Chúa Nhật 32 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         2 Thê-xa-lô-ni-ca 2:16 - 3:5

          Bài đọc hôm nay nằm trong phần tạ ơn thứ hai (2:13-3:16). Thánh Phao-lô cảm tạ Chúa đã tuyển chọn anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca "như quả đầu mùa, để được cứu độ nhờ Thần Khí thánh hóa và nhờ lòng tin vào chân lý" (2:13). Để kết thúc phần tạ ơn này, thánh Phao-lô hứa cầu nguyện cho họ (2:16-17) và cũng xin họ cầu nguyện cho mình (3:1-5). Như thế chúng ta thấy rõ ràng khi chọn đoạn thư này, Phụng vụ Lời Chúa muốn trình bày chủ đề về việc cầu nguyện cho nhau, như thánh Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và ngược lại.

          Nhưng tại sao lại cầu nguyện cho nhau? Nếu trở lại với chủ đề Chúa Nhật 31, chúng ta sẽ hiểu được lý do. Trong đoạn trước, thánh Phao-lô nói đến việc Chúa Ki-tô chắc chắn sẽ trở lại trong vinh quang để xét xử trần gian. Nhưng trước khi Người đến, sẽ là thời gian tên phản-Ki-tô tung hoành và xảy ra hiện tượng chối đạo quy mô. Do đó, đây chính là thời gian nguy hiểm cho số phận của mọi Ki-tô hữu, liệu họ có trung thành, "đứng vững và nắm giữ" (2:15) những giáo lý họ đã được dạy dỗ không. Đấy chính là mối ưu tư của vị tông đồ Dân ngoại và cũng là động lực để mọi người cần phải cầu nguyện cho nhau.

          Theo mạch văn của Thư, đoạn thư hôm nay được dùng để chuyển ý từ việc trình bày về Ngày của Chúa (2:1-12) sang việc nhắn nhủ những người sống buông thả, không chịu làm việc, cần phải tu chỉnh lại và sống kỷ luật (3:6-16). Dù chỉ là một chuyển ý, nhưng ý nghĩa của việc cầu nguyện cho nhau lại hết sức quan trọng đối với cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta. Nó cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh. Trước hết là khía cạnh thông hiệp của mọi phần tử trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Rất nhiều lần chúng ta được người khác xin chúng ta cầu nguyện cho họ, hoặc ngược lại, chúng ta xin họ nhớ đến chúng ta trong kinh nguyện. Nhưng có lẽ đó chỉ là những lời lẽ nói ra hay viết xuống theo thói quen, hoặc vì chúng ta hay họ đang gặp một khó khăn nào đó cần lời cầu nguyện, chứ không phải để nói lên tính cách liên đới của anh chị em con cùng một Cha trên trời. Chính tinh thần liên đới ấy đã được nói lên trong lời nguyện của thánh Phao-lô: "Xin Đức Giê-su Ki-tô và xin Thiên Chúa... an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành" (2:16); hoặc: "Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô" (3:5). Đọc kỹ lại những gì thánh Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, chúng ta mới nhận ra được những nhu cầu đích thực và thiết yếu nhất của đời Ki-tô hữu. Không phải chỉ lúc nào cũng "xin cầu nguyện cho tôi được chóng khỏi bệnh, kiếm được việc làm, được đoàn tụ gia đình...", nhưng là "xin cầu nguyện cho tôi biết làm Ki-tô hữu đích thực, biết sống như con cái Thiên Chúa và anh chị em của Đức Ki-tô." Nếu mọi người đều biết cầu nguyện cho nhau và giúp nhau sống như những Ki-tô hữu đích thực, thì mối thông hiệp đã được thể hiện một cách trọn vẹn rồi.

          Một khía cạnh nữa là việc thánh Phao-lô xin tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ngài. Có lẽ chúng ta sẽ lấy làm lạ về việc này. Một người như Phao-lô mà lại khiêm tốn và thành khẩn xin tín hữu của mình cầu nguyện cho mình! Chúng ta tưởng Phao-lô là thần thánh hay sao? Không phải vậy đâu. Nhiều lần Phao-lô thú nhận mình cũng là con người yếu đuối, đã nhờ ơn Chúa mà chiến đấu và hoàn tất cuộc chạy đua của mình. Dù ở vai trò lãnh đạo, dạy dỗ tín hữu, nhưng Phao-lô lại cần lời cầu nguyện của người khác hơn ai hết (Ep 6:19-20). Việc tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cầu nguyện cho Phao-lô và những cộng sự viên của ngài sẽ nói lên mối quan hệ mật thiết giữa chủ chăn với đoàn chiên, điều mà nhiều anh chị em tín hữu quên sót hoặc chưa ý thức đủ.

          Phao-lô cầu nguyện cho nhu cầu thiết yếu của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Ngược lại, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cầu nguyện cho Phao-lô trong sứ vụ của ngài. Cả hai bên gặp nhau trong môi trường cầu nguyện, bởi vì trong cầu nguyện cũng có nghĩa là "trong Chúa" (3:4). Cả hai bên tạo nên một sự hài hòa và tương trợ nhau, trong khi cùng nhắm một mục đích và cùng trên hành trình tiến về Ngày của Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Cầu nguyện cho nhau vẫn bị coi là một đề tài cũ rích, "biết rồi khổ lắm nói mãi." Nhưng qua đoạn thư của thánh Phao-lô hôm nay, tôi đã học được những điều gì mới mẻ? Tôi có thể chia sẻ với nhóm không?

          Lời nguyện giáo dân trong Thánh lễ là một hình thức cụ thể nhất diễn tả ý nghĩa việc cầu nguyện cho nhau. Vậy tôi có thực sự chú tâm và thực sự tham gia vào việc cầu nguyện ấy không? Hay chỉ biết làm theo thói quen chờ cho hết câu xướng để thưa thật to "Xin Chúa nhậm lời chúng con" mà không biết là mình và cộng đoàn vừa cầu xin điều gì?

          Đoạn thư của thánh Phao-lô hôm nay giúp tôi nhận ra lý tưởng sống của Ki-tô hữu như thế nào?

          Tôi sẽ làm gì để tập cầu nguyện cho nhau? Cho Giáo Hội? Cho các linh mục? Cho anh chị em trong cộng đoàn, giáo xứ?...

Cầu nguyện kết thúc

          Trong cầu nguyện bộc phát, mọi người cầu nguyện cho nhau. Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Đâu có tình yêu thương..." (CNLT 58) hoặc "Bài ca hiệp nhất" (CNLT 178).

Lm. Đa Minh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà