Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên
(Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ)
(21-11-2004)
Đức Giêsu đã là Vua của chính ta chưa?
ĐỌC LỜI
CHÚA
· 2 Sm 5,1-3: (3) Toàn thể kỳ mục Ítraen đến gặp Đavít
tại Khéprôn. Đavít lập giao ước với họ tại Khéprôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ
xức dầu tấn phong Đavít làm vua Ítraen.
· Cl 1,12-20: (13) Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi
quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái của Ngài; (14) trong Thánh Tử, ta được ơn cứu
chuộc, được thứ tha tội lỗi.
· TIN MỪNG: Lc 23,35-43
Đức
Giêsu bị nhục mạ
(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ
lãnh thì buông lời cười nhạo: «Hắn đã cứu
người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là
người được tuyển chọn!» (36) Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng
lại gần, đưa giấm cho Người uống (37) và nói: «Nếu ông là
vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!» (38) Phía trên
đầu Người, có bản án viết: «Đây là vua người Do Thái».
Người gian phi sám hối
(39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục
mạ Người: «Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự
cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!» (40) Nhưng tên
kia mắng nó: «Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên
Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích
đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!»
(42) Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: «Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông,
xin nhớ đến tôi!» (43) Và Người nói với anh ta: «Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Đức
Giêsu hoàn toàn vô tội và hết sức thánh thiện lại cùng chịu chung một hình phạt
ghê gớm nhất với những kẻ tội lỗi nhất. Bạn nghĩ gì về điều này?
2. Để
nâng con người tội lỗi lên hàng thánh thiện, phải chăng Đức Giêsu – vốn đồng
hàng thánh thiện với Chúa Cha – phải tự hạ đến mức trở nên đồng hàng với những
kẻ tội lỗi nhất của trần gian? Phải chăng đó là cái giá phải trả cho sự cứu
chuộc tội lỗi? Ta có thể rút ra bài học gì cho công việc tông đồ của ta?
3. Đức
Giêsu là Vua của vũ trụ, điều đó có liên quan hay ảnh hưởng gì tới ta, nếu Ngài
vẫn chưa phải là Vua của lòng ta? Ta đã nhận Ngài là Vua của lòng mình thật sự
bằng cuộc sống chưa? Hay chỉ bằng những lời tuyên xưng thôi?
Suy tư
gợi ý:
1. Bối cảnh
bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng mô tả cảnh ba tử
tội bị hành quyết, trong đó có 2 tên gian phi và 1 thầy đạo. 2 tên gian phi bị
tử hình thì cũng đáng đời, họ là những cặn bã xã hội, bị coi là những phần tử
xấu xa nhất của con người, cần phải loại trừ. Nhưng thầy đạo Giêsu thì chẳng
những hoàn toàn vô tội, mà còn là con người thánh thiện nhất nhân loại, thậm
chí nhất vũ trụ. Thật là hai thái cực cùng gặp nhau trong một cảnh ngộ đặc
biệt. Chính trong cảnh ngộ này, một trong hai tên gian phi, từ một kẻ đầy tội
lỗi, trong phút chốc, đã trở nên vô tội và công chính trước mặt Thiên Chúa,
xứng đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Còn tên kia thì «mèo vẫn hoàn mèo», tội lỗi
vẫn hoàn tội lỗi. Sự biến đổi nội tâm của tên gian phi diễm phúc ấy sở dĩ thành
tựu là do hội đủ hai yếu tố quan trọng này: một đằng là quyền năng cứu chuộc và
tha tội của Đức Giêsu, Ngài đã chết như thế là để cứu loài người chúng ta trong
đó có hắn; một đằng là niềm tin của tên trộm vào Đức Giêsu và lòng hối cải
thành thật của hắn. Thiếu một trong hai yếu tố đó, sự biến đổi hay cứu rỗi
không thành tựu được.
2. Đức
Giêsu, một vị vua hy sinh và chết cho thần dân mình
Câu chuyện xảy ra mang một ý
nghĩa hết sức sâu xa. Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng để cứu chuộc nhân loại,
Ngài đã tự xóa, tự hạ mình từ địa vị Thiên Chúa, mức cao nhất của vũ trụ, xuống
đến mức thấp hèn nhất của loài người. Từ Thiên Chúa hạ mình xuống làm người đã
là một hành động xóa mình không thể hiểu nổi. Thế mà khi đã làm người, Ngài còn
tiếp tục xóa mình hơn nữa bằng cách hạ mình đến cùng tột trong trật tự con
người: sinh ra nghèo nàn trong chuồng bò, làm con của một phụ nữ và con nuôi
của một ông thợ mộc rất tầm thường về mặt xã hội và tôn giáo thời đó, cả cuộc
đời sống rất nghèo nàn, và cuối cùng chết một cách thảm thiết, nhục nhã, dường
như mất hết danh dự. Ngài chết không một mảnh quần áo che thân, giữa hai tên
trộm cướp: khó có một cái chết của một đạo sư thánh thiện nào lại thê thảm và
nhục nhã như vậy.
Như vậy, để nâng phẩm giá con
người lên trước mặt Thiên Chúa thì Đấng có phẩm giá cao nhất đã phải tự hạ đến
mức tận cùng thấp nhất. Để con người được hạnh phúc thì Đấng hạnh phúc nhất
phải chịu đau khổ đến tận cùng. Để thánh hóa con người, Đấng thánh thiện nhất
phải hòa mình và trở nên đồng hàng với những con người tội lỗi nhất. Để cứu
chuộc con người, Đấng cứu chuộc phải chấp nhận cảnh cùng khốn nhất, nguy hiểm
nhất, và vô phương cứu chữa nhất. Để thực hiện công lý, Đấng công bình nhất
phải chịu cảnh bất công nhất của con người… Theo luật công bằng, đó là cái giá
tất yếu phải trả để cứu chuộc. Và hành động cứu chuộc như thế đó chính là tư
cách phải có – theo quan điểm của Thiên Chúa – của một Vị Vua Vũ Trụ, Vua Thế
Giới. Muốn là Vua cách xứng đáng nhất thì phải yêu thương và phục vụ đến tận
cùng, phải tự xóa mình để mọi tạo vật được nổi bật lên. Chính Thiên Chúa đã tự
hạ đến tận đất đen để đưa con người lên tận mây xanh! Đó là đường lối và là sự
khôn ngoan của Thiên Chúa: «Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt
hết, và làm người phục vụ mọi người» (Mc 9,35; x. Mt 20,26).
Nhờ hòa nhập vào cảnh cùng cực
và nhục nhã của hai tên gian phi, Ngài đã tạo cơ hội cho hai tên này được cứu
rỗi. Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp? Không ra khơi, làm sao bắt được
cá? Người muốn cứu rỗi linh hồn mọi người, mà không chịu ra khỏi tháp ngà đầy
nhung lụa của mình để đến với họ, cứ đòi họ phải đến với mình, làm sao cứu ai
được? Làm tông đồ kiểu đó, chắc chắn không phải là tông đồ của Đức Giêsu. Nếu
Ngài cũng như ta, đòi ai muốn được cứu phải lên trời gặp Ngài, Ngài mới cứu,
thì liệu chính ta có được cứu không?
3. Hai yếu
tố quan trọng để được cứu rỗi hay nên thánh
Cùng chịu đóng đinh bên cạnh Đức
Giêsu, hai tên gian phi đều có cơ hội được cứu rỗi như nhau. Nhưng họ có được
cứu rỗi hay không còn tùy thuộc vào chính bản thân họ có thiện chí và có muốn
được cứu hay không. Cũng như trước hai dĩa đồ ăn như nhau, cả hai đều có cơ hội
no bụng như nhau, nhưng no hay không còn tùy thuộc vào việc họ có chịu ăn đồ ăn
đó hay không. Không ai có thể ăn dùm ta mà ta no được! Việc cứu rỗi cũng thế,
cũng tùy thuộc hai yếu tố: «Có Trời mà cũng có ta» (Nguyễn Du).
Thiên Chúa đã làm đủ mọi sự để ta có thể được cứu rỗi, sẵn sàng ban đủ ân sủng
để ta nên công chính, nhưng ta có được cứu, được nên công chính hay không, còn
do ta nữa. Thánh Âutinh nói: «Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta. Nhưng để
cứu rỗi ta, nếu ta không cộng tác, Thiên Chúa không thể thực hiện được».
Không có ta cộng tác, Thiên Chúa đành chào thua! Việc nên thánh, việc tông đồ,
hạnh phúc gia đình và bản thân, việc làm ăn… của ta ở đời này cũng thế, thành
công hay thất bại một phần do hoàn cảnh khách quan, và một phần do chính bản
thân ta.
Để được
cứu, được nên công chính trước mặt Thiên Chúa
– như trong trường hợp của hai tên gian phi kia – xem ra quá dễ dàng,
thế mà chỉ có một người được cứu. Vấn đề không hệ tại ai tội lỗi hay tốt lành
hơn ai, chưa chắc tên trộm được Chúa tha thứ kia trước đó đã phạm ít tội ác hơn
tên kia. Vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ: có tin vào quyền năng và lòng nhân từ của
Thiên Chúa, của Đức Giêsu, và có thật sự muốn sống theo niềm tin đó hay không.
Đức Giêsu nói: «Ai tin sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án»
(Mc 16,16); Phaolô nói với viên cai ngục: «Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ
được cứu độ» (Cv 16,31). Niềm tin không chưa đủ, còn phải sống theo
niềm tin ấy, là tinh thần của Tin Mừng: «Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát nếu anh em giữ
đúng như tôi đã loan báo; bằng không thì anh em có tin cũng vô ích»
(1Cr 15,2); «Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?
Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?» (Gc 2,14).
4. Đức Giêsu
có thật sự đang là Vua của lòng ta không?
Theo tinh thần trên thì Đức
Giêsu có làm đủ mọi thứ cho ta để ta được cứu rỗi cũng trở nên vô ích cho ta
nếu không có sự tự nguyện cộng tác của ta. Cũng vậy, Đức Giêsu có là Vua của vũ
trụ, có xóa mình tự hạ, có yêu thương và hy sinh chết cho ta cả trăm lần đi nữa
cũng vô ích cho ta, nếu ta không nhận Ngài là Vua của lòng ta, và ta không sống
đúng tinh thần từ bỏ mình và yêu thương của Ngài. Thật vậy, ta chỉ nhận được
sức mạnh từ nơi Ngài khi nào ta từ bỏ mình đi trước mặt Ngài, để Ngài hoàn toàn
làm chủ bản thân ta, và ta hoàn toàn sống theo thánh ý của Ngài. Điều rất
nghịch lý nhưng lại rất đúng là chỉ khi nào ta để Ngài làm chủ bản thân ta, thì
ta mới thật sự làm chủ bản thân mình. Vì Ngài mới chính là bản thân đích thực của ta: «Thiên Chúa
còn thân mật với tôi hơn chính bản thân tôi» (Thánh Âu Tinh), nghĩa
là Ngài là
tôi hơn chính tôi.
Nếu không để Ngài làm chủ bản
thân ta, thì kẻ làm chủ bản thân ta sẽ là dục vọng hay ý ngông của ta. Và vì
bản thân ta đã bị hư hoại bởi tội nguyên tổ và tội riêng, nên kẻ âm thầm làm
chủ dục vọng hay ý ngông của ta lại chính là ma quỷ. Vì thế, rất nhiều khi ta tưởng ta đang làm theo ý muốn của ta,
nhưng rốt cuộc là ta đang làm theo ý muốn của ma quỷ, là kẻ luôn luôn muốn làm
hại ta.
Nhân dịp Giáo Hội mừng kính Đức
Giêsu là Vua Vũ Trụ, ta cần nghiêm túc xét lại xem ta đã thật sự để Ngài làm
Vua của tâm hồn ta chưa? Nếu chưa, hãy thống hối và quyết tâm để Ngài làm Vua
thật sự của ta. Việc làm Vua của Ngài trong tâm hồn ta phải được thể hiện thật
sự và cụ thể trong cuộc sống, chứ không chỉ qua lời tuyên xưng xuông của ta.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, con vẫn tuyên xưng Cha là Thiên Chúa, tuyên xưng
Đức Giêsu là Vua cả vũ trụ. Nhưng trong thực tế của đời sống con, dường như Cha
chưa phải là Thiên Chúa của lòng con, Đức Giêsu chưa phải là Vua của lòng con.
Có lẽ vua của lòng con từ xưa tới nay vẫn là danh vọng, tiền bạc, quyền hành,
lạc thú chứ chưa phải là Đức Giêsu. Thực tế là như thế, nhưng con lại không đủ
can đảm để nhìn nhận thực tế đó để ăn năn hối cải. Con vẫn chưa sống thực với
chính mình. Chính vì thế, con chưa được sống trong bình an và hạnh phúc đích
thực của Cha. Xin cho con biết thật sự nhận Cha là Thiên Chúa của bản thân con,
và nhận Đức Giêsu là Vua của lòng con, trong thực tế hằng ngày của đời sống
con.
Joan Nguyễn Chính Kết