CHÚA NHẬT 33 QUANH NĂM
(Lu-ca 21: 5-19)
Các
bài Tin Mừng của các Chúa Nhật quanh năm từ sau mùa Phục Sinh cho đến hết năm
Phụng vụ đều nhắm khai triển chủ đề làm môn đệ Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay đưa ta tới kết luận thực hành trước khi ta
tôn vinh Chúa Giê-su là Vua vũ trụ. Bài
giảng của Chúa Giê-su về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem mô tả hoàn cảnh thế
giới tại đó ta sẽ phải sống như người môn đệ Chúa, tức là trung thành theo
Người và làm chứng cho Người, dù phải chịu bách hại hay bị giết.
a) Giê-ru-sa-lem
là hình ảnh ám chỉ một thế giới đầy biến động, nơi Ki-tô hữu phải làm chứng cho
Chúa
Trong
mỗi sách Tin Mừng Nhất lãm đều có bài giảng của Chúa Giê-su về biến cố ngày thế
mạt, nhất là những gì sẽ xảy đến cho thành thánh Giê-ru-sa-lem và Đền thờ. Nhưng thánh Lu-ca sử dụng những tài liệu của
bài giảng để trình bày tư tưởng thần học của ngài. Qua sách Tin Mừng Lu-ca và đặc biệt trong bài giảng này, ta thấy
thánh sử nhấn mạnh đến sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem sắp xảy tới. Tuy nhiên vì sách Tin Mừng Lu-ca được viết
sau khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, nên sự kiện Giê-ru-sa-lem sụp đổ không có nghĩa
là ngày thế mạt đã tới, nhưng là dấu chỉ nói lên tình trạng của một thế giới
đầy khó khăn đối với người môn đệ muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô.
Qua
lời giảng của Chúa, ta có thể hình dung ra một thế giới đầy biến động bất lợi
và nguy hiểm cho việc sống đời Ki-tô hữu và làm môn đệ Chúa. Chúa Giê-su nêu lên một số những biến động
ấy. Trước hết là “có nhiều người mạo
danh Chúa” đến làm cho ta hiểu lầm đó chính là Chúa. Tin Mừng Lu-ca đã ghi lại lời cảnh cáo này của Chúa. “Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo” (Lc
17:23). Kinh nghiệm cho ta thấy có
nhiều “ông đạo” hoặc “bà đạo” đã thu hút được không biết bao nhiêu người
theo. Người ta còn vui mừng cùng chết
với họ trong những cuộc tự sát tập thể, thí dụ như sự kiện “Thiên môn”
(Heavenly Gate) cách đây không lâu tại nam California, Hoa-kỳ. Nếu ta nhẹ dạ và không có mối quan hệ mật
thiết với Chúa Giê-su, ta sẽ dễ dàng bị lôi cuốn theo những Ki-tô giả ấy. Tiếp đến là những hỗn loạn của thế giới như
chiến tranh, thiên tai, đói kém, những hiện tượng kinh khủng và những điềm lạ
tinh tú. Những hỗn loạn này thường bị
hiểu lầm là dấu chỉ cho thấy sắp đến ngày tận thế. Ta có thể thấy được phản ứng hãi sợ của bao nhiêu người: họ tích trữ gạo, nước, đèn cầy... vì sắp sửa
có hiện tượng trời tối đen ba ngày ba đêm!
Chỉ lợi cho hãng lọc nước và làm đèn cầy thôi!
Tóm
lại, tất cả những gì đã xảy ra hoặc đang xảy ra mà Chúa Giê-su nêu lên chỉ cốt
nói lên một thực tế Ki-tô hữu phải sẵn sàng đối phó, nghĩa là sống giữa thế
giới này, họ sẽ bị bách hại vì danh Chúa và “đó là cơ hội để anh em làm chứng
cho Thầy.”
b) Làm
chứng cho Chúa
Làm
môn đệ Chúa nghĩa là “bước theo sau Người”, đi vào lốt chân của Người. Trên đường Em-mau, Chúa Giê-su đã cho môn đệ
thấy rõ con đường Người đã đi qua: “Nào
Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang
của Người sao?” (Lc 24:26). Bách hại là
điều dĩ nhiên xảy tới cho người môn đệ.
“Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ
không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga
17:14). Chúa Giê-su đã làm chứng cho
tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại, đến nỗi Người sẵn sàng chấp nhận
cái chết nhục nhã trên thập giá. Sau
khi sống lại, Chúa Giê-su đã trao phó sứ mệnh làm chứng cho các Tông đồ, ông
Tê-pha-nô, ông Phao-lô, sai các ông đi công bố Người đã sống lại và là Chúa. Từ ngữ “làm chứng” của Hy-ngữ có nghĩa là
“tử đạo”. Tuy đó là chức năng thuần túy
của các ngài, nhưng mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi tham dự vào việc “tử đạo” ấy
khi họ can đảm sống đức tin vào Chúa Ki-tô và sẵn sàng chấp nhận những thiệt
thòi vì lòng tin.
Hoàn
cảnh xã hội mọi thời mọi nơi đều trở thành “cơ hội” cho Ki-tô hữu biểu lộ đức
tin Công giáo của mình qua lời nói và hành động cũng như trong những giao tiếp
ở bất cứ cảnh huống nào. Từ trong gia
đình cho tới cộng đồng xã hội, Ki-tô hữu đều sẵn sàng “tử đạo”, không hẳn lúc
nào cũng phải là cảnh đòn vọt, máu chảy đầu rơi, nhưng là phải chấp nhận những
kỳ thị, đố kỵ, thiệt hại quyền lợi và thù ghét do những kẻ không muốn cùng đi
con đường Ki-tô của họ.
Cảm
nhận được khó khăn của việc làm chứng, Chúa Giê-su mời gọi ta hãy hoàn toàn đặt
tin tưởng vào Người, vì chính Người sẽ đích thân dạy dỗ ta cách đối phó với kẻ
thù và chính Người sẽ bênh vực ta để “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không
bị mất đâu”, hoặc nói nôm na, không ai dám đụng tới cái lông chân của ta được!
c) “Có kiên
trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”
Giữ
được mạng sống nghĩa là được cứu rỗi, được vinh quang với Chúa Ki-tô, sau khi
đã vượt qua được mọi thử thách. Với tất
cả kinh nghiệm cá nhân, Chúa Giê-su khuyên ta một lời cuối, nhưng cũng là lời
quan trọng nhất đối với ta, đó là phải kiên trì. Ta cứ tưởng tượng ra cảnh Chúa Giê-su phải đối phó với mọi kẻ thù
chung quanh Người. Ma quỷ đã luôn “chờ
đợi thời cơ” (Lc 4:13) để tiếp tục cuộc cám dỗ Người. Người phải chấp nhận những tham vọng và yếu đuối của nhóm Tông
đồ, đụng độ với những bắt bẻ rình rập của đám thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư,
nhân từ đối với những đòi hỏi vô lý của đám dân chúng... Với Chúa Giê-su, kiên trì có nghĩa là trung
thành với sứ mệnh Chúa Cha trao phó, là trân trọng thánh ý Chúa Cha và yêu mến
nhân loại cho đến nỗi thí mạng sống mình.
Khi
giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su đã đề cao đức kiên trì như
điều kiện cần thiết để lời Thiên Chúa sinh hoa trái vĩnh cửu: “Hạt giống rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao
thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc
8:15). Sau này, thánh Phao-lô cũng
thường nhắc tới đức kiên trì là đức tính cần thiết cho mọi Ki-tô hữu để cùng
được vinh hiển với Chúa Ki-tô. Vậy kiên
trì là thái độ cương quyết chống lại mọi nguy hiểm đang đe dọa lòng tin của ta
vào Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người.
Trong
hành trình làm môn đệ Chúa Giê-su, Giê-ru-sa-lem mang nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa ấy là nó biểu tượng
cho giai đoạn quyết liệt nhất của hành trình môn đệ, nói lên những thử thách
lớn lao cho người môn đệ muốn gắn bó với Thầy mình và giáo lý của Người. Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, sự
hiện diện của Chúa bên ta lại được nhấn mạnh qua lời hứa của Người để ta sẽ
“giữ được mạng sống” và hiển trị với Đấng là sự sống lại và là sự sống.
d) Suy nghĩ
và cầu nguyện
Tôi
đã gặp thấy những “Ki-tô giả” trong những hoàn cảnh nào? Tôi có bị ảnh hưởng gì do những mời mọc
quyến rũ của chúng không? Tôi đã làm gì
để không đi theo chúng?
Tôi
thử nhìn lại những cuộc “tử đạo” trong đời sống hằng ngày của tôi cho biết đó
là những loại tử đạo nào? Tôi đã chấp
nhận những cuộc “tử đạo” ấy như thế nào?
Chúa
Giê-su thường nói: “Vì danh Thầy, anh
em sẽ...” Vậy tôi có xác tín cuộc sống
Ki-tô hữu của tôi luôn luôn phải là “vì danh Chúa” không? Hay là vì danh những Ki-tô giả khác?
Có
bao giờ tôi thiếu “kiên trì”, muốn bỏ cuộc trước những thử thách của sứ mệnh
làm chứng cho Chúa Ki-tô và những giá trị Tin Mừng không? Tôi đã chỗi dậy thế nào để tiếp tục hành trình?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
con
chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phê-rô,
nhưng
nhiều khi con cảm thấy
sống
đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng
khác nào đi trên mặt nước.
Có
bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có
bao cám dỗ cuốn hút con vô vực sâu.
Cả
sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi
trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều
khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin
cứu con khi con hầu chìm.
Xin
nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin
nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để
con trở nên nhẹ tênh
mà
bước những bước dài hướng về Chúa.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 55)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi