CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG
NIÊN, năm C
Lc 4, 21-30
ĐỨC
GIÊSU, CON BÁC GIUSE THỢ MỘC BỊ CHỐI TỪ
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Trở về quê hương sinh trưởng Nagiarét, sau những ngày Chúa Giêsu và các
môn đệ miệt mài đi rao giảng Tin Mừng, giới thiệu nước Thiên Chúa, lúc đầu dân
làng có mặt hôm đó hồ hởi đón nhận những lời Chúa Giêsu trình bầy vì quả thực
Ngài đã nổi tiếng về những phép lạ, những việc Ngài làm, những lời khôn ngoan
Ngài phát biểu, Ngài dậy dỗ. Tưởng rằng dân chúng đã nhận ra Ngài, nhưng chớ trêu
thay họ phấn khởi bao nhiêu, họ lại tỏ ra nghi ngờ về tông tích, lý lịch của
Chúa Giêsu. Và sự gì xẩy ra đã xẩy ra như
họ suy nghĩ, họ đánh giá.
LỜI NÓI CỦA CHÚA GIÊSU BỊ KHƯỚC TỪ :
Lời ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu lật giở sáng nay trong Hội Đường Do Thái
đã là một lời ám chỉ chính sứ mạng của Chúa Giêsu hay nói cách khác nói về Con
người của Chúa Giêsu. Quả thực Chúa Giêsu đã nổi tiếng khắp miền Galilê, và các
miền lận cận. Tiếng tăm của Ngài được đồn thổi khắp nơi. Tuy nhiên khi nói với
những người đồng hương Nagiarét về vai trò, địa vị và sứ mạng của Chúa Giêsu,
tất cả những người đồng hương chưa hiểu gì về lời mạc khải của Chúa, lòng họ
đóng lại, họ không nhìn Chúa với con tim thật của họ mà họ nhìn Chúa với đôi
mắt nghi ngờ. người đồng hương Nagiarét muốn Chúa phải làm những phép lạ như
Ngài đã làm ở Capharnaum hay các vùng lân cận. Chúa từ chối họ vì thấy họ không
có lòng tin, chỉ muốn thử thách Chúa
như ma quỉ đã từng thách thức Chúa khi Chúa vào sa mạc ăn chay, cầu
nguyện, ma quỉ tưởng Chúa đói sẽ dễ bề cám dỗ, thử thách Ngài và chúng tưởng
Ngài sẽ theo ý gian tà của chúng. Chúa đã khước từ thẳng thừng chúng và la mắng
chúng, xua đuổi chúng. Chúa Giêsu đã không chỉ đem Tin Mừng cho riêng người
Israen mà Ngài đem ơn cứu độ cho mọi người, mọi dân tộc kể cảngười ngoại đạo.
TIN MỪNG HÔM NAY LÀ LỜI TIÊN BÁO BÁO SỰ CHỐNG
ĐỐI VÀ BÁCH HẠI MÀ CHÚA GIÊSU PHẢI TRẢI QUA:
Sự từ khước của những người đồng hương tại quê hương Nagiarét là một
lời loan báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu phải đương đầu, đúng như
lời Ngài đã nói:" Không ngôn sứ nào được đón tiếp nơi quê hương
mình". Dân chúng hôm đó hăm hở nghe Chúa, hoan hô nhưng cuối cùng họ hết thiện cảm với Chúa và cuối cùng
trở nên bạo động:" Tất cả giận dữ xô đẩy Chúa Giêsu ra ngoài thành".
Đây là một thái độ thù nghịch vì đối với Chúa Giêsu quê hương của Ngài không
phải chỉ là làng nhỏ bé Nagiarét, nhưng là toàn cõi Palestina và tận cùng thế
giới. Chúa Giêsu đã nghe những lời căm phẫn của mọi thành phần trong Hội Đường
Nagiarét hôm đó. Lời la hét, căm phẫn này làm ta liên tưởng tới thượng hội đồng
Do Thái sau này lên án Chúa Giêsu và kết án Ngài phải treo trên thập giá. Cái
chết trên thập giá là tuyệt đỉnh sứ mạng ngôn sứ của Ngài, là lời nói cuối cùng
chứng minh tình yêu tuyệt đối của Ngài:" Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất,
Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta"" Không có tình yêu nào cao vời cho
bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).
NGƯỜI KITÔ HỮU TIẾP TỤC SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU:
Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu dưới trần gian này. Người Kitô
hữu được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu bằng lời nói, hành động,
việc làm bác ái của mình. Như Chúa Giêsu được Cha Ngài xức dầu tấn phong và sai
đi rao giảng. Người Kitô hữu cũng được Giáo Hội sai đi làm chứng cho Chúa Giêsu
vì Hội Thánh là Hội Thánh truyền giáo, nên mọi Kitô hữu đều được mời gọi loan
báo Tin Mừng.Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng, giới thiệu chính Ngài cho mọi
người. Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng người nhà đã không đón tiếp Ngài. Giáo Hội
cũng như Chúa Giêsu luôn bị chống đối và bách hại. Người Kitô hữu luôn được mời
gọi loan báo Tin Mừng dù lúc thuận hay lúc nghịch vì họ đang sống ơn gọi ngôn
sứ.
Xin cho mọi Kitô hữu luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách, chống đối và cả
bách hại nữa để luôn giới thiệu Đức Kitô phục sinh cho mọi người trên khắp cùng
trái đất.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Tại sao Chúa Giêsu lại bị
chống đối ở Hội đường Nagiarét ?
2. Sứ mạng ngôn sứ là gì ?
3. Người Kitô hữu có được mời gọi sống ơn gọi ngôn sứ ?