SUY NIỆM CHÚA NHẬT
XXXIII - 2001
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Vào
thời của các Thánh Tử Đạo cha ông mình, mọi người, kể cả các vua quan đều có
một nhận định chung : các Thánh có một lối sống làm cho nhiều người bị lôi
cuốn, và tố giác những tham vọng ích kỷ của xã hội. Các Thánh bằng sự liên đới
và chia sẻ, trở nên người anh em chân thật của những con người bé nhỏ và đầy
khổ đau. Cái chết của các Ngài là chứng từ của Tình Yêu, sự hiến tặng triệt để
hầu tha thứ và thiết lập trật tự bình an. Biết bao đấng Thánh đã có một tình
bạn keo sơn với ngay cả quan lại đã kết án tử cho các ngài. Các Ngài đi tới cái
chết không oán thù, không đấu tranh, và dùng giòng máu thắm nhuần thấm trái tim
con người, để họ yêu thương và nâng đỡ những số phận ngheò khổ lam lũ.
Cũng
như chính Đức Kitô đứng trước số phận của dân tộc bị nô thuộc, trước một xã hội
đầy mâu thuẫn và chia rẽ, trước những ngọn sóng hận thù đấu tranh...Ngài để
"Thần Linh của Cha nói" và "làm" trong Ngài. Thần Linh của
yêu thương, của tha thứ, của hiệp nhất. Đức Giêsu không coi những sức mạnh
cưỡng bức từ bên ngoài là quan trọng, nhưng chính những tham vọng bất
chính trong lòng con người mới là nguyên nhân của mọi khốn cùng. Nói theo
thánh Phaolô tất cả mọi tham vọng theo lẽ khôn ngoan của loài người đã bị đóng
đanh vào thập giá của Đức Kitô, và những tham vọng ấy của mỗi thế hệ lại được
đóng đinh vào những khổ hình, những cái chết của các Thánh Tử Đạo của nó. Đối
với mọi người, mọi nơi, mọi thế hệ, thì Thập Giá và các Tử Đạo đều là sự điên
rồ, là cớ vấp phạm, nhưng với những người tin thì đó là quyền năng và sự khôn
ngoan của Thiên Chúa.
Có
một điều cần phải được đón nhận một cách đặc biệt trong Thập Giá của Đức Giêsu,
cũng như trong những cái chết của các Thánh Tử Đạo, điều mà Chúa Giêsu long
trọng tuyên bố trong đêm Ngài bị nộp : "vì chúng, Con xin hiến
thánh mình con". Biết bao chứng nhân cũng đã nộp mình chịu khổ hình thay
thế cho anh chị em mình. Chân lý này được Giáo Hội qua muôn thế hệ ngày đêm
khắc ghi và công bố, khi Giáo Hội cử hành Hiến Tế của Đức Kitô mà Giáo
Hội tuyên xưng là nguồn mạch làm ra Hội Thánh. Thánh Phaolô cũng đã từng tuyên
tín " Đức Kitô đã chịu nộp và chịu chết vì tôi". Chính là "TÌNH
YÊU" ấy đã đốt cháy và thiêu rụi mọi tham vọng bất chính để mở ra một
vương quốc trong đó mọi con người đều nhận lại được địa vị xứng đáng của mình.
Lối sống ấy thực sự "được toàn dân thương mến" như sách công vụ tông
đồ đã viết. Lối sống mà tuy đông "mà chỉ có một lòng một ý". Giáo Hội
Việt Nam được sinh ra trong giòng máu các Thánh Tử Đạo cũng luôn muốn chiếu
giãi Tình Yêu phục vụ ấy của các Thánh Cha Ông mình trong mọi hành trình. Có
thể có một hoàn cảnh lịch sử nào đó người ta quá nhấn mạnh quan điểm và
hành động của một số nhân vật trong Giáo Hội để phủ nhận điều mà Giáo Hội
Việt Nam đã kiên trì trong đại đa số những chứng nhân âm thầm của mình để
khẳng định chân lý "Hiến Tế Tình Yêu". Sự lớn lên của Giáo Hội ở mọi
nơi và mọi thời không phải là công trạng của những thế lực trần thế, mà hoàn
toàn chỉ là nhờ sự hiện diện giòng máu Tử Đạo trong Hiến Tế Tình Yêu mỗi ngày.
Những công trình đồ sộ dù có tính nghệ thuật tuyệt hảo trong mọi địa hạt cũng
không giúp ích gì cho một giáo hội mà ngọn lửa "Hiến Tế Tình Yêu" đã
tắt lịm.
Chính
trong ý thức và niềm tin ấy, người Kitô Hữu luôn luôn được Giáo Hội mời gọi
hãy làm sáng lên, hãy tìm kiếm những Chứng Nhân trong thời đại của mình.
Trong tâm tình ấy, nhân ngày tôn vinh "Các Thánh Tử Đạo Việt Nam",
chúng ta cùng với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cũng phải tha thiết nài xin
Chúa nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh Cha Ông ban cho thời đại chúng ta đang
sông nhiều chứng nhân anh dũng dám khẳng định như thánh Phaolô "Đức
Kitô không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng : không phải bằng sự
khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo Thập Giá của Đức Kitô bị ra hư không".
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên