Chúa Nhật 33 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh:         2 Thê-xa-lô-ni-ca 3: 7-12

          Khi nói đến phải làm gì trong Ngày của Chúa hoặc biến cố Chúa Ki-tô sẽ trở lại trong ngày phán xét chung, rất nhiều người có thái độ tiêu cực. Hoặc người ta bối rối lo lắng muốn biết đích xác khi nào ngày ấy xảy ra. Hoặc người ta phản ứng qua lối sống của mình: nếu ngày ấy còn xa thì mình cứ việc vui chơi cho thỏa, lo gì; còn nếu ngày ấy sắp đến thì hãy mau sống nốt những ngày còn lại, cần gì phải làm việc, nhưng hãy sống buông thả. Đó cũng là mối quan tâm của thánh Phao-lô và Giáo Hội mọi thời. Trích dẫn thư 2 Tx cho Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật trước, Giáo Hội nhắc nhở mọi người phải cầu nguyện cho nhau để sống xứng đáng, chuẩn bị cho ngày đó. Bài đọc hôm nay đề cập tới thái độ tiêu cực của một số anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, nhưng cũng là của nhiều người ngày nay, đó là lối sống buông thả phóng túng.

          Chúng ta không rõ vì lý do nào, một số tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca lại chọn lựa lối sống vô kỷ luật, như thánh Phao-lô diễn tả là họ "chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào" (3:11). Vậy lối sống vô kỷ luật và không chịu làm việc tất nhiên đưa tới việc ăn bám vào kẻ khác (3:10) và ăn không ngồi rồi thì hay làm điều xằng bậy (nhàn cư vi bất thiện). Tuy không rõ lý do, nhưng có thể một số người nghĩ rằng Ngày của Chúa gần kề nên họ không cần làm việc nữa.

          Để đối phó với tệ nạn sống vô kỷ luật này, thánh Phao-lô muốn nêu lên tấm gương của bản thân ngài và xin tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy noi theo. Đã nhiều lần thánh Phao-lô làm như vậy (xem Pl 3:17; 4:9; 1 Cr 4:16; 11:1; 1 Tx 1:6). Khi sống tại Thê-xa-lô-ni-ca, ngài đã làm việc ngày đêm để đủ tiền sinh sống và không trở thành gánh nặng cho cộng đoàn. Ngài tự mình kiếm sống và không ăn bám vào ai. Lối sống ấy thật ý nghĩa và phù hợp với việc trông chờ Chúa lại đến. Chính ngài đã hy vọng ngày cánh chung sẽ xảy ra sớm, có lẽ đang lúc ngài còn sống (1 Tx 4:15), cho nên niềm hy vọng đó trở thành động lực thúc đẩy ngài làm việc và hăng say rao giảng Tin Mừng. Lối sống của ngài trở nên mẫu gương cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

          Chúng ta đang sống trong thời gian chuyển tiếp, giữa biến cố Chúa Ki-tô Phục Sinh và ngày Quang lâm của Người. Vậy đâu là thái độ chính đáng thánh Phao-lô dạy cho chúng ta? Vì Chúa Ki-tô đã sống lại, là "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại," nên thánh Phao-lô biết rằng ngày Quang lâm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ngay cả lúc ngài còn đang sống. Do đó, lẽ sống của ngài là sống trong niềm hy vọng cùng được sống lại với Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, hy vọng không có nghĩa là ngồi đấy mà chờ, mà "buông xuôi" vì đời không còn nghĩa lý gì nữa, nhưng là hăng say làm việc vì đời chóng qua như gió thổi mây bay. Đức Ki-tô đâu có ngồi đấy chờ đợi giờ bị treo lên thập giá! Ngài lợi dụng mọi thì giờ để quân bình hóa cuộc sống của Người: có thì giờ để rao giảng, có thì giờ để chữa lành, có thì giờ để dạy dỗ huấn luyện môn đệ, và cũng có thì giờ để chìm đắm trong cầu nguyện và kết hiệp với Chúa Cha. Chính Người đã nhắn nhủ môn đệ: "Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được" (Ga 9:4). Tiếp theo, Người nói về chính mình: "Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian" (9:5). Vậy thánh Phao-lô cũng theo gương Thầy, hăng hái làm việc và khuyên nhủ anh chị em tín hữu hãy làm việc. "Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô" (1 Cr 11:1).

          Với ba bài đọc liên tục trích dẫn thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca, có lẽ chúng ta đã nhận ra chủ ý của Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm điều gì trong những Chúa Nhật cuối cùng (31-33) của Năm Phụng vụ. Đề tài suy niệm là về Ngày của Chúa. Muốn suy niệm cách sâu xa và hữu hiệu hơn, chúng ta nên đọc lại tất cả Thư 2 Tx để nắm vững sứ điệp về ngày cánh chung. Cũng có thể tóm tắt sứ điệp ấy như sau: Mặc dù không biết khi nào Chúa Ki-tô sẽ quang lâm, nhưng chúng ta tin tưởng rằng Người sẽ trở lại trong thời giờ của Thiên Chúa và trong cách thức của Thiên Chúa. Khi Người đến cũng là khi sự cứu rỗi Thiên Chúa hứa ban được thể hiện đầy đủ và vững bền. Kết luận thực hành là đang khi chờ đợi Ngày của Chúa, chúng ta hãy sống và làm việc, với niềm hy vọng chắc chắn và với thái độ tích cực cũng như lạc quan.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Từ trước tới nay tôi đã coi những năm tháng sống trên trần gian này theo những cái nhìn nào? Những cái nhìn ấy đã ảnh hưởng lối sống của tôi như thế nào?

          Có khi nào tôi là kẻ ăn bám vào người khác không? Suy nghĩ về lối ăn bám của tôi.

          Thánh Phao-lô coi mối nguy hiểm cho đời sống cộng đoàn là những người "chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào" và những người không chịu "ở yên mà làm việc." Nếu tôi không thuộc hạng người ấy, thì tôi phản ứng thế nào trước lối sống của họ? Nếu tôi thuộc hạng người chẳng chịu làm gì, nhưng chỉ thích phê bình, chỉ trích và quậy phá, thì tôi phải làm gì để sửa đổi?

          Mẫu gương làm việc của Chúa Giê-su và của thánh Phao-lô dạy tôi những bài học thiết thực nào?

Cầu nguyện kết thúc    

Sau cầu nguyện bộc phát, cùng hát một bài thích hợp, hoặc đọc kinh sau đây:

          Lạy Chúa Giê-su, con thường thấy mình không có thì giờ, nhưng đồng thời cũng thấy mình lãng phí bao thời gian quý báu. Nhiều khi con tự hỏi mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỡi ngày.

          Xin cho con biết quý trọng từng giây phút đang trôi qua mà con không sao giữ lại được. Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian, để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa. Xin cho con luôn làm việc như Chúa: hặng say, tận tụy và vui tươi, vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.

          Vì quá khứ thì đã qua, và tương lai thì chưa đến, nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại. Xin cho con thấy Chúa lúc này đang ở đây bên con, và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài bằng những hành động cụ thể.

          Con xin hiến dâng Chúa giây phút này như một hy lễ, với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố. Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa. A-men. (Trích RABBOUNI, lời nguyện 107)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà