CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

(Lu-ca 23: 35-43)

             

          Để diễn tả quyền bính cai trị của Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ, bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh đặc biệt.  Năm A với bài Tin Mừng Mát-thêu (25:31-46), đề cao Vua Giê-su như vị Thẩm phán xét xử muôn loài.  Năm B với bài Tin Mừng Gio-an (18:33-37) cho ta một cái nhìn thần học về uy quyền của Vua Giê-su là Lời Thiên Chúa nhập thể đến để làm chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại và chờ đợi con người đáp lại tình yêu ấy bằng cách tin vào Đấng được sai đến.  Năm C với bài Tin Mừng Lu-ca (23:35-43) trình bày Vua Giê-su hiển trị từ trên thập giá.  Vương quyền của Người là do việc Người tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại.  Thánh danh Giê-su nghĩa là “Thiên Chúa cứu” đã nói lên uy quyền cứu độ của Thiên Chúa dành cho muôn dân qua sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su và tác động của Chúa Thánh Thần trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha.

 

a)  Những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giê-su

 

          Vua Giê-su bị đóng đinh và treo trên thập giá.  Tột đỉnh của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong giờ phút này.  Khi quyền lực của tội lỗi tưởng như thắng thế qua cái chết đang đến gần Chúa Giê-su thì đó lại là lúc quyền năng của Thiên Chúa sắp sửa toàn thắng tội lỗi và đem lại hiệu quả ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại.

          Trong giờ phút trọng đại ấy, thánh Lu-ca cho ta một hình ảnh tương phản giữa những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa và những kẻ tôn vinh Người.  Một phía là các nhà lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en, đám lính tráng và một tên gian phi bị đóng đinh cùng nhau nhục mạ Người.  Một phía là đám dân chúng kính cẩn đứng nhìn và tên gian phi hối cải đã can đảm bênh vực, tuyên xưng Chúa Giê-su vô tội và cầu xin Người cứu độ mình.

          Những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giê-su đã nhìn vương quyền ấy theo nhãn quan riêng của họ.  Đối với đám lính tráng, vương quyền chỉ có nghĩa đơn giản là quyền hành của một ông vua trần gian, thí dụ như hoàng đế Rô-ma hoặc vua Hê-rốt chẳng hạn.  Do đó họ không thể chấp nhận một người đã bị họ đóng đinh vào thập giá lại có thể xưng mình là “vua dân Do-thái” được.  Nếu quả thực Chúa Giê-su là một tên tội phạm, thì chính dân Do-thái cũng chẳng muốn chấp nhận một người như vậy là vua của họ.  Tên gian phi nhục mạ Chúa thì chỉ nhìn vương quyền của Chúa dựa trên nhu cầu riêng tư của hắn.  Vì Chúa Giê-su không thể tự cứu mình và cứu được hắn, nên Chúa Giê-su cũng chẳng hơn gì hắn.  Nhưng đối với những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái, cái nhìn của họ về vương quyền của Chúa Giê-su phức tạp hơn.  Khi đặt câu hỏi giả dụ Chúa Giê-su là “Đấng Ki-tô”, chắc chắn họ đã hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu Ki-tô ấy.  Là những người học biết và tin vào Kinh Thánh, họ hiểu Đấng Ki-tô là ai theo sấm ngôn của I-sai-a nói về Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn:  “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.  Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).  Nhưng đối với họ, Chúa Giê-su chỉ là một anh thợ mộc đến từ Na-da-rét miền Ga-li-lê.  Những người ở Giê-ru-sa-lem đặt câu hỏi Chúa Giê-su có đích thực là Đấng Ki-tô không và họ tự trả lời:  “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi;  còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7:27).  Tóm lại, họ không muốn nhìn nhận sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su, mặc dù Chúa Cha đã đích thân giới thiệu:  “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn” (Lc 9:35), hoặc chính Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định:  “Tôi đâu có tự mình mà đến.  Đấng đã sai tôi đến là Đấng chân thật.  Các ông không biết Người.  Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi” (Ga 7:28-29).

          Có lẽ mỗi cách phủ nhận vương quyền của Chúa Giê-su qua những hạng người ấy đều nói lên một cách nào đó của những con người hôm nay không muốn nhìn nhận quyền năng cứu độ của Chúa Giê-su.  Những tham vọng, tự cao tự đại và lợi nhuận vật chất đã trở thành những trở ngại, che lấp con mắt đức tin của ta để ta không nhận ra được con người và sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su nữa.

 

b)  Nhìn nhận Chúa Giê-su là Vua cứu độ

         

          Trái ngược với những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giê-su là đám dân chúng “đứng nhìn” và nhất là người gian phi thống hối.  Những kẻ phủ nhận thì ồn ào buông lời chế giễu Người.  Còn những người nhận biết Chúa Giê-su thì giữ thái độ im lặng kính cẩn hoặc tha thiết cầu xin Người.  Bởi đâu họ nhận biết Người?  Hẳn phải là do cung cách của Chúa Giê-su ngay trong những giây phút trầm trọng cuối đời.  Chính trên thập giá, Người đã biểu lộ tột đỉnh của tình yêu, và tình yêu đã nói lên cung cách của người “thí mạng sống mình vì bạn hữu” và sẵn sàng tha thứ tất cả.  Tình yêu đã biến đổi lòng đám dân chúng.  Họ không theo thói a dua của người đời mà khinh bỉ người tử tội Giê-su, giống như nhóm lãnh đạo tôn giáo, tên gian phi không hối cải và đám lính tráng đã làm.  Nhưng họ đang “đứng nhìn”, một thái độ chiêm ngưỡng để cố gắng nhận ra chiều kích “dài, rộng, cao, sâu” của tình yêu Thiên Chúa.

          Tình yêu trên thập giá cũng biến đổi tâm hồn người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su.  Nó giúp anh nhìn xa hơn về tương lai.  Không phải chỉ là sự sống tạm ở đời này, như tên gian phi kia đã thách thức Chúa Giê-su:  “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao?  Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”  Nhưng là sự sống đời đời.  Anh khẩn cầu Chúa:  “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”  Tình yêu trên thập giá đã giúp người gian phi thống hối nhận biết Chúa Giê-su là ai và mình là ai.  Anh đã nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, qua lời đối đáp tên gian phi kia:  “Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm!”  Anh còn nhận ra được Chúa Giê-su là Đấng nào nữa.  Ngài không chỉ là một người vô tội.  Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn là “ông Giê-su”.  Đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Đức Giê-su được gọi đích danh, chứ không phải bằng các tước hiệu.  Anh đã hiểu được nghĩa thực của thánh danh Người.  “Giê-su” nghĩa là “Thiên Chúa cứu.”  Người là Vua của Nước Thiên Chúa, là Đấng đến cứu vớt mọi kẻ tội lỗi.

          Chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, đồng thời kêu cầu với Người:  “Xin nhớ đến con” chắc chắn sẽ là điều mọi Ki-tô hữu phải lập đi lập lại trong suốt cuộc sống mình.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Có khi nào tôi thuộc nhóm người phủ nhận vương quyền của Chúa Giê-su không?  Nếu có thì điều gì đã làm cho tôi không muốn nhận Chúa làm vua tâm hồn tôi?

          Tôi có chiêm ngưỡng Chúa Giê-su và tình yêu Thiên Chúa khi cầu nguyện trước tượng Chúa chịu chết trên thánh giá bao giờ không?  Tôi thử tập thói quen cầu nguyện như vậy, bằng cách quỳ trước tượng Chúa chịu chết trên thánh giá và ngước nhìn lên Chúa, để cố gắng cảm nghiệm Chúa đã yêu thương tôi đến mức nào.

          Những khi gặp đau khổ hay bất công, tôi có dùng dịp ấy để biểu lộ tình yêu đối với người khác không?  Tôi có làm chứng cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa không?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

          đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

          trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

          và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,

          bao lâu tùy ý Cha định liệu.

          Xin đừng để con trở nên chua chát

          nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

          với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

          và lòng khao khát nóng bỏng

          có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

          Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

          của những người đã yêu mến Cha,

          đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

          tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

          Nhờ Cha, ước gì khổ đau của con

          nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,

          lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

          và lòng mến mà con dành cho Cha.

          Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,

          và yêu Cha chỉ vì Cha, chứ không mong phần thưởng.

          Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

          là ánh sáng cho đêm tăm tối,

          nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý,

          nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi.”

                                                          - Cha Karl Rahner

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 63)

 

Lm. Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà