giục ta thắng vượt những trở ngại ấy để “đến và ở lại” với Người (Ga 1:39).
Điểm
nổi bật mà thánh Lu-ca muốn nói lên nơi con người Da-kêu là ông quyết tâm thắng
vượt trở ngại. Trước khi được gặp Chúa,
ông cố gắng thắng trở ngại “dân chúng thì đông” bằng cách chạy tới phía trước
để đón đường Chúa. Rồi ông thắng trở ngại
“lùn” của ông qua sáng kiến “leo lên một cây sung.” Đối với những trở ngại tâm lý, ông cũng phải can đảm vượt
thắng. Trước hết, những lời xầm xì của
dân chúng khinh bỉ ông là “người tội lỗi” không thể làm ông chấm dứt cuộc gặp
gỡ với Chúa. Tiếp đến, ông chiến thắng
lòng tham của mình để sẵn sàng đền bù những lỗi phạm về công bằng ông đã gây ra
trước đây. Chiến thắng của ông Da-kêu
được biểu tượng qua tư thế đáng khâm phục của ông. Thánh Lu-ca diễn tả tư thế ấy như sau: “Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa.” Ông đứng một cách hiên ngang, giống
hệt như tư thế của tác giả Thánh Vịnh thách thức quân thù: “Chúa là nguồn ánh
sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27:1).
b) Đấng cứu
độ đến tìm gặp ta
Câu
truyện không chỉ đặt trọng tâm vào ông Da-kêu, nhưng cũng vào Chúa nữa. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su có
thể đi thẳng, không cần ghé Giê-ri-khô.
Và nếu có ghé Giê-ri-khô, thì Chúa có thể dừng chân ở địa điểm nào đó để
dân chúng đến gặp Người cũng đủ rồi.
Nhưng Chúa “đi ngang qua thành phố ấy”, nghĩa là Người đến trung tâm
thành phố, vì đấy là nơi ở của những người giàu có và làm việc cho chính phủ,
nhất là ở đấy có ông Da-kêu. Chúa cần
phải ra đi để tìm kiếm con chiên lạc.
Người đến không chỉ để làm thỏa mãn ước muốn của ông Gia-kêu là “xem cho
biết Đức Giê-su là ai.” Nhưng Người đến
gặp ông để ông “biết” Người – động từ diễn tả một mối quan hệ mật thiết – không
chỉ như một nhân vật nổi tiếng thu hút quần chúng, nhưng như một người bạn muốn
xây dựng tình bạn thân thiết với cá nhân ông.
Người phải đến để phục hồi cho ông nhân phẩm và sự kính trọng ông đã
đánh mất. Dân chúng hạ ông xuống tận
đất đen thì Chúa Giê-su lại nâng ông lên cao hơn cả cây sung mà ông đã leo lên. Người nói với ông trước mặt dân chúng: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Tại sao Chúa Giê-su lại phải ở lại
nhà ông Da-kêu, điều này khiến ta liên tưởng đến lời nói của người cha trong dụ
ngôn đứa con hoang đàng: “Chúng ta phải
ăn mừng và hoan hỷ” (Lc 15:32). Cả hai
trường hợp đều ngụ ý nói lên giá trị đích thực của một người “đã chết nay lại
sống, đã mất nay lại tìm thấy.”
Ông
Da-kêu đã can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su trước đám dân chúng, thì Chúa
Giê-su cũng can đảm bênh vực và phục hồi nhân phẩm cho ông trước mặt mọi
người. Với tính cách là Đấng Cứu Thế,
Chúa Giê-su khẳng định tựa như một quan tòa công chính: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi
người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.”
c) Gặp gỡ
Chúa sẽ biến đổi con người của ta
Sự
biến đổi nơi con người ông Da-kêu xảy ra qua một cuộc gặp gỡ. Ông đã thành một con người mới. Trước lòng quảng đại của Chúa khi Người cho
là một vinh dự được đến nhà ông, ông cũng lấy lòng quảng đại để đáp lại lòng
quảng đại của Chúa. Khi sẵn sàng cho
người nghèo phân nửa tài sản và đền bù gấp bốn lần cho những người ông đã cưỡng
đoạt, ông đã lấy hành động để nói cho mọi người biết rằng ông thực thi lời Chúa
dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như
Thầy yêu mến anh em.
Chúa
Giê-su đã xác nhận cho sự biến đổi ấy.
Từ một kẻ tội lỗi, ông được Chúa cho trở nên công chính. Từ một kẻ bị coi là theo gót ngoại bang, ông
được Chúa khẳng định ông là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Cuối cùng, tuy thánh Lu-ca không nói đến,
nhưng ta tin chắc rằng từ nay ông Da-kêu là một người môn đệ của Chúa Giê-su,
làm chứng cho lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, như chủ đề của Tin Mừng
Lu-ca vẫn thường trình bày, đồng thời cũng làm chứng cho sứ mệnh cứu thế của
Chúa Giê-su, “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
d) Suy nghĩ
và cầu nguyện
Tôi
đến với Chúa Giê-su “để xem cho biết Người là ai” hay là để làm môn đệ
Người? Nhìn lại cuộc sống của tôi và
mối liên hệ với Chúa, tôi có thực sự tìm gặp Chúa không? Tại sao tôi phải đến tìm gặp Chúa?
Hôm
nay tôi phải ở lại nhà ông. Lời nói ấy
của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì đối với tôi?
Tôi có mời Chúa ở lại nhà tâm hồn tôi không? Nếu tôi ngại ngùng thì tại sao?
Sự
hiện diện và tình thương đã biến đổi con người ông Da-kêu. Tôi để cho tình yêu của Chúa biến cải tôi
như thế nào?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
xin
cho con biết con,
xin
cho con biết Chúa.
Xin
cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên
đi chính bản thân,
yêu
mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin
cho con biết tự hạ,
biết
tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước
gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước
gì con biết nhận từ Chúa
tất
cả những gì xảy đến cho con
và
biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin
đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin
Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin
Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và
để con hưởng nhan Chúa đời đời. A-men.
-
Thánh Augustinô
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 5)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi.