Chúa Nhật
Thứ 34 Thường Niên
LỄ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA
VŨ TRỤ
(25-11-2001)
· 2
Sm 5, 1-3: (1) Toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và
thưa : (2) «(…) ĐỨC CHÚA đã phán với ngài : “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en,
dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en”». (3) (…) Rồi họ xức dầu tấn
phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.
· Cl
1, 12-20: (17) Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong
Người. (18) Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ; Người
là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để
trong mọi sự Người đứng hàng đầu. (…) (20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
· TIN
MỪNG: Lc 23, 35-43
Đức Giê-su bị nhục mạ
(Mat 27: 37-44; Mac 15: 26-32)
(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì
buông lời cười nhạo: «Hắn đã cứu được người khác, thì bây giờ hãy cứu lấy mình
đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!» (36)
Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống (37) và
nói: «Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!» (38) Phía trên đầu
Người, có bản án viết: «Đây là vua người Do-thái».
Người gian phi sám hối
(39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập
giá cũng nhục mạ Người: «Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi,
và cứu cả chúng tôi với!» (40) Nhưng tên kia mắng nó: «Mày đang chịu chung một
hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như
thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì
trái!» (42) Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: «Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi!» (43) Và Người nói với anh ta: «Tôi bảo thật anh, hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng».
Câu hỏi gợi ý:
1. Đức
Giê-su là Vua của vũ trụ. Nhưng là Vua theo nghĩa nào?
2. Ngài
là Vua của cả vũ trụ. Nhưng thử hỏi: Ngài đã đích thực là Vua của chính bản
thân bạn chưa? đã là Vua trong trái tim bạn chưa?
3. Miệng
bạn tuyên xưng về Đức Giê-su thế này thế kia, nhưng hành động và cách cư xử của
bạn đối với mọi người có tuyên xưng đúng như vậy không?
Suy tư gợi ý:
1. Đức
Giê-su là Vua, nhưng là vua theo nghĩa nào?
Trên trần gian này, có nhiều cách làm vua. Có
những vị vua hay tổng thống cai trị đất nước với quyền lực trong tay, ngồi trên
ngai vàng và ra lệnh, buộc các thần dân phải tuân phục. Có những vị vua không
ngai, không lãnh thổ, nhưng làm chủ một lãnh vực kinh tế nào đó trên thế giới.
Họ cũng được gọi là vua, như vua dầu lửa (Rockfeller), vua xe hơi (Ford), v.v…
Hôm nay, Giáo Hội suy tôn Đức Giê-su là Vua, không
phải chỉ của thế giới này, mà của toàn vũ trụ. Nhưng chúng ta cần phải xác định
xem Ngài là Vua theo nghĩa nào? Vì quả thật Ngài chưa bao giờ làm vua theo kiểu
các vua chúa ở trần gian, cũng chưa bao giờ làm chủ một lãnh vực kinh tế nào.
Ngài là Vua theo một nghĩa hoàn toàn khác.
2. Một
phần ba nhân loại tôn Ngài là Vua của tâm hồn mình
Hiện nay trên thế giới, 34,86% nhân loại – tức
khoảng 2 tỷ trên 6 tỷ người – là Ki-tô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau
(Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…). Họ là những người theo Ngài, làm môn đệ
Ngài, đồng thời nhìn nhận Ngài là lẽ sống, là gương mẫu hoàn hảo nhất cho cuộc
đời mình, và coi giáo huấn của Ngài là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
Họ theo Ngài chủ yếu không phải vì giáo huấn của Ngài cao siêu, vì nhân cách
của Ngài đáng phục nhất (mặc dù họ tin đích thực là như vậy). Họ theo Ngài vì
họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là thần linh cao cả vô cùng, lại là người yêu
thương họ hơn bất kỳ ai khác trên đời, yêu họ đến nỗi sẵn sàng đau khổ và chết
cho họ. Nhất là Ngài là người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc đích thực và
vĩnh cửu cho họ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một cảnh tượng cảm
động chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã
chấp nhận một cái chết thật đau khổ và nhục nhã, giữa sự chế giễu của mọi
người, vì yêu thương con người. Và câu cuối cùng của bài Tin Mừng là «Tôi bảo
thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» cho thấy Ngài có khả
năng ban hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Ngài có thể ban hạnh phúc vĩnh cửu
cho chúng ta, cho dẫu chúng ta tội lỗi đến đâu, miễn là chúng ta thành tâm sám
hối và liên kết chặt chẽ với Ngài.
Tin và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của
Ngài, nhiều Ki-tô hữu đã tự nguyện đáp lại bằng tình yêu thương của họ. Thế là
cuộc đời họ trở nên hạnh phúc và mang một ý nghĩa cao đẹp vì yêu và biết mình
được yêu. Tương tự như một cô gái yếu đuối hèn mọn được một chàng trai cao sang
để ý yêu thương, yêu thương đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả cho mình, kể cả mạng
sống. Thế là cô thấy đời mình hạnh phúc và có ý nghĩa hoàn toàn khác trước. Để
đáp lại tình yêu cao cả ấy, cô tự nguyện dâng hiến đời mình cho chàng, làm tất
cả những gì chàng muốn để chàng được hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của nàng là
được biết chàng hạnh phúc, vì chính chàng cũng đối xử như thế với nàng. Chàng
trở thành vua lòng nàng, và nàng trở thành hoàng hậu của lòng chàng.
Biết bao Ki-tô hữu trên đời đã có một tình yêu
song phương như thế đối với Đức Giê-su. Đối với họ, Đức Giê-su chính là vị Vua
duy nhất của lòng họ, chiếm trọn vẹn trái tim họ. Họ đã hiến trọn cuộc đời mình
để phụng sự Ngài nơi những hiện thân cụ thể của Ngài là những người chung quanh
họ, những người họ gặp trong cuộc đời, nhất là những người nghèo khổ nhất, bị
bỏ rơi hoặc chịu áp bức bất công nhất trên đời.
Với họ, tình yêu đối với Đức Giê-su được biến
thành tình yêu đối với tha nhân. Vì Đức Giê-su đã nhiều lần tự đồng hóa Ngài
với những người nhỏ bé nhất, đau khổ nhất trên đời (xem Mt 25,40.45; 10,40;
18,5; Lc 10,16). Hai tình yêu ấy chỉ là hai mặt khác nhau của một tình yêu duy
nhất. Đối với họ, sự phân biệt giữa yêu Đức Giê-su và yêu tha nhân chỉ có trong
lý thuyết chứ không có trong thực tế của đời sống. Nghĩa là yêu Đức Giê-su thì
tất nhiên phải yêu tha nhân, và yêu tha nhân chính là yêu Đức Giê-su. Họ đã yêu
Ngài, và phụng sự Ngài trong tha nhân đến mức sẵn sàng chịu tất cả mọi đau khổ
có thể xảy đến, thậm chí hy sinh mạng sống mình (điển hình: gương của 2 linh
mục Ba Lan Maximilianô Kôlbê và Jerzy Pôpiêlúskô).
3. Đức
Giê-su đã là Vua của bản thân ta chưa?
Nếu phải tranh luận về thần học xem Đức Giê-su có
phải là Vua của nhân loại, của vũ trụ không, thì chắc chắn biết bao người trong
chúng ta sẽ tỏ ra hăng say nhiệt tình như thể sẵn sàng sống chết để bảo vệ luận
điểm ấy. Nhưng nếu phải tự xét mình xem Đức Giê-su đã thật sự là Vua của chính
bản thân ta chưa, nghĩa là đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh
hưởng mạnh mẽ đến mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa, thì chắc chắn
rất nhiều người sẽ phải ngập ngừng, hoặc phải trả lời «CHƯA!» Thực tế thật đau
lòng: Ngài là Vua của cả vũ trụ, nhưng đời sống và cách hành xử của ta lại chứng
tỏ Ngài chưa phải là Vua của chính bản thân ta! Chân lý kia chỉ được ta công
nhận trên lý thuyết, chứ không trở thành thực tế trong đời sống. Trong thực tế,
vua của tâm hồn ta, thường xuyên ảnh hưởng mạnh mẽ đến những động lực của ta
không phải là Ngài, mà là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị, lạc thú, hoặc
chính bản thân ta!
Nói một cách cụ thể hơn, nhiều khi miệng chúng ta
tuyên xưng rất mạnh mẽ rằng Đức Giê-su là Vua của cả vũ trụ, là Đấng Cứu Độ duy
nhất của toàn nhân loại, đồng thời kết án và tẩy chay những ai tuyên xưng bằng
miệng khác với chúng ta, dẫu chỉ là một chút… Nhưng hành động và cách cư xử của
chúng ta đối với mọi người lại tuyên xưng rất rõ ràng rằng tiền hay quyền bính
mới là Vua của vũ trụ, mới là đấng cứu độ duy nhất của nhân loại! Thế mà chẳng
ai kết án ta cả?! Liệu tuyên xưng kiểu ấy có phù hợp với tinh thần Ki-tô giáo
chăng? Dẫu sao, ta có thể chắc chắn một điều là: nó không phù hợp với tinh thần
của Đức Giê-su.
Nếu Ngài chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà
không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng hùng hồn kia ấy có ích
lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của
ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối
hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của tổng thống Bush: «Show, but
don’t tell!»: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói xuông!
Trong ngày sau cùng, khi Đức Giê-su phán xét chúng
ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài sẽ không thèm hỏi ta đã chấp nhận và tuyên xưng
những giáo điều nào, những luận điểm nào, hay đã tuyên xưng Ngài là Vua của cả
vũ trụ chưa… Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý
muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào
qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích
thực của chính bản thân ta không?
Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải
xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý
thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là «người khôn ngoan xây nhà trên đá»
(Mt 7,24). Nhân dịp này, ta thử xét lại xem cách sống đạo hiện tại của chúng ta
là «xây nhà trên đá» hay «trên cát»?
Lạy Cha, từ xưa đến nay, con luôn luôn xưng tụng
Đức Giê-su là Vua của nhân loại, của vũ trụ, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân
loại. Nhưng hành động của con, cách cư xử và đời sống của con dường như muốn
nói rằng không phải như thế. Xin Cha hãy ban cho con nhiều tình yêu hơn nữa, để
con đủ can đảm sống đúng những điều con tuyên xưng. Con xin bắt đầu việc tuyên
xưng Đức Giê-su là Vua từ ngay trong bản thân con, qua chính cách sống và hành
động của con, chứ không phải từ bên ngoài và lời nói xuông. Amen.