CHÚA NHẬT 4 QUANH NĂM, C

(Lu-ca 4: 21-30)

 

        Nếu đọc bài Tin Mừng hôm nay tiếp theo đoạn Tin Mừng Chúa Nhật trước, ta hiểu đó là phản ứng của dân chúng Na-da-rét đối với lời tuyên bố của Chúa Giê-su nói về Người:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”  Nhưng nếu đọc bài Tin Mừng hôm nay theo cách sắp đặt của Phụng vụ Lời Chúa muốn tuần tự trình bày Chúa Giê-su là ai và sứ vụ của Người là gì qua bài Tin Mừng của các Chúa Nhật thường niên, thì câu truyện Chúa Giê-su bị tẩy chay tại Na-da-rét lại cho ta một hình ảnh trung thực về Người:  Chúa Giê-su đã bị chống đối ngay từ khởi đầu sứ vụ là sự kiện tiên báo cho cuộc Thương khó và cái chết của Người mai sau.  Dĩ nhiên cả sách Tin Mừng lẫn Phụng vụ Lời Chúa đều muốn ta hoàn toàn chú ý đến Chúa Giê-su, theo Người và trở thành môn đệ của Người.  Nhưng phản ứng của dân chúng cũng là dịp để ta xét lại thái độ của chính ta trong đời sống Ki-tô hữu.  Do đó luôn luôn có hai đề tài song song:  Chúa Giê-su và tôi;  Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và tôi là người được Chúa gọi làm môn đệ.

 

a)  Chúa Giê-su thể hiện lời Kinh Thánh:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

 

        Tuyên bố những lời trên, Chúa Giê-su không nói một cách hàm hồ, nhưng trong hoàn cảnh trang trọng khi “ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.”  Nghĩa là Chúa Giê-su nói về chính bản thân Người, một con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt dân chúng trong hội đường Na-da-rét, và có họ làm chứng rằng Người đã sinh trưởng tại đây.  Với tư cách ấy, Chúa Giê-su thực sự là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1:14), là lời của Thiên Chúa đã làm người.

        Con đường từ “Lời Thiên Chúa phán” đến “trở nên người phàm” làm thành lịch sử cứu rỗi đã được thư Do-thái mô tả như sau:  “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:1).  Mục đích Thiên Chúa phán dạy là vì lợi ích cho thân phận của ta:  để ta nhận biết “vẻ huy hoàng và bản thể Thiên Chúa” (câu 2);  và để Ngôi Lời dùng quyền năng của mình mà “duy trì vạn vật” nghĩa là cứu rỗi nhân loại và đem con người về với Thiên Chúa sau khi “Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (câu 3).  Thiên Chúa đã tiến “một bước nhảy vọt” khi đi từ “Lời” đến biến thành “người phàm.”  Chỉ có Tình yêu đích thực mới có được sáng kiến nhiệm mầu ấy:  từ vô hạn biến thành hữu hạn, từ vĩnh cửu biến thành ba mươi ba năm trần thế, từ vô hình biến thành “hình ảnh trung thực” của bản thể Thiên Chúa.

        Lời tuyên bố của Chúa Giê-su đã chấm dứt sự mong đợi của nhân loại từ bao đời.  Họ mong chờ sự giải thoát, vì chính họ đã làm cho mình thành “kẻ thù” của Thiên Chúa, mất hết khả năng đến với Thiên Chúa rồi, nên không thể tự mình thoát ra khỏi kiềm lực của tội lỗi.  Chỉ còn trông vào lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa.  Giờ đây, lời hứa được thể hiện, “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh.”

        Đến với nhân loại từ trời cao, Lời Thiên Chúa Nhập Thể phải hữu hiệu, phải đem lại kết quả là ban sự sống muôn đời.  Ngôn sứ I-sai-a ghi lại lời Chúa phán về tính hữu hiệu ấy như sau:  “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đời có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).  Sứ mệnh của Chúa Giê-su rõ ràng như thế đó.  Ngay đến môn đệ Người là ông Phê-rô cũng nhận ra mình cần đến tính hữu hiệu ấy qua lời phát biểu:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).  Một đàng là sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhưng đàng khác cũng là bổn phận đáp ứng của ta.  Nếu ta không tiếp nhận Lời và sống những điều Lời dạy thì cũng vô ích thôi.

        Lời không chỉ là lời nói trong những bài giảng và ngôn từ của Chúa Giê-su, nhưng Lời còn là tất cả con người của Chúa, lối sống của Chúa, cách cư xử của Chúa, gương mẫu yêu thương của Chúa.  Có như vậy, Lời mới có thể sống động “cư ngụ giữa chúng ta” và là “vinh quang của Thiên Chúa” để ta có thể nhận thấy được và noi theo được.

 

b)  Tôi là kẻ tiếp nhận Lời và để cho Lời biến đổi tôi   

 

        Nói phải mà không chịu nghe thì cũng vậy thôi, chẳng đi tới đâu!  Thiên Chúa không bắt ép loài người phải nghe Người nói.  Tuy Chúa Giê-su “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7:29), nhưng  Người vẫn tôn trọng tự do của ta.  “Rồi Người nói:  ‘Ai có tai nghe thì nghe!’” (Mc 4:9).

        Là kẻ đón nghe Lời Chúa, lúc nào ta cũng được mời gọi hãy là đất tốt để Lời Chúa có thể mọc và lớn lên, sinh hoa quả phong phú.  Tiếp nhận Lời Chúa giống như việc xây nhà.  Phải xây trên nền đá là Lời Chúa, chứ đừng xây trên cát là lời của thế gian.

        Muốn để cho Lời biến đổi ta, ta phải tin vào tính hữu hiệu của Lời.  Lời hoặc Nước Thiên Chúa là hạt giống gieo xuống đất, tuy là loại hạt nhỏ bé như hạt cải nhưng lại có tiềm năng vô biên, “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4:32).  Tiếp đến là mở lòng đón nhận, không chỉ lời giảng mà là cả con người của Chúa Giê-su.  WWJD (What would Jesus do?) là khẩu hiệu các học sinh Công giáo Hoa-kỳ thường tâm niệm, để cố gắng bắt chước Chúa.  Chúa Giê-su luôn luôn chờ đợi ta.  Người phán với ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.  Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20).  Người còn thách đố:  “Tại sao anh em gọi Thầy:  ‘Lạy Chúa!  Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6:46).  Nghe và làm là hai công việc hỗ tương nhau: nghe để biết phải làm gì, làm để thấy cần phải nghe thêm.  Cứ thế ngày qua ngày, con người mình sẽ thay đổi.  Chúa không giành làm tất cả, nhưng Người muốn chúng ta cộng tác để giúp cho Lời, tức là giúp cho con người Chúa Ki-tô lớn lên trong ta.  “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30), để đến một lúc nào đó, “không phải là tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi.”

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện                            

 

        Từ trước tới nay, tôi có bao giờ đọc Tin Mừng với xác tín rằng Thiên Chúa nói với tôi bằng Lời của Người là Đức Ki-tô không?  Chúa Cha phán với các môn đệ Chúa trên núi Ta-bô-rê:  “Các ngươi hãy nghe lời Ngài.”  Tôi sẽ đáp lại lời phán dạy ấy như thế nào?

        Ông Phê-rô thưa với Chúa:  “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai?”  Đó có phải là tâm tình của tôi không?  Từ nay tôi sẽ đến với Chúa bằng những cách nào?  Thường xuyên thế nào?

        Qua các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa mỗi Chúa Nhật, tôi sẽ chiêm ngưỡng Chúa Giê-su cách nào để thực sự sống trong mối quan hệ mật thiết với Người?

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

        Chúng con thường xây nhà trên cát,

        vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

        nhưng lại không dám đem ra thực hành.

        Chính vì thế

        Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

        Xin cho chúng con

        đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

        đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

        Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

        để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

        Ước gì ngôi nhà đời chúng con

        được xây trên nền tảng vững chắc,

        đó là Lời Chúa,

        Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.”

-      Trích RABBOUNI, lời nguyện 15

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

29-1-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà