SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
(18-2- 2001)
Lời Chúa
hôm nay gợi lại cho tôi hành trình 4 tháng rưỡõi rong ruổi qua các cộng đoàn 6
tháng trước đây để trang trải nợ cho nhà thờ. Tôi đã gặp những tâm hồn sống Tin
Mừng: làm phúc không cần biết tới sự đền đáp. Thậm chí, cũng chẳng cần biết tới
thành qủa thực tế. Nhưng đôi khi tôi cũng gặp những thắc mắc, những khó chịu,
những bất đồng quan điểm. Người ta đã nói tới giáo hội phải từ bỏ, phải là giáo
hội của người nghèo, phải là giáo hội đồng hành với những con người khốn
cùng... họ nói đúng. Và nhiều đêm suy nghĩ về những món nợ khổng lồ chỉ vì cái
nhà thờ "qúa tầm mức" của mình, tôi cũng rất trăn trở. Nhưng tôi
không phải là người khởi xướng, tôi chỉ biết hôm nay tôi phải có bổn phận trả
nợ. Và tôi đành phó thác và tiếp tục lặn lội. Trên cái hành trình ấy, một lần
có người bảo cho tôi hay người ta còn cảnh báo đừng cho tôi, vì rằng nghe nói
tôi lợi dụng để có tiền chi cho ... thôi, tôi không dám nghĩ đến. Cái quyền của
mỗi người là có thể và phải hành động theo lẽ phải. Và tôi tiếp tục lên đường.
Thực
tình mà nói, cái ông Đavid hôm nay có một quyết định lạ đời. Xét về mọi mặt,
chính ông mới là Vua của Israel, và Saolê chỉ còn là kẻ tham quyền cố vị, là
tai hoạ của Dân Chúa. Đavid giết Saolê đó phải là lẽ thường tình thuận lòng
người và thuận đạo trời. Nhưng Đavid lại không làm thế! Chắc chắn Đavid đã làm
theo lẽ phải, cho dù có thể không ít người chê ông ấy điên khùng.
Có một
thời người ta thường nhắc đến câu nói của Chúa "ai vả con má phải, hãy
chìa má trái..." để nhớ tới một người đàn bà cách đây hằng mấy chục năm đã
vịn vào để phê phán người công giáo...dù sao thì chính con người Giêsu cũng đã
bị chê là dại dột. Xem ra ngay trên bình diện đạo đức nhất và cũng ít mâu thuẫn
về quyền lợi nhất, thì con người vẫn còn bị xâu xé bởi những quan điểm khác
biệt.
Có lẽ
chỉ còn cách phân biệt của Phaolô, có thể giúp chúng ta vững lòng bước đi trên
nẻo đường đã chọn: Phaolô nói về con người điạ giới và con người thiên giới. Và
như vậy chỉ nơi một mình Đức Giêsu 2 con người ấy trở nên Một. Đavid đã là hình
ảnh của Đức Kitô. Cái suy nghĩ của Đavid, cũng như của Chúa Giêsu về con người
đối diện rất đơn giản: bản thân họ là một mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa,
Đavid và Đức Giêsu tiếp nhận mỗi con người như là mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên
Chúa. Tình Yêu ấy thật kiên trì và bao dung lạ lùng. Tình yêu nâng con người
bất xứng và tội lỗi lên ngang tầm với sự sống và sự chết của CON MỘT YÊU DẤU.
Trong cách nhìn đó, mỗi con người, dù là kẻ thù, vẫn còn là đối tượng của Tình
Yêu.
Tôi cũng
đã cố gắng trong hành trình trên đất Mỹ để nghiền gẫm về sự lựa chọn của mình.
Để rồi như anh biết, cuối cùng bản thân tôi sau hành trình ấy tôi nghiệm ra
Chúa vẫn yêu thương tôi, cho dù tôi hết lầm lỗi này tới lầm lỗi khác. Và như
thế mỗi con người tôi gặp gỡ đều thật đáng yêu hơn chính con người tôi. Tôi suy
nghĩ là Lời Chúa hôm nay chỉ có thể hiểu được trong niềm vui của con người tội
lỗi cảm nhận được lòng thương xót vô bờ của Chúa.
Nhưng
cái khó là trong cái điạ giới này, ở đâu cũng chỉ thấy con người "công
chính", không ai chân nhận mình là "tội nhân", thành ra Lời Chúa
xem ra qúa ngây dại ?
Linh Mục
Giuse Nguyễn Hữu Duyên