Chúa
Nhật thứ 6 Thường Niên,C
(15-2-2004)
Những mối Phúc và mối họa đích
thực
ĐỌC LỜI CHÚA
· Gr 17,5-8:
(5) Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi
nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! (7) Phúc thay
kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.
· 1 Cr
15,12.16-20: (19) Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này
mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. (20) Nhưng không
phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc
ngàn thu.
· TIN MỪNG: Lc 6,17.20-26
Những mối phúc và những mối họa đích
thật
(17) Đức Giêsu đi
xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn
đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ
miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh
tật.
(20) Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ
và nói: «Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên
Chúa là của anh em. (21) Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ
đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là
những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. (22) Phúc cho
anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên
như đồ xấu xa. (23) Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây
phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng
đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. (24) Nhưng khốn
cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
(25) Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được
no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang
được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. (26) Khốn cho
các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha
ông họ đối xử như thế».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có thấy những mối phúc và họa đích thực bài Tin Mừng này có liên
hệ đến luật nhân quả không? Bạn hiểu thế nào về luật nhân quả?
2. Nếu chỉ có đời sống trần gian này là duy nhất, thì bài Tin Mừng trên
có còn đúng không? Nếu còn có đời sống vĩnh cửu nữa thì sao?
Suy tư gợi ý:
1. Luật nhân quả trong vũ trụ, trong cuộc đời trần gian
Bài Tin Mừng
hôm nay nói lên tương quan nhân quả mang tính tất yếu giữa quá khứ và hiện tại,
giữa hiện tại và tương lai, hay giữa thời trước và thời sau. Tương quan đó diễn
tiến theo những định luật cố định đã được Thiên Chúa thiết lập trong vũ trụ.
Những định luật đó có thể tóm lại trong những mệnh đề sau đây: Có gieo mới
có gặt; Gieo nhân nào gặt quả nấy; Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt
nhiều; Từ lúc gieo đến lúc gặt đòi hỏi phải có thời gian, và phải vất vả bỏ
công sức ra.
2. Giải thích luật nhân quả
– Có gieo mới có gặt: Không sự việc nào xảy ra trong cuộc đời
mà không có nguyên nhân. Thấy một cây rợp bóng mát bên vệ đường, không ai nghĩ
rằng tự nhiên nó mọc lên, mà nghĩ rằng phải có người trồng nó. Hay ít ra là có
một con chim nào đó đã gieo hạt ở đấy… Hạnh phúc hay đau khổ ta được hưởng hay
phải chịu đều có nguyên nhân do chính ta – đôi khi do ai đó – tạo ra trước đó.
Và những gì ta đang có hoặc đang làm đều là nguyên nhân phát sinh hiệu quả
trong tương lai. Sách Giảng Viên viết: «Kẻ không gieo chẳng bao giờ gặt» (Gv
11,4).
– Gieo nhân nào gặt quả nấy: Nhìn cây cam, ta chắc chắn nó phải mọc
lên từ hạt cam, không thể từ một hạt khác được. Nghĩa là thấy nhân thì biết
quả, và nhìn quả thì biết nhân: «Cứ xem người ta sinh ra quả nào, thì biết họ là ai. Ở
bụi gai, làm gì có nho mà hái? Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả
xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt»
(Mt 7,16-18). Cũng vậy, hành động tốt ắt phải đem lại hạnh phúc, và hành động
xấu ắt phải dẫn đến đau khổ. Sự tương ứng này đạo Phật gọi là «nghiệp báo».
Thánh Kinh viết: «Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy» (Gl 6,7); «Gieo gió thì
phải gặt bão» (Hs 8,7; x. G 4,8);
– «Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều»
(2Cr 9,6):
Nhân và quả không chỉ tương ứng về chất, mà còn về lượng nữa. Gieo
một hạt thì chỉ được một cây, gieo trăm hạt thì được cả trăm cây.
– Từ lúc gieo đến lúc gặt đòi hỏi phải
có thời gian: Thời gian là một yếu tố quan trọng để hạt phát triển thành
cây, và để cây ra trái. Thời gian đó lâu hay mau tùy từng loại cây. Cây ngô chỉ
cần trồng 3 tháng là ra trái, nhưng cây sầu riêng thì phải mất 7 đến 10 năm.
Không thể thúc cây mọc nhanh hơn hay giục hoa kết trái sớm hơn. Kết quả của
việc lành nhiều khi phải 5,10 năm sau mới hưởng được. Cũng như hậu quả của một
hành động xấu phải 3,4 năm hay cả chục năm sau mới thấy được. Do đó, nhiều khi
phải chờ đợi kết quả, hoặc đừng tưởng sẽ tránh được hậu quả. Rất nhiều trường
hợp hành động ở đời này, nhưng đến đời sau mới sinh kết quả hay hậu quả.
– … và phải vất vả bỏ công sức ra: Để cây lúa mọc lên và sinh ra hạt lúa,
người nông dân phải cày bừa, gieo hạt, làm cỏ, dẫn nước, trừ sâu, bón phân, rồi
gặt, đập lúa và xay lúa. Bao công lao và mồ hôi phải đổ ra: «Ai ơi bưng
bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần» (Ca dao). Nhưng
công lao và mồ hôi ấy nếu chính đáng sẽ đổi thành vui mừng và hạnh phúc: «Gieo trong
đau thương sẽ gặt giữa vui mừng» (Tv 126,5-6).
Ai cũng sợ
khổ và muốn được hạnh phúc. Nhưng người khôn thì tránh được khổ và tạo được
hạnh phúc, còn người dại tuy muốn tránh khổ nhưng vẫn vướng đau khổ và không
tìm thấy hạnh phúc. Vì «người khôn sợ nhân, người dại sợ quả».
Muốn tránh khổ thì phải tránh từ nhân. Cứ tạo nhân khổ thì khi quả khổ đến làm
sao tránh được? Muốn được phúc thì phải tạo phúc từ nhân. Nếu tạo nhân phúc thì
dù chẳng mong cầu, quả phúc vẫn đến.
3. Luật nhân quả với các mối phúc thật và các mối họa thật
Chúng ta dễ
hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay khi đối chiếu nó với luật nhân quả và niềm tin vào
đời sống vĩnh cửu sau cuộc sống ngắn ngủi này. Minh họa sau đây cũng giúp ta
hiểu đoạn Tin Mừng trên sâu xa hơn.
Trên thế
giới, có rất nhiều người đang phải sống trong những chế độ độc tài, thiếu nhân
quyền và tự do cần thiết. Họ cảm thấy khó sống nên quyết tâm đi tị nạn, nghĩa
là di chuyển với bất cứ giá nào đến những vùng đất tự do để cuộc sống thoải mái
hơn. Những người có ý định đi tị nạn này có hai cách suy nghĩ và hai cách sống
khi còn ở vùng đất cũ mà họ muốn rời bỏ:
Cách 1: Từ khi có ý định đi tị nạn, họ coi cuộc sống của họ
tại vùng đất họ đang sống như cuộc sống tạm bợ, và coi cuộc sống họ sẽ sống tại
vùng đất tự do mới là cuộc sống đích thực và lâu dài của họ. Vì thế, nhiều
người đến tuổi lập gia đình đã không dấn thân vào tình yêu để không bị cản trở
cho việc dời đổi chỗ ở. Nhiều người bị thiếu thốn nghèo khổ nhưng đã từ chối
những chỗ làm có lương bổng rất lớn để khỏi bị ràng buộc vào hợp đồng khi cần
phải ra đi. Nhiều người rất giàu có, thay vì mua sắm nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ
sang trọng như những người giàu có khác, thì lại chấp nhận sống nghèo khổ để có
thể dành tiền hầu có thể sử dụng trong cuộc sống mới. Tóm lại, tại vùng đất cũ,
họ sống một cách đơn sơ, khó nghèo, làm những nghề tạm bợ để «lấy ngắn
nuôi dài», tạm ngưng tiến hành tất cả những chuyện quan trọng trong
cuộc đời. Tất cả đều để chuẩn bị cho cuộc sống sau này tại vùng đất tự do.
Cách 2: Mặc dù có ý định đi tị nạn, nhưng những người theo
cách này chẳng chuẩn bị gì cho cuộc sống sắp tới. Khi còn sống tại vùng đất mà
họ sẽ rời bỏ, họ sống như thể họ sẽ sống ở đấy vĩnh viễn. Vì thế, họ mua sắm
nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ như bao người không có ý định tị nạn. Họ tiếp tục
tính toán những chuyện lâu dài như dấn thân vào tình yêu hôn nhân, hợp đồng làm
ăn lâu dài với nhiều người, v. v… Đến khi được phép ra đi, họ không kịp bán
ruộng vườn, nhà cửa, xe cộ, nên phải bỏ lại tất cả. Tình yêu hôn nhân của họ
đang tiến hành bỗng dở dang: đi thì đành phải chia tay với người yêu và thành
kẻ bội tình, mà muốn chung tình thì phải bỏ ý định đi tị nạn… Các hợp đồng lâu
dài bỗng nhiên bị cắt ngang và phải bồi thường (nếu không trả trước khi ra đi
thì khi qua vùng đất mới cũng phải trả)… Vì thế, khi đến vùng đất tự do, họ
không còn gì, mà nợ nần thì chồng chất.
Giữa hai cách
ấy, cách nào khôn ngoan hơn? Khi còn ở vùng đất cũ, những người theo cách 1
phải sống thiếu thốn, khó khăn, đang khi những người theo cách 2 thì sống rất
đầy đủ, ung dung. Nhưng khi sang đến vùng đất mới thì ngược lại, người theo
cách 1 có một tương lai tươi sáng, còn người theo cách 2 có một tương lai đen
tối. Vậy thì sự khó khăn thiếu thốn của những người theo cách 1 ở vùng đất cũ là
họa hay là phúc? Và sự đầy đủ, ung dung của những người theo cách 2 ở vùng đất
cũ là phúc hay là họa?
Cuộc đời ta
đang sống tại trần gian – mà theo Thánh Kinh thì thủ lãnh của nó là ma quỉ (x.
Ga 12,31; 14,30; 16,11; Ep 2,2) – đầy những bất trắc, đau khổ và đầy hạn chế…
có khác gì cuộc sống khó khăn dưới một chế độ độc tài. Nhưng cũng theo Thánh
Kinh, chúng ta còn có một cuộc sống khác lâu dài hơn, hạnh phúc hơn, tự do hơn
rất nhiều ở bên kia cõi chết; đó là đời sau hay cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống
cơ cực đời này kéo dài nhiều lắm khoảng 100 năm, còn cuộc sống hạnh phúc kia
kéo dài vô tận. Người Kitô hữu tuy sống ở trần gian, tuy tích cực xây dựng cuộc
sống ở trần gian, nhưng tâm hồn luôn ngưỡng vọng về cuộc sống hạnh phúc đời
sau. Có hai cách sống ở đời này, tương tự như cách 1 và 2 trong minh họa trên.
Mỗi người
chúng ta đang sống theo cách nào? Những gì bất lợi cho cuộc sống đời sau, dù nó
có đem lại lợi lộc vô vàn ở đời này, cũng là những mối họa. Còn những gì thuận
lợi cho cuộc sống đời sau, dù có đem lại nhiều bất lợi cho cuộc sống đời này,
cũng là những mối phúc. Đặt vấn đề như thế, chúng ta sẽ dễ hiểu được đâu là
những mối phúc đích thực, đâu là những mối họa đích thực khi ở trần gian này.
Nhờ đó ta mới hiểu được những câu nói có vẻ như nghịch lý của Đức Giêsu trong
bài Tin Mừng trên.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con biết luật nhân quả là gieo nhân nào thì gặt
quả nấy. Nếu con gieo nhân thuộc trần gian, con sẽ gặt được những gì thuộc trần
gian. Nếu con gieo nhân thuộc vĩnh cửu, con sẽ gặt được những gì thuộc vĩnh
cửu. Khi còn ở trần gian, nếu con chỉ gieo nhân thuộc trần gian, thì khi bước
sang đời sống vĩnh cửu, con hoàn toàn trắng tay. Nếu ở đời này, con gieo nhân
cho đời sau, thì đời sau con sẽ giàu có, nhưng đời này con phải chấp nhận cuộc
sống chỉ tạm đủ với những gì tình thương quan phòng của Cha ban cho con. Xin
cho con nhận ra đâu là cách gieo nhân khôn ngoan nhất, đem lại lợi ích cho con
nhất.
Joan Nguy ễn Chính Kết