SUY NIỆM CHÚA NHẬT
XXXII - 2001
Người
Sađốc không tin có sự sống lại, và họ tìm được một vấn đề mà theo họ không có
lời giải đáp nếu có sự sống lại. Đức Giêsu tuy có câu trả lời cho thắc mắc của
họ, nhưng Ngài không dựa vào đó để khẳng định có sự sống lại. Ngài đưa người ta
trở về với niềm tin của Abraham, của Isaac, của Giacob, đúng hơn là đưa mọi
người về với niềm tin truyền thống. Trong niềm tin ấy, dân Israel đã khẳng định
Abraham,Isaac,Giacob tổ phụ của họ vẫn hiện diện trong dân tộc họ, không phải
chỉ như những kỷ niệm không bao giờ quên, nhưng với tất cả uy quyền của sự sống
trong Thiên Chúa, vẫn đang chở che và cầu phúc cho con cháu qua muôn thế hệ.
Cách giải đáp của Chúa Giêsu cho vấn đề có sự sống lại, là vì theo mạc khải
Thiên Chúa được Môsê kêu cầu là "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của
Giacob", và theo Đức Giêsu thì diều gì gắn liền với Thiên Chúa thì cũng
mang sự sống vĩnh hằng của Người.
Thánh
Phaolô cũng khẳng định như thế khi trình bày với dân Thessalonica : "Thiên
Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã lấy lòng nhân hậu mà ban
cho chúng ta niềm phấn khởi bất diệt...".
Chính
niềm tin truyền thống ấy đã làm nẩy sinh những chứng từ Tử Đạo ngay từ thời Cựu
Ước như sách Macabêô đã thuật lại : mọi người Tử Đạo tin mình sẽ nhận lại sự
sống từ tay Thiên Chúa, nếu họ trung tín liều chết để giữ trọn giao ước của
Người.
Chính
vì sự sống lại gắn liền với giao ước của Thiên Chúa, nên niềm tin này cũng đã
tiến triển theo lịch sử giao ước. Đây là một khía cạnh cần phải được suy niệm
nhiều hơn trong thời đại chúng ta, thời đại mà cá nhân chủ nghĩa đang làm băng
hoại mọi giao ước, và do đó cũng làm băng hoại chính Giao Ước của Thiên Chúa.
Công
đồng Vaticanô II trong hiến chế tín lý về Hội Thánh cũng đã long trọng nhắc lại
niềm tin này trong khẳng định "Thiên Chúa không muốn cứu độ con người từng
cá nhân riêng lẻ, nhưng kêu gọi họ làm thành một Dân Tộc." Trong cách nhìn
ấy, mọi lề luật của Thiên Chúa không phải là những thứ để cưỡng chế hay làm mất
tự do của con người, nhưng đó là những cam kết để đi vào Giao Ước yêu thương,
nơi mà sự tự do đạt tới mức phong phú tột đỉnh, vì là tự do phục vụ cho sự
sống.
Nhưng
thánh Phaolô nói "không phải ai cũng có đức tin" như vậy !
Con
người ngày nay thường có suy nghĩ rằng sự sống là lợi ích của cá nhân, và định
luật cạnh tranh sinh tồn dường như là điều tất yếu của lịch sử. Thế nhưng thực
tế lịch sử nhân loại cho thấy cách suy nghĩ ấy chỉ đem lại hết thảm họa này tới
thảm họa kia. Người ta bảo rằng cái chiến tranh khủng bố có nguyên ủy từ lối
sống vị kỷ của những giới lãnh đạo...muốn đẩy những dân tộc nghèo mạt vào đường
cùng. Nhưng chính khủng bố cũng là một thái độ bảo vệ ích kỷ không kém. Chỉ có
lối nhìn của Lời Chúa mới giúp nhân loại thoát ra khỏi cái ngõ cụt của mọi suy
nghĩ và hành động tự sát này. Sự sống vốn là hồng ân gắn liền với Giao Ước,
người ta phải xây dựng Giao Ước này trong những giao ước gia đình, bộ tộc, quốc
gia và quốc tế, để cho gia đình, bộ tộc, quốc gia và nhân loại mãi mãi là lời
tiên báo của sự sống và sự sống lại.
Rõ
ràng, có một sự khác biệt rất lớn, sự khác biệt giữa cuộc sống tại thế và cuộc
sống đời sau như Đức Giêsu đã cho thấy trong cái giây hôn nhân. Tuy nhiên có
một sự thống nhất nội tại giữa hai cuộc sống ấy : chính là cùng thuộc về Thiên
Chúa hằng sống. Chối bỏ điều thống nhất nội tại này là nguyên nhân đưa đến cái
chết của mình hay gây nên cái chết cho người khác.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên