CHÚA NHẬT  5 QUANH NĂM

(Lu-ca 5: 1-11)

       

        Sau khi bị ngược đãi tại quê nhà, Chúa Giê-su rời Na-da-rét tiến sang Ca-phác-na-um, nơi Người đã khởi đầu sứ vụ.  Có lẽ sau những ngày bắt đầu tại Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su đã nhìn thấy nhu cầu phải có những người cộng tác.  Người đặt hy vọng trước hết nơi những người thân thuộc bạn bè từ hồi niên thiếu.  Do đó Người đã trở về Na-da-rét, mong tìm được những người đồng chí hướng.  Nhưng Người đành phải chào thua thói thường bụt nhà không thiêng.

        Tại Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su kêu gọi bốn môn đệ.  Ông Phê-rô là người đầu tiên được kêu gọi.  Thánh Lu-ca đã khéo léo ghi lại mọi hoàn cảnh liên hệ đến việc kêu gọi này, từ ngoại cảnh cho đến niềm thán phục tận trong tâm hồn, để diễn tả việc Phê-rô đáp lại lời gọi của Chúa sẽ là gương mẫu cho tất cả những ai muốn dấn thân làm môn đệ Chúa.  Nói khác đi, Chúa gọi ta làm môn đệ Người thì lời gọi của Người được biểu lộ qua những hoàn cảnh bên ngoài và lời đáp lại của ta sẽ là thái độ khiêm tốn nhìn nhận mình bất xứng, nhưng vẫn muốn quảng đại đi theo Người và tín thác hoàn toàn nơi Người.  Ta có thể nhận ra tiến trình làm môn đệ Chúa qua việc Chúa gọi Phê-rô.

 

a)  Ngoại cảnh ơn gọi làm môn đệ của ông Phê-rô

 

        Để hiểu được những lý do nào đưa tới việc Chúa gọi ông Phê-rô và ông đáp lại lời gọi của Chúa, ta nên đọc lại mấy đoạn Tin Mừng trước đó, để thấy rằng có những ngoại cảnh đã đưa Chúa Giê-su và Phê-rô đến với nhau.

        Trước hết là những gì đã xảy ra tại Ca-phác-na-um.  Ca-phác-na-um, một làng đánh cá bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét và là quê hương của Phê-rô, ít lâu nay không còn im lìm từ khi Chúa Giê-su xuất hiện.  Tất cả những gì người ta thấy và nghe tại đây đều gây một ấn tượng mạnh mẽ cho Phê-rô.  Thánh Lu-ca ghi lại một vài biến cố tiêu biểu mà nhân vật chính là Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su giảng dạy và chữa lành một người bị quỷ ám (Lc 4:31-37).  Chúa Giê-su chữa bà mẹ vợ ông Phê-rô khỏi cơn sốt (Lc 4:38-39).  Chúa Giê-su chữa lành đủ thứ bệnh nhân và những người bị quỷ ám (Lc 4:40-41).  Chúa Giê-su lên đường đi rao giảng khắp miền Giu-đê (Lc 4:42-44).  Tất cả những gì Chúa Giê-su thực hiện và rao giảng đã giúp ông Phê-rô nhận ra Người không tầm thường như những người khác.  Tuy nhiên vẫn chưa có một quan hệ cá nhân nào giữa hai người, mãi cho tới khi Chúa chữa lành cơn sốt cho bà mẹ vợ ông.  Việc chữa lành này đã lôi cuốn ông đến gần Chúa hơn và trở nên quảng đại với Chúa hơn.  Ông đã hy sinh những mẻ lưới cá, neo thuyền bên bờ hồ và để cho Chúa sử dụng thuyền của ông, phương tiện sinh sống của ông, làm giảng đài và “thí điểm truyền giáo.”

        Khi kể lại những điều Chúa Giê-su làm tại Ca-phác-na-um, thánh Lu-ca như muốn diễn tả một cánh đồng truyền giáo, một tình huống của nhân loại cần được nghe Tin Mừng rao giảng và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa.  Rao giảng, chữa lành và tiêu diệt quyền năng của ma quỷ là tất cả nội dung của sứ vụ cứu thế mà Chúa Giê-su đã công bố khi Người tuyên đọc Sách Thánh tại hội đường Na-da-rét.  Ca-phác-na-um, cái nôi của công cuộc truyền giáo, chỉ là khởi đầu.  Chúa Giê-su đưa mắt nhìn về Giu-đê và toàn thế giới:  “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4:43).  Trong viễn ảnh đó, Người cần có những người cộng tác.  Hoàn cảnh thế giới cần chữa lành, cần chiến thắng thần dữ, cần nhận ra tình thương Thiên Chúa là yếu tố giúp ta nhận ra tính cách khẩn thiết của lời kêu gọi làm môn đệ Chúa Giê-su.  Hoàn cảnh ấy đặt câu hỏi trong tâm hồn Phê-rô:  Vậy tôi phải làm gì cho Chúa Ki-tô?

 

b)  “Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá”

 

        Với những lời mộc mạc, ngắn gọn và thích hợp với con người Phê-rô, Chúa Giê-su nhìn thẳng vào mắt Phê-rô và nói với ông những lời trên.  Đâu cần phải khách sáo như Lưu Bị ba lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh!  Chúa Giê-su đi thẳng vào tâm tư của Phê-rô:  đó là tâm tư sợ hãi và không biết sẽ làm gì.  Ông sợ sắp sửa phải phiêu lưu với một tương lai chẳng có gì rõ ràng.  Ông sợ không dám đến gần Chúa vì ông là kẻ tội lỗi.  Ông sợ cho mẹ già, vợ con.  Hằng trăm nỗi sợ nổi lên như sóng lớn.  Nhưng Đấng sẽ truyền cho sóng gió yên lặng nói với ông như ban một mệnh lệnh:  Đừng sợ.

        Trước mối ưu tư không biết sẽ làm gì của Phê-rô, Chúa Giê-su cũng có cách giải quyết của Người.  Dễ ợt mà!  Anh là dân đánh cá, thì anh cứ tiếp tục đánh cá!  Nhưng là loại cá có trí khôn, loại cá sẽ bị mắc vào lưới Nước Trời, vì “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá...” (Mt 13:47).  Mẻ lưới cá vừa bắt được là điển hình cho thấy nếu Phê-rô đã thực hiện thành công theo lời chỉ dẫn của Chúa Giê-su về một mẻ cá biển hồ, thì chắc chắn ông cũng sẽ hoàn tất được sứ vụ mới dưới sự hướng dẫn của Thầy trong những mẻ cá thiêng liêng. 

Thành công của mẻ lưới giúp Phê-rô xác tín nhiều điều.  Nó giúp ông biết mình, biết Chúa.  Không chỉ là cái biết của trí óc, nhưng của con tim, của quan hệ mật thiết giữa Chúa và mình.  Ông biết mình là kẻ tội lỗi, không đáng theo Chúa.  Nhưng ông cũng biết Chúa sẵn sàng tiếp nhận ông, dạy dỗ ông trong ơn gọi làm môn đệ.  Cho nên mới có chuyện “đưa thuyền vào bờ, bỏ hết mọi sự mà theo Người.”

 

c)  Ơn gọi làm môn đệ Chúa là ơn gọi cho mọi người   

 

        Những gì Chúa đã làm cho Phê-rô cũng chính là những gì Chúa đã hoặc đang làm cho ta.  Nhìn vào bản thân, ta cũng thưa với Chúa:  Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!  Nhưng đáng tiếc, lời thưa đó thường lại ngầm hiểu là một lời thoái thác, chứ không phải là một nhìn nhận đích thực về sự bất xứng của ta.  Thưa như vậy để làm cớ trốn tránh cho lẹ thôi.  Ông Phê-rô thưa với Chúa những lời trên, nhưng với một thái độ chân thành, ngay thật và không có gì là che đậy, đúng như thánh Lu-ca mô tả:  “Ông Si-mon Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói...” (Lc 5:8).

        Câu truyện ông Phê-rô làm môn đệ Chúa bao giờ cũng gợi cho ta những ý lạ, giúp ta cũng giống như ông, nghĩa là biết mình, biết Chúa.  Nhưng ta có dám bỏ hết mọi sự mà theo Người hay không, thì đó là chuyện của ta với Chúa.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện     

 

        Chúa Giê-su gọi tôi làm môn đệ Người trong hoàn cảnh nào?  Hoàn cảnh ấy thích hợp với sứ mệnh tông đồ nào của tôi?

        Có khi nào tôi nghĩ là Chúa cần tôi không?  Nếu không, thì tại sao?

        Khi nói với tôi:  “Đừng sợ, từ nay con sẽ bắt người như bắt cá,” Chúa muốn bảo tôi làm gì?

        Tôi bắt đầu theo Chúa để học điều gì?

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        sống cho Chúa thật là điều khó.

        Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

        Chúa đòi con cho Chúa tất cả

        để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

        Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

        để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa,

thì Chúa đã sống trong con

và thuộc về con từ lâu.  A-men.

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà