CHÚA
NHẬT 1 MÙA VỌNG
(Mát-thêu
24: 37-44)
Mùa
Vọng là thời gian Giáo Hội giúp chúng ta hướng về Chúa Giê-su, Đấng đã đến
trong lịch sử, đang đến trong Giáo Hội và sẽ đến trong ngày thế mạt. Bài Tin Mừng hôm nay nói về ngay tái lâm của
Chúa, nhưng lại muốn đưa ta vào một hoàn cảnh thu hẹp hơn, đó là sự kiện Chúa
đến với từng cá nhân qua cái chết và ta phải đối diện với số phận tương lai mà
chính ta đã phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Lời giảng của Chúa Giê-su không dọa nạt ta về việc Người sẽ trở lại bất
ngờ hoặc về cái chết của ta sẽ tới mà không báo trước. Chúa chỉ muốn nhắc nhở ta những điều ta
không muốn nhìn nhận, nhưng lại vô cùng quan trọng và quan hệ tới phần rỗi của
ta.
a) Có những người sống chủ nghĩa hiện sinh, không muốn chấp nhận
tương lai
Trưng
dẫn hoàn cảnh trước thời lụt hồng thủy, Chúa Giê-su nói đến những người sống mà
“không hay biết gì, cho tới khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.” Sống mà không muốn biết gì về tương lai
không phải chỉ là lối sống của những người thời ông Nô-ê, nhưng ta còn gặp thấy
họ ở mọi thời mọi nơi. Họ không muốn
nhìn nhận sự sống con người với cái nhìn toàn diện, như cái nhìn của Đấng Tạo
Hóa khi Người dựng nên họ. Những thực
tại về cuộc sống của ta không chỉ nằm trong những phạm trù “con người” và hiện
tại, nhưng còn là thần linh và vĩnh cửu, vì ta được dựng nên không chỉ từ đất
bụi mà còn do sinh khí từ Thiên Chúa chuyển sang và được dựng nên “theo hình
ảnh” Người.
Những
kẻ sống hiện sinh chỉ nhìn thấy hiện tại và những gì liên hệ tới sự sống thể
xác của họ, như ăn uống, dựng vợ gả chồng...
Mục đích cuộc sống chỉ nằm trong bình diện thể chất ấy, chứ không hướng
tới mục đích đích thực là được sống đời đời với Đấng đã dựng nên họ. Nói khác đi, họ mới chỉ dừng lại ở phương
tiện và coi đó đã là mục đích rồi.
Thánh I-nhã Loyola giúp ta đặt lại vấn đề ý nghĩa cuộc sống của ta ở đời
này. Ngài xác định “Nguyên lý và Nền
tảng” của cuộc sống là: Con người được
dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh
hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng
được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho
họ. Bởi thế người ta chỉ được dùng tạo
vật theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ chừng nào chúng làm
cản trở (Linh Thao, số 23).
Đặt
mục đích cuộc đời vào hiện tại, kẻ sống chủ thuyết hiện sinh coi cái chết như
kết thúc và sau đó không còn gì nữa. Họ
không muốn nhìn nhận tương lai. Do đó,
họ lừa dối chính mình và cố ru ngủ thao thức căn bản của con người, thao thức
mà thánh Augustinô đã cầu nguyện với Chúa:
Lạy Chúa, linh hồn con chỉ được bình an khi nào được nghỉ yên trong Chúa
mà thôi!
Chúa
Giê-su đã sử dụng hình ảnh hai người đàn ông làm ruộng và hai người đàn bà xay
lúa, để giúp ta xác tín thực tại là có những người được cứu rỗi (“được đem đi”)
và có những người không được cứu rỗi (“bị bỏ lại”). Thực tại này đưa ta tới kết luận thực hành là ta sẽ thuộc nhóm
người được cứu rỗi hay không là do ta có tỉnh thức và chuẩn bị cho ngày giờ
Chúa đến với ta trong giờ chết của ta hay không. Vậy ta phải chuẩn bị như thế nào?
b) “Hãy canh thức. Hãy sẵn
sàng”
Nếu
ta thực sự tin có sự sống đời sau, thì ta sẽ làm gì để đạt được sự sống
ấy? Trước khi trả lời, Chúa Giê-su lại
cho ta thêm một hình ảnh thực tế. “Nếu
chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó
khoét vách nhà mình đâu.” Chắc chắn kẻ
trộm không điện thoại hoặc email cho ta để báo tin hắn sẽ đến vào ngày giờ
nào! Khí giới của hắn là sự bất
ngờ. Càng bất ngờ càng thuận lợi. Có một câu truyện vui ta thường nghe. Ba tên quỷ mới lớn, học việc, đến thưa với
xếp quỷ Xa-tan về kế hoạch cám dỗ của chúng.
Tên thứ nhất bẩm: “Tôi sẽ nói
với người ta là không có Thiên Chúa nào hết!”
Xa-tan bảo: “Mày không cám dỗ
được nhiều người đâu, vì ai cũng biết là có Thiên Chúa.” Tên thứ nhìn thưa: “Tôi sẽ bảo chúng là không có hỏa ngục đâu!” Xa-tan lắc đầu: “Mày cũng chẳng cám dỗ được ai cả, vì họ đều biết là có hỏa
ngục.” Tên thứ ba trình: “Tôi sẽ khuyên người ta đừng vội vàng, cứ tà
tà.” Xa-tan vỗ tay: “Tốt, tốt!
Đi làm ngay đi!” Khí giới của
ma quỷ là sự bất ngờ. Chúng tạo bất ngờ
cho ta bằng cách bảo ta đừng vội vàng chuẩn bị cho đời sau. Còn kịp chán! Cứ ăn chơi đã! Giống như
nhà phú hộ trong dụ ngôn (Lc 12:16-21) nhủ lòng: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho
đã!”
Còn
Chúa Giê-su, Người khuyên ta phải canh thức.
Canh thức chứ không phải tỉnh thức.
Canh thức mang ý nghĩa mạnh hơn và nhất là có tính cách hành động. Đó là hành động giữ gìn ta khỏi rơi vào tình
trạng “không hay biết gì”, tức là ăn không ngồi rồi và không muốn chấp nhận
những thực tại như cái chết có thể đến bất ngờ và mình có thể bị loại bỏ thay
vì được cứu rỗi. Ý thức đưa ta đến hành
động. Người lính canh biết rằng kẻ địch
có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, cho nên bất cứ lúc nào anh cũng chăm chú nhìn
tứ phía, đi lại để không buồn ngủ, vũ giới trên tay sẵn sàng để ứng phó với
những gì có thể xảy ra... Ki-tô hữu
canh thức cũng giống như vậy để đối phó với bất ngờ. Chúa Giê-su bảo lý do ta phải canh thức là vì “anh em không biết
ngày nào Chúa của anh em đến.” Chúa
Giê-su đã được tôn vinh là Chúa (Pl 2:11).
Ở đây Người nhấn mạnh đến danh hiệu “Chúa của anh em” để ám chỉ về mối
quan hệ giữa Người với ta. Canh thức là
cố gắng phát triển mối quan hệ giữa ta với Người, làm quen với dung mạo của
Người, để ta không còn là kẻ xa lạ đối với Người, giống như những người Do-thái
bất trung đã bị Người từ chối khi họ đến gõ cửa: “Các anh đấy ư? Ta không
biết các anh từ đâu đến!” (Lc 13:25).
Canh thức và sẵn sàng đều là hành động để đối phó với bất ngờ.
Trong
thế giới hôm nay, càng ngày người ta càng khó nhận ra ý nghĩa đích thực của
cuộc sống. Có quá nhiều cái làm cho ta
dễ quên đi tương lai đích thực là sự sống đời đời. Có quá nhiều sự hấp dẫn ở trên mặt đất làm ta dễ quên đi kho tàng
vĩnh cửu và mối mọt không thể đục khoét ở trên trời. Đâu kém gì thời ông Nô-ê!
Qua mùa Vọng, Giáo Hội gióng lên lời kêu gọi mời ta trở về thực
tại. Cuộc sống đời này chỉ là phương
tiện chứ không phải đích đến. Cùng đích
của ta là được ở bên Chúa, chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Người.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Mùa
Vọng khởi đầu năm Phụng vụ. Đó có phải
là cơ hội để tôi thực hiện một khởi đầu mới cho cuộc sống của tôi không? Tôi phải đặt lại ý nghĩa cuộc sống thế nào
cho đúng và thực tế để làm cho cuộc sống tôi có ý nghĩa đích thực?
Cách
tôi sử dụng của cải đời này như thế nào?
Nó là phương tiện hay mục đích?
Nói khác đi, tôi có làm nô lệ cho của cải tiền bạc nên quên mất kho tàng
đích thực là sự sống đời đời không? Nếu
có, thì trong những lãnh vực nào?
Tôi
có chương trình gì thực tế trong mùa Vọng để “canh thức và sẵn sàng”? Tôi sẽ thực hiện bằng những cách nào chắc
chắn có thể làm được?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
giàu
sang, danh vọng, khoái lạc
là
những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng
trói buộc chúng con
và
không cho chúng con tự do ngước lên cao
để
sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin
giải phóng chúng con
khỏi
sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ
cảm nghiệm được phần nào
sự
phong phú của kho tàng trên trời.
Ước
gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán
tất cả những gì chúng con có,
để
mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và
ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước
những lời mời gọi của Chúa,
không
bao giờ ngoảnh mặt
để
tránh cái nhìn yêu thương
Chúa
dành cho từng người trong chúng con.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 13)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
27-11-04