ĐỨC GIÊSU - LỜI THIÊN CHÚA

 

Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa sai đi nói Lời Chúa cho dân. Họ được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi và nâng đỡ để có thể chịu đựng được trước sự tấn công của những kẻ thù địch với Lời Chúa. Vì Thiên Chúa không bao giờ chiều theo thị hiếu của con người, trái lại Ngài còn đòi hỏi con người phải luôn sống theo đường lối của Ngài, nên đã là người nói Lời Chúa, các ngôn sứ luôn phải tuyệt đối trung thành với Lời Chúa, nói hết mọi điều Thiên Chúa muốn tỏ cho dân biết, kể cả những điều mà nhiều người xem là chướng tai không thể nghe được. Điểm chung trong cuộc đời của hầu hết các ngôn sứ là phải trải qua con đường đau khổ, bị người đời lên án, chống đối và khai trừ, nhưng có Thiên Chúa là sức mạnh họ không bao giờ lo sợ.

1. Đức Giêsu - Lời Thiên Chúa ngỏ với con người

Thật vậy, Đức Giêsu chính là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với con người. Không những là người nói Lời Chúa với chúng ta, ngài còn chính là Lời Thiên Chúa ngỏ với con người. Ở nơi Ngài mọi điều đã được loan báo trước trong thời Cựu Ước đã trở thành hiện thực. Ngài đồng chia sẻ số phận đau khổ với các vị ngôn sứ khác.

 

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca ghi lại thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Đó chính là ví dụ điển hình của thái độ con người chối từ Lời Chúa và tiêu diệt các ngôn sứ. Trong lần về quê này, Chúa Giêsu đã bị những người đồng hương của Ngài chối từ. Bởi vì Chúa Giêsu đã không nói và làm theo ý muốn của họ. Ngài chỉ nói những điều mà Thiên Chúa muốn truyền dạy mà thôi. Dù thoạt đầu khi nghe Chúa Giêsu giảng giải Sách Thánh những thính giả đồng hương với Ngài rất thán phục. Đến khi Chúa Giêsu nói đến một chân lý là ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người thì những người đồng hương lại không đồng ý. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ trổ tài làm nhiều phép lạ tại chính quê hương của mình. Vì đã lâu rồi người làng Nagiarét đã nghe tin đồn về tài làm phép lạ của Chúa Giêsu. Họ suy nghĩ theo kiểu "Một người làm quan cả họ được nhờ". Họ tưởng rằng Chúa Giêsu, một người thuộc làng quê Nagiarét mà có tài hơn người thì những người đồng hương, những người bà con họ hàng được tiếng thơm lây.

 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không suy nghĩ và hành động như thế. Đối với Ngài không có một sự ưu tiên nào ngoài sự ưu tiên dành cho những người nghèo khổ bất hạnh và người có tấm lòng thành tâm thiện chí. Chúa Giêsu quả thật là ngôn sứ và là Lời Thiên Chúa. Ngài được sai đi với hết mọi người, mọi dân tộc, không loại trừ một ai. Ngài ra đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho những ai thành tâm cầu mong, muốn tiếp đón Ngài và nhận lấy ơn Ngài ban cho.

 

Nhờ bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ. Chúa đang sai chúng ta đến với từng môi trường sinh sống hàng ngày, nơi mình học tập, làm việc và gặp gỡ nhau để đem Chúa đến cho tha nhân. Có thể cũng như các ngôn sứ, chúng ta sẽ bị người đời khước từ, nhưng đừng bao giờ thất vọng vì có Chúa là sức mạnh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta hãy đứng vững trong niềm tin cậy mến ở Chúa. Chúng ta đừng nói và làm theo yêu cầu của người đời mà chỉ nói và làm theo lời dạy của Tin Mừng, của Lời Chúa mà thôi.

2. Đức Giêsu - Đức Mến cao cả:

Trong bài đọc 2 hôm nay, đoạn thư thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôsê là một bản văn quan trọng. Bản văn này chúng ta thường hay gọi là Bài ca Đức Mến. Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu hãy ao ước những nhân đức cao cả, mà hơn hết là Đức Mến. Vì Đức Mến là nền tảng, không có Đức Mến thì mọi việc làm, dù được xem là lạ lùng, mọi nhân đức, mọi việc làm tốt, làm một cách anh hùng đều như không. Giáo huấn của Thánh Phaolô và của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn ăn khớp với nhau. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta là sự nối dài của Bài ca Đức Mến. Đức Mến giữ vai trờ rất quan trọng trong đời sống của người tín hữu, mọi việc chúng ta làm mà thiếu Đức Mến thì không thể trở nên tốt lành.

 

Hơn nữa, qua đoạn thư này Thánh Phaolô còn đưa chúng ta đến một ý nghĩa cao sâu hơn. Đức Mến ở đây được đồng hóa với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Tình yêu, là Đức Mến cao cả được ban cho con người qua mọi thời đại. Cách nói trong lòng mến và trong tay Chúa được thấy trong các thư Phaolô nhắc đến ý nghĩa đó. Như vậy chỉ trong Chúa chúng ta mới làm được những điều có giá trị, cuộc đời sẽ có ý nghĩa và đáng sống hơn. Khi ca ngợi Đức Mến thánh nhân cũng muốn ca ngợi Đức Giêsu. Chỉ nhờ Ngài, trong Ngài, và cùng với Ngài, Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người và mặc khải quan trọng nhất là Thiên Chúa tỏ tình yêu thương với con người.

 

Nhưng chướng ngại vật chúng ta phải vượt qua là lòng ích kỷ, chúng ta muốn đóng khung ân sủng của Thiên Chúa, tính kiêu căng tự mãn làm cho chúng ta không mở lòng đón nhận Chúa được. Đó là tình trạng thiếu lòng mến, thiếu Đức ái hay thiếu sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của chúng ta.

 

Điều mà hôm nay cần cầu nguyện với Chúa là xin Ngài ban cho chúng ta thật nhiều lòng mến, xin Ngài hiện diện trong cuộc đời của chúng ta mỗi ngày, để cùng với Ngài và với quyết tâm của mỗi chúng ta, mỗi một ngày mới là chúng ta biết đổi đời theo định hướng "hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật... tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả".

 

Lạy Chúa Giêsu là lời của Thiên Chúa nói nói con ngườI. Nhất là Chúa đã tỏ cho chúng con biết Thiên Chúa luôn yêu thương và có thể làm tất cả mọi sự vì  con người. Xin Chúa ban cho chúng con thật nhiều lòng mến, để chúng con có thế chu toan sứ mạng làm ngôn sứ giữa cuộc đời này, để chúng con cũng rao truyền Tình yêu Chúa cho tha nhân mà không sợ ngườI khác đe doạ mình vì Chúa là sức mạnh của con, con còn sợ chi ai. Amen

 

Martin Lê Hoàng Vũ

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà