SUY NIỆM CHỦ NHẬT VI
THƯỜNG NIÊN 11-2-2001
Trong
cuộc sống của anh chị em hải ngoại có một cái hết sức quen thuộc, ngoài sự quan
trọng cần thiết để có thể hội nhập xã hội Mỹ, thì ít ai đặt vấn đề : đó là cái
thẻ tín dụng (credit card). Cho dù có mặt ở đấy hơn 4 tháng, có thoáng thấy mấy
người cháu quẹt thẻ nơi quầy thu tiền các siêu thị, nhưng chưa cầm nó trên tay,
thành ra chẳng biết hình thù và cơ cấu của nó. Nhưng có lần tôi thấy người ta
cũng hết sức bối rối vì máy không nhận thẻ, cuối cùng phải nhờ thẻ của người
cùng đi. Tôi hiểu đại khái là thẻ này có một ai đó bảo chứng giá trị cho nó
trên khắp đất Mỹ. Cũng thật tiện lợi và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của
đất nước chú Sam. Ở Việt Nam thẻ tín dụng chưa có thói quen lưu hành trên thị
trường, nó vẫn chỉ như một biên lai giữa 2 đối tác trực diện.
Qua vài
nét về thẻ ấy cuối cùng tôi nhận ra rằng "niềm tin" vẫn là vấn đề
sống còn và thịnh vượng của nhân loại. Thiếu nó, con người vẫn không thể trở
thành con người bình thường trong xã hội, dù đó là xã hội Mỹ. "Niềm
Tin" cần được "bảo kê" hay "bảo chứng" để có giá trị
khách quan trong xã hội, để rồi nó có thể tương tác với xã hội trong những lãnh
vực không phải là nó. "Niềm Tin" cũng có thể bị lợi dụng về phía này
hay phía kia, và khi "niềm tin" phá sản thì đại họa ập tới, người ta
cũng không thể mường tượng hết mọi hậu qủa của nó trên đất Mỹ.
Trong
cuộc sống của anh chị em hải ngoại hiện nay đang lên cơn sốt vì thị trường
chứng khoán. Rõ ràng đây là một thứ đặt cược niềm tin của mình vào những cổ
phần của một công ty nào đó. Và chính ở cái thị trường lớn lao này, thị trường
vượt ra khỏi mọi sự kiểm soát tương tác, mà tôi có thể nói chính đây là chợ rao
bán và đổi chác niềm tin. Một sự kiện khó thấy trong những xã hội cổ xưa. Và
cách nào đó khi niềm tin trở thành hàng hóa thì nó đã bộc lộ mặt trái của nó :
bản chất cũng chỉ là cái mồi cho thiên hạ cắn câu. Nền kinh tế Mỹ dù thịnh
vượng không nước nào sánh kịp, nhưng không ai có thể đánh giá thực chất nó là
gì, tất cả chỉ là những con số đã được cược vào đó. Mỗi cổ phần của một công ty
mang giá trị của những niềm tin đã cược vào nó. Và vì vậy, vấn đề sống còn của
kinh tế Mỹ là duy trì niềm tin của khách "làng chơi". Chúng ta mới
thấy cái ngớ ngẩn của con người: trong khi bằng mọi cách loại trừ niềm tin tôn
giáo, thì lại dồn hết tài sức để duy trì "niềm tin" cho khách
"làng chơi".
Theo
Giêrêmia và thánh Phaolô thì đó là "cái khốn" của loài người.
Tại sao
người Kitô chúng ta lại phải mặc cảm về lòng tin của mình: phải che đậy nó.
Nhiều người "có ăn học" bảo rằng làm dấu trong một quán ăn là thiếu
lịch sự. Trong khi cả một xã hội văn minh hàng đầu người ta phải mất hàng chục
nghìn đô để mượn cái thân lõa lồ của một minh tinh để nói lên niềm tin của họ
vào một món hàng (có khi thật kém chất lượng), thì họ lại cho là "lịch sự
và đúng điệu". Ngôn ngữ cũng đã vấy mùi gian trá trong cái chợ buôn bán
lòng tin ấy.
Dấu
Thánh Giá đó là bảo chứng của Niềm Tin Kitô Giáo, theo Luca, đó là bảo chứng
tuyệt vời nhất: vì nó nghèo, vì nó đói khát, vì nó là nước mắt không ngừng chảy,
vì nó là dấu hiệu bị thù ghét, bị trục xuất, bị phỉ báng. Bởi vì Luca người
cộng sự một thời của Phaolô đã xác tín rằng Thánh Giá chính là lối vào Sự Sống
Lại. Và đấy là tất cả niềm tin và hy vọng của người Kitô Hữu. Ở đây không phải
là con số nay còn mai mất, mà là Một Đấng, Một Con Người đã chết và sống lại vì
mỗi người chúng ta.
Lm.
Giuse Nguyễn Hữu Duyên.