Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng
(5-12-2004)
Sám hối đích thực đòi hỏi sự thay đổi toàn diện
ĐỌC LỜI
CHÚA
· Is
11,1-10: (3) Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên
ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, (4) nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán
quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn.
· Rm
15,4-9: (4) Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh,
đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn,
và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.
· TIN MỪNG: Mt 3,1-12
Ông
Gioan Tẩy Giả rao giảng
(1) Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa
miền Giuđê rằng: (2) «Anh em hãy sám hối, vì
Nước Trời đã đến gần». (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có
tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho
thẳng để Người đi.
(4) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy
châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng
khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu
phép rửa, ông nói với họ rằng: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. (9) Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm
cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không
sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục
lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không
đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và
lửa. (12) Tay Người
cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc
lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Sứ
điệp chính của Gioan Tẩy giả là gì? Là sám hối? Nhưng phải hiểu sám hối thế
nào? Dựa trên điều gì để biết được một người thật lòng sám hối?
2. Người
Pharisêu và Xađốc là những người nắm giềng mối của tôn giáo, được dân chúng coi
là gương mẫu về đạo đức, tại sao Gioan Tẩy giả lại gọi họ là «nòi rắn độc»? Ông có quá đáng không?
3. Cách
đánh giá của Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả về đạo đức và thánh thiện có khác cách
thường tình của chúng ta không? Các Ngài đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nào?
Chúng ta thường dựa trên tiêu chuẩn nào?
Suy tư
gợi ý:
1. Gioan Tẩy giả kêu gọi sám hối
Gioan Tẩy giả xuất hiện để dọn
đường cho Đức Giêsu. Ông chuẩn bị tâm hồn dân chúng để họ xứng đáng đón nhận
Nước Trời do Đức Giêsu sắp đến khai mạc. Theo ông, điều tiên quyết phải làm để
đón nhận Nước Trời là sám
hối: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần».
Sám hối là nhận ra sự sai
trái của mình đối với đường lối của Thiên Chúa và quyết tâm sửa sai. Sám hối
đích thực phải dẫn đến một sự thay đổi toàn diện, một đời sống mới, với quan
niệm mới, nhìn mọi sự và suy nghĩ mọi vấn đề theo cung cách mới, phù hợp với
cách nhìn .và đường lối của Thiên Chúa. Người nào nói mình sám hối mà đời sống
không hề thay đổi, người ấy là người nói dối.
2. Coi
chừng! những người tưởng mình là công chính nhiều khi lại cần sám hối hơn ai
hết
Điều khiến ta phải lấy làm lạ là thái độ của Gioan Tẩy giả đối với những người Pharisêu và Xađốc. Họ là những người dạy dỗ dân chúng về tôn giáo, về lề luật của Chúa. Họ nắm giữ những giềng mối của tôn giáo Do Thái, và được coi là mô phạm, là gương mẫu cho dân chúng. Họ là những người giữ lề luật một cách rất nhiệm nhặt, chi ly đến từng chi tiết. Vì thế, dưới con mắt loài người, họ rất có lý khi tự hào về sự đạo đức, thánh thiện của mình.
Ta không hề thấy Gioan Tẩy giả nặng lời với bọn gái điếm, thu thuế, vốn bị coi là hạng tội lỗi. Nhưng ông lại rất nặng lời với những người thuộc hai phái đạo đức này. Ông gọi họ là: «nòi rắn độc!» Sự kiện này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thông thường, mọi người đều nghĩ: nếu phải dùng từ «nòi rắn độc» để chỉ ai đó, thì bọn thu thuế và gái điếm xứng đáng với từ này nhất. Nhưng Gioan Tẩy giả không nghĩ như vậy. Ông dùng từ độc địa này để gọi chính những người được mọi người coi là đạo đức nhất trong dân chúng. Ông sai lầm chăng? Nếu cho rằng Gioan sai lầm, thì cũng phải cho rằng Đức Giêsu sai lầm luôn khi Ngài nói thẳng với hai nhóm người đạo đức này: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Rõ ràng hai vị đồng quan điểm với nhau!
3. Đức Giêsu
nhìn và đánh giá con người dựa trên tình yêu
Đức Giêsu – cũng như Gioan Tẩy
giả – không đánh giá con người theo cách của chúng ta. Ngài nhìn thẳng vào
chính tâm hồn con người để đánh giá, chứ không chỉ nhìn vào chức vụ, vào những
việc làm tốt đẹp, những nhân đức được tỏ lộ ra bên ngoài ai cũng thấy như chúng
ta. Vì thế, rất có thể những người bị chúng ta cho là tội lỗi vì những hành
động xấu xa bên ngoài, lại được Ngài đánh giá cao hơn những con người được
chúng ta cho là thánh thiện, đạo đức vì những nhân đức hay việc làm tốt lành
của họ. Chính vì Ngài đánh giá khác con người, nên Ngài mới báo trước một sự
đảo lộn không ngờ vào ngày chung cuộc: «Nhiều
kẻ đứng đầu sẽ phải xuống chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên đầu»
(Mc 10,31; xem thêm Mt 7,22-23; 8,11-12).
Đức Giêsu đánh giá con người như
thế nào? Tiêu chuẩn đánh giá của Ngài chính là tình yêu, tình yêu đích thực, vì bản
chất của Ngài chính là tình yêu (x.1Ga 4,8.16). Ai càng có nhiều tình yêu thì
càng giống Ngài và càng có giá trị trước mặt Ngài. Do đó, sự thánh thiện hệ tại
tình yêu mà con người có trong lòng mình, chứ không hệ tại những nhân đức hay
những việc tốt đẹp mà con người làm được. Những thứ này chỉ là biểu hiện tất yếu của tình yêu chứ không
phải là tình yêu. Nếu là tình yêu đích thực
thì đương nhiên phải được thể hiện thành những nhân đức hay việc làm tốt đẹp.
Ai nghĩ hay nói rằng mình có tình yêu, nhưng lại không hề thể hiện tình yêu ấy
thành việc làm, thành nhân đức, thì đó là kẻ nói dối hay ảo tưởng.
4. Không có
tình yêu, mọi việc tốt đẹp đều vô giá trị trước mặt Thiên Chúa
Tuy nhiên người ta vẫn có thể có
những nhân đức hay việc làm hết sức tốt đẹp mà chẳng hề có tình yêu ở bên
trong. Những nhân đức hay việc làm tốt đẹp ấy có thể phát xuất:
– từ tham vọng cá nhân: một người có tham vọng làm tổng thống, bộ
trưởng hay làm một chức sắc cao cấp trong một tôn giáo vẫn có thể tập luyện để
có những nhân đức, hay làm được những việc rất tốt đẹp chủ yếu để đạt được
những địa vị cao cả đó.
– từ chức năng: một cán sự xã hội, một nhân viên tiếp thị, một
đại lý bảo hiểm… phải có những lời nói thật dễ thương, đầy vẻ khiêm nhường và
vị tha, phải có thái độ sẵn sàng giúp đỡ… (mà bình thường mình không có) thì
mới có thể thành công trong nghề nghiệp mình. Làm chức sắc tôn giáo cũng phải
ăn nói hay hành động thế nào để tỏ ra có tình yêu đúng như chức vụ mình đòi
hỏi. Tình yêu này là thứ «tình yêu do chức
năng» hay «tình yêu vì mục vụ».
– từ tính sĩ diện, ham được ca tụng, thích được bái phục, hoặc sợ bị chê
cười, trách móc: biết bao hành động tốt đẹp trên đời được thành tựu
do sự thúc đẩy của động lực rất phổ biến này.
Như vậy, «yêu thật sự» và «có vẻ yêu» thì bề ngoài rất giống nhau đến
nỗi con người nhiều khi không thể phân biệt được, nên trước mặt con người, giá trị của chúng có
thể như nhau, nhưng trước mặt Thiên Chúa lại
rất khác nhau. Thánh Phaolô cho chúng ta biết về sự vô giá trị trước mặt Thiên Chúa của những hành động
tốt đẹp nhưng không phát xuất từ tình yêu, cũng như những đặc sủng không phục
vụ cho tình yêu: «Giả như tôi nói được các
thứ tiếng của loài người và các thiên thần (…) có ơn nói tiên tri và biết hết
mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có đức tin chuyển núi dời non (…) có đem hết
gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr
13,1-3). Không có tình
yêu, thì trước
mặt Thiên Chúa, mọi nhân đức, đặc sủng, việc làm tốt đẹp, thậm
chí đức tin, chỉ là một
dãy số không với chữ số to nhỏ khác nhau mà thôi. Có ai hãnh
diện vì số không của mình to hơn, đẹp hơn, hay dãy số không của mình dài hơn
của người khác không? Đã là số không, thì dù to hay nhỏ, dù đẹp hay xấu, dù là
một chữ số hay nhiều chữ số kết hợp lại, thì cũng đều có giá trị bằng không.
Dãy số không – tượng trưng cho
những nhân đức hay việc làm tốt đẹp – dù dài hay ngắn, dù to hay nhỏ, đều không
có giá trị gì. Nhưng nếu thêm vào đầu dãy số ấy con số 1, thì giá trị của dãy
số hoàn toàn biến đổi. Tình yêu chính là số 1 đứng ở đầu dãy số không ấy, biến tất
cả những số không vô giá trị kia thành một giá trị lớn lao.
Mà tình yêu đích thực lại đặt
nền tảng trên tinh thần tự hủy, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi» của mình. Đấy chính là ý nghĩa đích thực và chủ yếu
của hai chữ «từ bỏ» trong Tin
Mừng. Mọi công trình của con người mà bị đổ bể thường chỉ vì thiếu tinh thần «từ bỏ» này của Tin Mừng. Một người coi «cái tôi» của mình quá quan trọng khó có
thể có được tình yêu đích thực.
Vậy, để sám hối hầu đón Chúa đến
trong tâm hồn mình, thiết tưởng ta cần nghiêm túc xét xem sự thánh thiện và đạo
đức của chúng ta xây dựng trên nền tảng nào: trên tình yêu? hay trên tham vọng
cá nhân, trên chức vụ, trên sĩ diện? Nếu sự đạo đức thánh thiện ấy không được
xây dựng trên tình yêu, thì chính chúng ta mới là những người phải sám hối
trước tiên. Vì rất có thể những kẻ có vẻ tội lỗi hơn chúng ta lại có nhiều tình
yêu hơn chúng ta, họ đối xử với tha nhân có tình có nghĩa hơn chúng ta. Nên
trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không giá trị bằng họ.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi con cầu nguyện nhiều hơn người khác,
nhưng chính trong khi cầu nguyện, con lại tỏ ra ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu tình
yêu hơn lúc nào hết, khiến việc cầu nguyện của con làm cho Cha chán ngán. Nhiều
khi chúng con giống như những người Pharisêu, cầu nguyện nhiều để được mọi
người coi là đạo đức (x. Mt 6,5), hoặc tự hào về mình trước mặt Cha khi cầu
nguyện (x. Lc 18,11-12). Xin cho con hiểu rằng chỉ có tình yêu chứ không phải
bất cứ điều gì khác làm cho con trở nên giống Cha, nghĩa là nên thánh thiện
thật sự.
Joan Nguyễn Chính Kết